A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Để công trình cấp nước xã Cuôr Đăng phát huy hiệu quả

10:25 | 14/08/2015

Công trình cấp nước (CTCN) sinh hoạt tập trung xã Cuôr Đăng (huyện Cư M’gar) được đầu tư xây dựng từ giữa năm 2014, đến tháng 3-2015 hoàn thành, đi vào vận hành. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 6 hộ đăng ký đấu nối sử dụng nước hợp vệ sinh từ công trìn

CTCN sinh hoạt tập trung xã Cuôr Đăng do UBND huyện Cư M’gar làm chủ đầu tư, tổng kinh phí xây dựng trên 12 tỷ đồng, với mục tiêu cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho 500 hộ (giai đoạn 1) và 1.000 hộ dân (giai đoạn 2) thuộc địa bàn xã Cuôr Đăng. Sau khi hoàn thành, công trình được UBND huyện Cư M’gar bàn giao kỹ thuật cho Trung tâm Nước sinh hoạt và Môi trường nông thôn tỉnh vận hành, tổ chức đấu nối sử dụng nước. Gia đình anh Phạm Văn Ngọc là một trong số ít hộ của buôn Cuôr Đăng A đã đăng ký kết nối sử dụng nước của công trình. Trước đây, gia đình anh sử dụng nhờ nước giếng của hàng xóm. Sau khi làm nhà và mở hàng quán kinh doanh, nhu cầu sử dụng nước tăng lên, vợ chồng anh dự định đào giếng, vừa lúc ấy, công trình đi vào vận hành nên quyết định đóng 1,8 triệu đồng đăng ký đấu nối. Anh Ngọc cho biết: “Mỗi tháng gia đình tôi chỉ tốn khoảng 50.000 đồng tiền nước nhưng rất thuận tiện trong sinh hoạt. Tuy nhiên, do đường ống hay bị bể nên việc cấp nước chưa được đều đặn. Tôi chỉ mong sao công trình hoạt động ổn định hơn để đáp ứng nhu cầu sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh của người dân”. Qua tìm hiểu được biết, công trình có hệ thống đường ống dài gần 30 km chạy qua nhiều buôn trên địa bàn xã. Do đang trong quá trình thi công đường giao thông nông thôn, hơn nữa, người dân đào hố trồng cây, xây dựng tường rào, cổng, mương thoát nước… làm nhiều đường ống bị bể, gây khó khăn cho việc khắc phục sự cố và cấp nước sinh hoạt cho dân. Tuy nhiên, đây cũng không phải là nguyên nhân chính dẫn đến số lượng đấu nối ít.

 

Anh Hoàng Công Phước, Quản lý CTCN tập trung xã Cuôr Đăng (huyện Cư M’gar) kiểm tra việc xử lý nguồn

Theo anh Hoàng Công Phước, Quản lý CTCN tập trung xã Cuôr Đăng, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do người dân chưa nhận thức đầy đủ lợi ích của việc sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh. Mặc dù ngay sau khi tiếp quản công trình, cán bộ của Trung tâm Nước sinh hoạt và Môi trường nông thôn tỉnh cùng lãnh đạo, các đoàn thể UBND xã đã tổ chức họp dân theo từng cụm dân cư, thậm chí đến tận nhà để tuyên truyền về công trình và lợi ích của việc sử dụng nước hợp vệ sinh đối với sức khỏe nhưng nhận thức của người dân vẫn không thay đổi. Nhiều người cho rằng chi phí đấu nối cao, nước lại có mùi clo gây cảm giác khó chịu, trong khi hầu hết các gia đình đều có sẵn giếng đào nên không cớ gì bỏ ra một khoản tiền lớn như vậy để đăng ký. Chẳng hạn như, gia đình anh Ama Huynh ở buôn Ko Néh, mặc dù đường ống chính chạy ngang qua nhà và anh đã tham dự các cuộc họp buôn tuyên truyền về vấn đề sử dụng nước sinh hợp vệ sinh nhưng đến nay vẫn chưa đăng ký kết nối. Ama Huynh phân trần: “Gia đình mình có 7 người, sử dụng nước giếng gần 20 năm nay quen rồi, với lại chưa bao giờ bị thiếu nước nên không việc gì phải bỏ ra gần 2 triệu đồng đấu nối nước của công trình; thôi thì chờ đến khi nào giếng cạn hoặc các hộ xung quanh đều kết nối hết thì lúc đó mới tính”. Điều đáng nói, ngoài những người có chung suy nghĩ như Ama Huynh thì các hộ ở dọc hai bên đường buôn Cuôr Đăng A (Quốc lộ 14) và khu vực chợ thuộc buôn Ko Néh đa số đều thuê mặt bằng để kinh doanh nên hầu như không có nhu cầu kết nối nước của công trình. Đơn cử như trường hợp của anh Nguyễn Hữu Hà thuê quán kinh doanh ăn uống ở khu vực chợ hơn 6 năm nay cho biết: “Mình chỉ là người đi thuê mặt bằng, hơn nữa nước giếng lại có sẵn, bơm lên dùng thoải mái nên cũng chẳng lo gì. Nếu chủ nhà chịu bỏ tiền kết nối mình cũng sẵn sàng trả tiền nước hằng tháng, còn giờ thì có sao dùng vậy”. Được biết, trước tình trạng này, cán bộ Trung tâm và chính quyền địa phương đã tổ chức họp dân tuyên truyền, giải thích về quy trình xử lý nguồn nước; cung cấp bảng giá vật tư đấu nối nhưng mọi chuyện vẫn chưa được tháo gỡ.

Trao đổi xung quanh vấn đề này, ông Y Múk Niê Kdăm, Bí thư Đảng ủy xã Cuôr Đăng cho rằng, hiện nay nguồn nước ngầm có nguy cơ bị ô nhiễm do chuồng trại chăn nuôi, hầm vệ sinh và việc lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Do vậy, cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của việc sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh đối với sức khỏe con người. Và quan trọng hơn, ở địa bàn có 80% hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số như xã Cuôr Đăng, các cấp, ngành cần có chính sách ưu tiên hỗ trợ tiền kết nối hoặc tạo điều kiện tối đa cho họ được vay vốn ngân hàng theo nguyện vọng để đóng phí kết nối, có như vậy thì tình trạng trên mới được giải quyết. Còn theo ông Ngô Xuân Biện, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư M’gar, để công trình phát huy hết hiệu quả, điều quan trọng nhất vẫn là nhận thức của người dân trong việc thay đổi thói quen sử dụng nước. Trước mắt, huyện sẽ tăng cường phối hợp với chính quyền xã, Ngân hàng Chính sách xã hội và Trung tâm để cùng bàn bạc, tìm ra hướng tháo gỡ.

 

 Mạnh Quyền

 

 

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ