A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Vỉa hè bị chiếm hết, đi bộ ở đâu?

08:56 | 11/03/2016

Mặc dù việc triển khai phạt người đi bộ vi phạm Luật Giao thông của Công an TP Hà Nội đã được hơn 1 tháng, song dư luận vẫn xôn xao xung quanh cách làm “chữa phần ngọn” của Hà Nội, nghĩa là phạt người đi bộ vi phạm luật, ...

... nhưng lại không cần biết, không cần hiểu vì sao họ lại phạm luật. Khi mà vỉa hè – mỏ vàng ở đất Thủ đô còn bị xâu xé bởi các nhóm lợi ích, khi mà hạ tầng giao thông chưa đồng bộ thì việc “rèn” ý thức người đi bộ là không tưởng.

Vỉa hè bị chiếm dụng, người đi bộ phải xuống lòng đường.

Nhiều người vô cùng ngạc nhiên, không thể ngờ bỗng dưng một ngày đẹp trời sang chơi nhà hàng xóm liền bị CSGT giữ lại phạt vì “can tội”... đi xuống lòng đường. Khi bị lực lượng CSGT viết giấy phạt thì họ chỉ biết u  ơ, rồi nộp phạt chứ còn cách nào vì rõ ràng đi xuống lòng đường là phạm luật. Bởi lẽ, tại Khoản 1, Điều 32, Luật Giao thông đường bộ quy định: Người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường. Khổ nỗi, có vỉa hè nhưng không dành cho người đi bộ.

Còn nữa, cũng ở Điều 32, tại Khoản 2 nêu: Người đi bộ chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn. Song, ở 4 quận nỗi thành (cũ) của Hà Nội thì còn tương đối đủ vạch sơn, chứ ở các huyện ngoại thành thì lấy đâu ra vạch sơn để mà đi cho đúng luật. Còn đèn tín hiệu cho người đi bộ qua đường thì “hiếm như sao buổi sớm”, trừ các ngã 4 (nhưng cũng phập phù lúc có lúc mất). Vậy thì người dân chấp hành luật kiểu gì đây?

Vẫn biết mọi người phải sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Song, nếu muốn mọi người chấp hành pháp luật thì phải tạo điều kiện cần và đủ, nghĩa là hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông phải được quy hoạch, triển khai đồng bộ, từ giao thông tĩnh (bãi đỗ xe) đường thông, hè thoáng đến việc phân luồng, phân tuyến, dành phần đường, làn đường cho các loại phương tiện giao thông và vỉa hè cho người đi bộ. Muốn người đi bộ không “nghênh ngang” chiếm dụng lòng đường thì phải có vỉa hè cho họ đi, muốn họ sang đường đúng nơi quy định thì phải có đầy đủ vạch sơn dành cho người đi bộ. Hay muốn họ sang đường mà không gây nguy hiểm cho các phương tiện khác thì đèn tín hiệu cho người đi bộ không được thiếu...

Tiếc rằng hầu hết vỉa hè của các con phố – nơi mà theo quy định của Luật Giao thông là phần đường dành cho người đi bộ, thì trên thực tế lại bị người ta chiếm dụng để kinh doanh, đỗ xe, rửa xe... Đơn cử như phố Hàm Long, Lương Văn Can ở quận Hoàn Kiếm, phố Hoàng Hoa Thám thuộc quận Ba Đình... không chỉ 2 bên vỉa hè bị chiếm dụng bày bán hàng hóa, ở một vài thời điểm tư thương còn “mượn” luôn lòng đường để giao dịch buôn bán gây ách tắc giao thông. Sống ở Hà Nội, ai chưa từng khốn khổ bởi cảnh người mua, kẻ bán chen chúc lẫn với các phương tiện giao thông ở dưới lòng đường Lương Văn Can vào các ngày lễ? Ai chưa từng phải đi bộ gần ra giữa lòng đường ở phố Hoàng Hoa Thám mỗi phiên chợ Bưởi?

Tình trạng vỉa hè bị lấn chiếm vô tội vạ khiến nhiều tuyến đường người đi bộ không biết đi lối nào. Điều này đang gây khó cho người đi bộ và họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải... phạm luật. Chính ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia cũng phải thừa nhận rằng: Khi chưa giải quyết đồng bộ hạ tầng giao thông thì thật khó thực hiện nghiêm được việc phạt người đi bộ. Để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, ông Khuất Việt Hùng còn cho rằng không chỉ phạt người đi bộ phạm luật, mà còn phải xử lý nghiêm những người lấn chiếm vỉa hè, hoặc bảo kê cho việc lấn chiếm vỉa hè.

Đó không chỉ là kiến nghị của Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, mà còn là nguyện vọng của đại đa số người dân Thủ đô. Tại Khoản 3, Điều 8, Luật Giao thông đường bộ cũng đã quy định: Nghiêm cấm sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép. Song, có vẻ phạt người đi bộ thì dễ, chứ xử nghiêm hành vi lấn chiếm vỉa hè, hoặc những thế lực bảo kê cho việc lấn chiếm đó thì quá khó.

Một câu hỏi lớn được đặt ra: Vì sao việc ngang nhiên lấn chiếm vỉa hè vẫn diễn ra phổ biến? Vì sao các cơ quan chức năng không kiên quyết xử lý? Không thể nói họ không biết vì các hoạt động trên công khai giữa phố, ngay giữa ban ngày. Mà nhìn ở góc độ công vụ thì chắc chắn có sự thiếu trách nhiệm, thỏa hiệp thậm chí dung túng, bảo kê cho vi phạm.

Không có vỉa hè thì đương nhiên là người đi bộ phải đi xuống lòng đường rồi. Thiếu những công trình hạ tầng giao thông như: Hầm đường bộ, cầu vượt cho người đi bộ, tín hiệu giao thông dành cho người đi bộ... thì đương nhiên là phải sang đường tự do, không đúng luật. Chiểu theo luật thì sai nhưng không thể có lựa chọn khác. Thôi thì nộp phạt, nhưng thật oan cho người đi bộ quá!   

 Lê Anh Đức

 

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ