A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Cầu sửa xong mà vẫn thấy bất an!

10:28 | 15/08/2016

Sau hơn 4 tháng kể từ ngày cầu sắt Hàm Long (xã Xuân Phú, huyện Ea Kar) bị sập do xe tải trọng lớn lưu thông qua, đến nay cầu đã được sửa chữa xong, ...

... nhưng nỗi lo cầu sập vẫn ám ảnh người lưu thông qua đây do việc sửa chữa chỉ mang tính tạm thời, trong khi lưu lượng phương tiện qua lại cầu rất cao…

Cầu sắt Hàm Long được xây dựng trước năm 2005, kết cấu bằng bê tông cốt thép, gồm 3 nhịp, với chiều dài 42 mét, rộng 4 mét. Đây là cầu nối xã Xuân Phú và Ea Sô với một số xã khác của huyện Krông Năng nên lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông qua cầu khá cao. Năm 2007, do bị ảnh hưởng của mưa lũ, cầu bị cuốn trôi 2 nhịp và được Sở GTVT hỗ trợ dầm sắt để xây cầu, bảo đảm lưu thông được 9 năm, cho đến ngày 1-4-2016 thì cầu bị sập như đã nói trên. Ngay sau khi sự cố sập cầu xảy ra, UBND huyện Ea Kar đã chỉ đạo UBND xã Xuân Phú tạm thời khắc phục bằng cách san gạt, làm đường tránh phía hạ lưu cầu qua lòng sông, cách vị trí cầu cũ khoảng 10 mét, chỉ dành riêng cho người đi bộ và bố trí rào chắn 2 đầu cầu ngăn không cho các phương tiện lưu thông.

Xe tải lưu thông qua cầu Hàm Long vừa được sửa chữa.

Xe tải lưu thông qua cầu Hàm Long vừa được sửa chữa.

Việc sửa chữa, khắc phục sự cố sập cầu là cần thiết, song trong quá trình triển khai do còn vướng một số thủ tục pháp lý nên dẫn đến chậm trễ, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Đến cuối tháng 6 vừa qua, trong khi cầu Hàm Long đang thi công dở dang thì cầu tạm kế bên bị nước cuốn trôi, khiến hàng trăm hộ dân phải đi đường vòng gần 20 km. Do tính cấp bách của công trình nên chủ đầu tư (UBND huyện Ea Kar) đã có văn bản đề nghị các sở, ngành liên quan thống nhất cho huyện vừa tổ chức thi công vừa lập thủ tục pháp lý. Theo tính toán, tổng kinh phí sửa chữa công trình khoảng 1,4 tỷ đồng, trước mắt UBND huyện chủ động bố trí từ nguồn ngân sách 800 triệu đồng, sau khi cơ quan chức năng điều tra, xác định trách nhiệm bồi thường của tổ chức, cá nhân làm sập cầu sẽ hoàn ứng lại cho huyện.

Theo hồ sơ thiết kế ban đầu, việc sửa chữa cầu Hàm Long sẽ tận dụng lại một phần vật tư của cầu cũ và vật tư nhận từ Sở GTVT để thi công theo hiện trạng ban đầu (Bailey đơn). Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, nhận thấy nếu tận dụng lại vật tư cũ sẽ không bảo đảm an toàn cho nhân dân khi lưu thông qua cầu, do vậy, UBND huyện Ea Kar đã yêu cầu đơn vị tư vấn thiết kế lập thêm hồ sơ bản vẽ từ thiết kế khung Bailey đơn sang khung Bailey kép, gồm 2 nhịp, mặt cầu rộng 4,2 mét, tải trọng cho phép 10 tấn, vận tốc thiết kế 20 km/giờ.

Đến 18-7, việc khắc phục, sửa chữa cầu Hàm Long đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, nhưng đây chỉ là công đoạn sửa chữa, khắc phục tạm thời, nên khi lượng xe tải lưu thông qua cầu lớn, nguy cơ sập, trôi cầu vào mùa mưa lũ luôn rình rập. Chị Trần Thị H., thôn 7, xã Xuân Phú cho hay, nhà chị ở gần chân cầu, mỗi lần xe tải nặng lưu thông qua thấy cầu rung lắc mạnh, nhất là vào thời điểm sáng sớm và chiều tối, có hàng chục lượt xe tải chạy ngang qua, khiến mỗi khi qua cầu, chị luôn vẫn cảm thấy bất an. Còn anh Nguyễn Hữu T., thị trấn Ea Kar chia sẻ, mỗi lần có việc đi từ Ea Kar sang huyện Krông Năng, anh đều phải qua cầu Hàm Long, dù cầu đã được khắc phục, song mỗi lần qua đây, anh phải chờ cho xe tải qua xong anh mới dám qua. Theo thiết kế, tải trọng cho phép của cầu Hàm Long là 10 tấn, nhưng có rất nhiều xe tải hạng nặng chở đất đá, vật liệu xây dựng, nông sản lưu thông qua, trong khi các trạm cân lưu động của tỉnh thường đặt ngoài các tuyến quốc lộ nên khó có thể xử lý các xe chạy nội vùng này chở quá tải lưu thông qua cầu.

Vì những lý do nêu trên, về lâu dài, tỉnh và các sở, ngành liên quan cần quan tâm bố trí kinh phí làm mới cầu, bảo đảm cho người dân lưu thông qua cầu an toàn hơn, tránh bị chia cắt trong mùa mưa lũ. 

Năm 2008, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2075/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình đường liên xã Xuân Phú – Ea Sô, bao gồm các hạng mục: đường cấp V miền núi, cầu vĩnh cửu (Hàm Long) tải trọng HL93 và hệ thống an toàn giao thông do UBND huyện Ea Kar làm chủ đầu tư, tổng kinh phí hơn 31 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA và ngân sách Trung ương hỗ trợ. Đến nay, do chưa được bố trí vốn nên công trình chưa được triển khai xây dựng.

Hoàng Tuyết

 

 

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ