A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nan giải xử lý ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi

09:32 | 14/08/2016

Chăn nuôi quy mô nông hộ nhỏ lẻ từ lâu đã trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình; ...

... tuy nhiên, do chuồng trại chăn nuôi thường được bố trí trên diện tích đất sinh hoạt chung của gia đình nên đã tác động lớn đến môi trường xung quanh, người dân bức xúc.

Mộ chăn nuôi, cả xóm bị “hành”

Hơn 3 năm nay, nhiều hộ dân ở thôn 1, xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) phải sống trong cảnh ô nhiễm môi trường không khí do mùi hôi thối bốc lên từ trại chăn nuôi vịt của hộ gia đình ông Nguyễn Ngọc Tuyền. Mặc những lời góp ý, yêu cầu của hàng xóm chủ trại vịt vẫn lờ đi hoặc có hứa rồi để đó. Được biết, gia đình ông Tuyền đang chăn nuôi đàn vịt đẻ lấy trứng và ấp giống lên đến hơn 1 nghìn con. Qua thực tế cho thấy, mặc dù số lượng đàn vịt lớn, xung quanh đều là nhà dân sinh sống, khu vực chăn nuôi lúc nào cũng được đóng kín cổng, người ngoài không thể ra vào. Do không xử lý tốt chất thải nên mùi tanh nồng bốc ra khiến người dân sinh sống xung quanh ngày càng bức xúc. Bà Nguyễn Thị Kim Liên, một hộ dân sống cạnh trại chăn nuôi cho biết: “Nhiều lúc nghĩ hàng xóm láng giềng sống với nhau nhiều năm nên nể tình không dám nói. Vậy nhưng, tình trạng này cứ kéo dài năm này qua năm khác khiến nhiều lúc bức xúc quá tôi cũng phải lên tiếng. Dù vậy, tình trạng trên vẫn không không thấy cải thiện hơn. Đặc biệt, không kể nắng hay mưa, mỗi lúc có gió là mùi tanh bốc lên nồng nặc; khổ nhất là những nhà có trẻ nhỏ”. Biết là việc chăn nuôi gia súc, gia cầm trong khuôn viên gia đình ở nông thôn thì hầu như hộ nào cũng có nhưng ở mức độ, số lượng đàn vật nuôi khác nhau; đằng này, việc nuôi cả nghìn con vịt đẻ trong vườn nhà và ở khu vực đông dân cư mà không quan tâm đến việc xử lý chất thải thì không thể chấp nhận được. Chưa kể đến việc gây mùi hôi thối mà tình trạng phát sinh ruồi, muỗi do môi trường bị ô nhiễm đã ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân sống xung quanh khu vực.

Một hộ dân ở huyện Lắk chăn nuôi gia súc trong khuôn viên sinh hoạt gia đình.

Một hộ dân ở huyện Lắk chăn nuôi gia súc trong khuôn viên sinh hoạt gia đình.

Được biết, sau khi nghe thông tin phản ánh sự việc này, UBND xã đã cử cán bộ xuống kiểm tra, ghi nhận tình trạng ô nhiễm; đồng thời, đã nhắc nhở và yêu cầu chủ trại vịt xây dựng hệ thống xử lý chất thải, bảo đảm vệ sinh môi trường. Ông Quang Văn Tuy, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thắng cho biết: “Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, địa phương đã quy hoạch khu chăn nuôi tập trung và vận động 21/21 trang trại chăn nuôi trên địa bàn di dời vào khu vực này; riêng gần 100 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì không di dời bởi đây là những gia trại thuộc quy mô nông hộ”.

Có thể nói, tình trạng này không chỉ diễn ra ở xã Hòa Thắng mà là vấn nạn chung của nhiều xã vùng nông thôn, nhất là các xã tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Cần kiên quyết xử lý triệt để

Trong những năm qua, mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô nông hộ đã tạo nguồn thu nhập cho nhiều hộ nông dân cũng như đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Cùng với sự gia tăng đàn vật nuôi, mở rộng quy mô gia trại, việc quản lý và xử lý chất thải lại chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến tình trạng xả thải gây ô nhiễm nghiêm trọng, thậm chí đang ở chiều hướng báo động. Tuy nhiên, hiện nay chất thải vật nuôi của các nông hộ chủ yếu được xử lý bằng các biện pháp như thải trực tiếp ra môi trường tự nhiên; ủ làm phân bón cho cây trồng và xử lý bằng công nghệ khí sinh học (biogas). Trong khi đó, biện pháp xử lý chất thải bằng hệ thống biogas chỉ giải quyết được vấn đề thu hồi khí sinh học để tận thu làm nhiên liệu còn tình trạng ô nhiễm không được giải quyết triệt để, gây ảnh hưởng đến môi trường đất, nước và không khí. Chưa kể đến việc do kinh phí hạn hẹp nên hầu hết các hệ thống biogas đều được nhiều hộ xây dựng nhỏ hơn mức cần thiết dẫn đến hiệu quả bảo vệ môi trường càng bị hạn chế.

Một hộ dân ở xã Ea Hồ (huyện Krông Năng) xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc cạnh nhà ở.

Một hộ dân ở xã Ea Hồ (huyện Krông Năng) xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc cạnh nhà ở.

Tuy nhiên, trên thực tế thì hầu hết các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ lại không quan tâm đến vấn đề này mà thường theo phương pháp truyền thống, thiếu đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất trong trong xây dựng chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải. Do đó, để khắc phục tình trạng trên, các cấp, ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân, nhất là các hộ chăn nuôi. Bên cạnh đó, cần tăng cường chuyển giao, nhân rộng tiến bộ khoa học công nghệ để người dân tiếp cận biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, từ đó nhân ra diện rộng; khuyến khích việc thu gom chất thải tái chế thành sản phẩm hữu cơ sử dụng cho cây trồng; đầu tư xây dựng và vận hành hầm khí biogas cần tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật...

Không thể phủ nhận, việc phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm ở các hộ nông dân đã và đang tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho nhiều gia đình. Thế nhưng, cần bảo đảm hài hòa giữa lợi ích, giá trị kinh tế mang lại với công tác quản lý, xử lý và bảo đảm môi trường không bị ô nhiễm, không làm ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt của nhiều người. 

Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, hộ chăn nuôi phải đảm bảo các quy định về: thu gom, xử lý nước thải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường; bảo đảm không để rò rỉ, phát tán khí độc hại ra môi trường; xây dựng và thực hiện phương án bảo vệ môi trường…

Thúy Hồng

 

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ