A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Giữ gìn bản sắc đại ngàn

15:40 | 07/08/2024

Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, Đắk Lắk trở thành nơi hội tụ của 49 dân tộc anh em cùng sinh sống.

Họ lưu giữ nhiều bản sắc truyền thống quý báu của dân tộc mình, tạo nên những mạch văn hóa muôn sắc màu, góp phần hình thành một Đắk Lắk thống nhất trong đa dạng.

Sức sống của những lễ hội dân gian

Đã thành thông lệ, cứ đến ngày đầu năm mới dương lịch hằng năm, đồng bào dân tộc Xê đăng (ở buôn Kon Hring, xã Ea Hđing, huyện Cư M’gar) lại tập trung đến nhà văn hóa cộng đồng hân hoan tổ chức Lễ hội mừng lúa mới. Đây là nghi lễ quan trọng và lớn nhất trong đời sống tâm linh của người Xê đăng tại Tây Nguyên.

Tiết mục văn nghệ tại Lễ hội cổ truyền dân tộc Thái (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột)

Già Vi Von, Trưởng buôn Kon Hring kể: Trước kia, tục mừng lúa mới diễn ra trong phạm vi mỗi gia đình, từ năm 1994, được chính quyền địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện trở thành lễ hội chung của cả cộng đồng. Trong lễ mừng lúa mới, già làng thay mặt bà con cầu xin trời đất, thần linh trong năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, dân làng ấm no, mạnh khỏe. Phần hội là để các chàng trai Xê đăng thể hiện tài nghệ tạo dáng cây nêu, kỹ năng chơi đàn, đánh chiêng; phụ nữ thì tất bật với các món ẩm thực gia đình để góp vào tiệc liên hoan đoàn kết cộng đồng...

Định kỳ vào tháng 3 dương lịch hằng năm, tại huyện Lắk cũng diễn ra Lễ hội đua thuyền độc mộc của đồng bào dân tộc M’nông sinh sống ven hồ Lắk. Lễ hội thu hút đông đảo sự quan tâm, tham dự của người dân và du khách thập phương.

Trong khuôn khổ lễ hội, du khách được trải nghiệm các nghi lễ mang đậm tính tâm linh như: Cúng hạ thủy, cúng sức khỏe cho voi; ngắm nhìn những con voi nhà thưởng thức tiệc buffet, xem nghệ nhân chế tác sản phẩm gốm truyền thống của người M’nông; thưởng thức ẩm thực mang hương vị của núi rừng và sản vật từ hồ Lắk…

Hơn 30 năm lập nghiệp, sinh sống trên quê hương mới, đồng bào các dân tộc phía Bắc định cư ở xã Ea Tam (huyện Krông Năng) vẫn lưu giữ và phát huy nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Nổi bật là Lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc (hay còn gọi Chợ tình Ea Tam) tổ chức vào dịp rằm tháng Giêng hằng năm.

Lễ hội không chỉ tái hiện những nghi lễ cổ truyền như: lễ cầu mùa, lễ xuống đồng, lễ cúng thổ công… mà còn tạo không gian sinh hoạt, giao lưu văn hóa cho người dân và du khách qua các trò chơi dân gian như: chạy cà kheo, tung còn, đẩy gậy, đấu vật…

Đây cũng là dịp để những người nông dân tạm gác việc đồng áng bước lên sân khấu, hòa mình trong những điệu múa xòe, hát then, hát lượn, đàn tính…

 

Việc triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn tỉnh là cơ sở để thực hiện tốt phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đóng góp tích cực trong việc thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong thời kỳ mới”.

 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh

Hằng năm, Đắk Lắk còn rất nhiều lễ hội hấp dẫn khác như: Khai hạ của dân tộc Mường (xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông); Lồng tồng của người Tày, Nùng (huyện Cư M’gar); Thanh minh của người Nùng An (xã Cư A Mung, huyện Ea H’leo); Bunpimay của người Lào (huyện Buôn Đôn)… Lễ hội không chỉ có ý nghĩa to lớn trong việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân, thu hút khách du lịch, mà còn tạo nên sự đoàn kết giữa các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh.

Để mạch nguồn văn hóa chảy mãi

Mỗi dân tộc đều có những bản sắc văn hóa truyền thống riêng, từ trang phục, phong tục tập quán, tín ngưỡng đến các trò chơi, diễn xướng... Đó là yếu tố nhận diện và cũng được xem là hồn cốt của mỗi dân tộc. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập hiện nay, những giá trị văn hóa ấy đang đứng trước nguy cơ mai một. Trước thực trạng ấy, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền, địa phương và ngành chức năng trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS).

Từ năm 2020 đến nay, tỉnh đã cấp phát hàng trăm bộ chiêng, hàng nghìn bộ trang phục truyền thống cho các buôn làng và một số trường học. Tổ chức nhiều lớp truyền dạy diễn tấu cồng chiêng cho thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên; dạy chỉnh chiêng cho nghệ nhân trẻ; tổ chức biểu diễn cồng chiêng định kỳ mỗi tháng hai lần tại Trung tâm Văn hóa tỉnh nhằm phục vụ cộng đồng và du khách... Ngoài ra, ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh còn phục dựng, tổ chức trình diễn nhiều nghi lễ, lễ hội dân gian truyền thống. Hiện toàn tỉnh có 70 nghi lễ, lễ hội dân gian của đồng bào các DTTS được tổ chức thường niên.

Trò chơi dân gian giã bánh giầy được tái hiện trong Lễ hội Hảng Pồ (xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ)

Huyện Ea H’leo là địa phương tiêu biểu trong công tác quản lý, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Năm 2023, huyện đã ban hành Nghị quyết về hỗ trợ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS giai đoạn 2023 - 2025.

Qua đó, UBND huyện đã thành lập được 13 đội văn nghệ truyền thống và câu lạc bộ cồng chiêng ở thôn, buôn; tổ chức 7 lớp truyền dạy đánh chiêng và nhạc cụ truyền thống cho thế hệ trẻ…

Hằng năm, các đội chiêng, đội văn nghệ của huyện tham gia hội thi, hội diễn cấp tỉnh đều đạt giải cao. Đặc biệt, trong năm 2023, Đội cồng chiêng dân tộc Êđê huyện Ea H’leo được chọn đại diện cho tỉnh tham gia Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I (tại tỉnh Kon Tum) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng bằng khen…

Lê Thành

Bài viết gốc: https://www.baodaklak.vn/thoi-su/dak-lak-hanh-trinh-the-ky/202408/giu-gin-ban-sac-dai-ngan-16f12ba/

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ