A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Trăn trở ở vùng đất "4 không"

14:22 | 30/08/2017

Thôn Bình Lợi (xã Cư M’lan, huyện Ea Súp) cách trung tâm xã đến 25 km. Cả thôn trải dài khoảng chừng vài cây số giữa đỏ au đất đỏ. Chỉ có hai hộ người Kinh bán buôn, còn lại đông nhất là người Mông (chiếm 50%), sau đến người Dao, một số hộ Tày, Nùng…

Phân hiệu 2 của Trường tiểu học Cư M’lan nằm trên đỉnh đồi cao nhất lồng lộng gió và ngập tràn nắng của thôn Bình Lợi (xã Cư M’lan, huyện Ea Súp). Ngôi trường khánh thành năm 2014, do Huyện Đoàn Ea Súp vận động đoàn viên thanh niên từ TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ xây dựng.

Điểm trường do người dân trong thôn góp tiền mua 21 m2 đất. Xã vận động thêm một gia đình cận kề hiến cho 7 m2 đất nữa, thế là có chỗ học khang trang cho 2 lớp mẫu giáo và 8 lớp tiểu học chia làm 2 ca. Còn một lớp mẫu giáo nữa học nhờ trong nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn, do xã xây ngay sát đấy. Tiếng trẻ đọc bài lảnh lót. Tiếng râm ran “Em chào cô ạ!” rất sõi của những đứa trẻ mắt một mí, mặt tròn xoe, lanh lợi, nghe vui lạ. Lớp mẫu giáo của cô H’Vi La Ksơr chỉ có đúng 1 bé người Kinh, còn lại là người Mông, Dao, Tày…

Cô H’Vi La vào nghề đã 5 năm, dạy tại đây đã được 3 năm. Nhà cô ở thị trấn huyện, mỗi sáng chạy xe vào dạy, chiều lại về. Ngày nào đến trường, cô cũng phải mặc lồng hai bộ quần áo. Một bộ để đi hết con đường đầy bụi đỏ ngày nắng, hay bùn dính bết mùa mưa, một bộ để lên lớp xinh đẹp, duyên dáng trước học trò. Thầy giáo Lê Ngọc Quyết dạy lớp 5, khóa thứ 2 của trường, chỉ có 12 trò, cho biết: “Đây là năm thứ 2 phân hiệu có lớp 5. Nhưng sau đó hầu hết các em đều phải nghỉ học, vì ra xã 25 cây số, bố mẹ không đưa đi được. Trọ học thì còn bé quá”. Chỉ về phía chiếc bồn rửa tay và ống nước cáu bẩn vàng khè, thầy Quyết nói thêm: “Chạy xe trời mưa, đến nơi có nước máy rửa tay chân đã là tốt lắm rồi đấy ạ. Các cô chú xem kia, 3 năm rồi mà xe thầy cô vẫn không có chỗ để, mưa nắng gì cũng núp dưới bóng cây vậy thôi. Trưa thì cháu ngủ trên bàn, thầy cô gật gà tạm trên ghế trong lớp. Đến tiền trợ cấp đứng lớp vùng sâu từ 2015 đến nay còn chưa được nhận nữa. Cứ tập trung cho việc dạy đã. Cũng may mà có mấy sinh viên Hàn Quốc tài trợ cho hệ thống pin mặt trời, nên cả thôn chỉ  riêng điểm trường là có điện cho các cháu học thôi”.

Mẹ con bà Bàn Thị Diệu An Kỳ, trưởng thôn đầu tiên của thôn Bình Lợi.

Mẹ con bà Bàn Thị Diệu An Kỳ, trưởng thôn đầu tiên của thôn Bình Lợi.

Không biết động viên các thầy cô bằng lời nào cho vơi bớt những khó khăn và lo âu, chúng tôi chỉ biết nắm thật chặt những bàn tay đầy bụi phấn, cả đầy chai sần, vì thầy cô nào ở nhà cũng phải làm thêm kinh tế nông nghiệp để bảo đảm cuộc sống, như một sự sẻ chia.

Bà Bàn Thị Diệu An Kỳ, nguyên nữ trưởng thôn đầu tiên của Bình Lợi, cũng là người vào khai phá vùng đất này đầu tiên từ năm 1995. Bà nghỉ việc đã 2 năm nhưng vẫn đương nhiệm đại biểu HĐND xã. Là người đầu tiên khai phá vùng đất hoang sơ này nên bà có tới hơn 15 ha đất, đã chia bớt cho các con 5 ha. Do nhà không có lao động, các con lớn đã lập gia đình ở riêng cả, chỉ còn hai cô gái út sinh đôi, học hết lớp 5 trường làng, không thể cho ra xã trọ học nên ở nhà giúp mẹ sản xuất. 10 ha đất còn lại phải cho người ta thuê canh tác, mấy mẹ con chỉ làm quanh quẩn hơn 1 ha nào bắp, nào tiêu lẫn cao su quanh nhà. Nhà bà Kỳ cũng là một trong vài hộ ít ỏi trong xã có điện từ pin mặt trời. Rời nhà bà Kỳ, chúng tôi như bị ám ảnh bởi ánh mắt buồn rười rượi của hai cô bé cùng 12 tuổi, đều đã phải bỏ học, vừa rời vườn bắp để chụp ảnh với mẹ.

Ở nhà trưởng thôn kế nhiệm Lý Tòn Chuông, cũng dân tộc Dao, năm nay 27 tuổi, hàng chục những bao lúa căng tròn chồng chất đầy trong căn nhà ván, chứng tỏ sự làm ăn khá là tháo vát của gia đình nhỏ này.

Lý Tòn Chuông học xong lớp 10 ở huyện Cư Jut (tỉnh Đắk Nông) thì đi bộ đội 3 năm, rồi cùng gia đình chuyển đến Bình Lợi. Theo Lý Tòn Chuông, dân Bình Lợi gia  đình nào cũng có từ 3-10 ha đất tự khai thác, làm nông nghiệp cả thôn. Nhiều đất sản xuất, không đói mà vẫn nghèo, cả thôn có 247 hộ, 948 khẩu, 50% là người Mông, còn lại là Dao và vài hộ Tày thì có đến 172 hộ nghèo. 100% các hộ đều thuộc diện “bốn không”: không hộ khẩu, không giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không chứng minh thư (có thì cũng đã quá hạn), không điện. Vì không giấy tờ nên bà con không được vay ngân hàng để đầu tư, mà không có tiền thì sản xuất kiểu gì cũng manh mún, nhỏ lẻ, mỗi năm chỉ xuống giống được chừng trăm cây trồng đã là quá sức; ai cần quá thì đi vay bên ngoài, 1 triệu đồng phải trả lãi từ 30.000 - 40.000 đồng/tháng.

Nhà Lý Tòn Chuông đến sau, dành dụm mua lại được  3 ha trồng lúa nước 1 vụ và vạt rẫy trồng đậu bắp. Với 4 lao động, gia đình đủ ăn trong năm. Năm 2011, anh vay thêm mua chiếc máy chà lúa, bắp trị giá hơn 40 triệu đồng làm dịch vụ xát thuê cho bà con trong thôn. Thế mới thấy sự có học của Tòn Chuông cũng giúp cho gia đình có cách làm ăn tích cực hơn, chứ các gia đình khác thì không được thế. Thảo nào, nhìn quanh thôn, ngoài những đám cà phê, tiêu xanh rờn, chỉ thấy nhà ván và vài nhà xây cấp 4 lụp xụp.

Hỏi thăm văn hóa truyền thống có gì còn giữ được không? Mẹ Tòn Chuông, bà Bàn Mùi Pham, 47 tuổi, cho biết: “Bây giờ cũng giản tiện rồi. Người Dao Cao Bằng mình không còn tục “ngủ thăm” của con gái, nhưng có làm lễ qua ta - trưởng thành cho con trai. Cúng cầu an đầu năm, đám cưới, tang ma còn giữ theo phong tục cũ. Thế nên nhà thầy mo mới to hơn được vậy mà. Trong đám cưới người ta cũng mặc quần áo Dao đấy”. Thấy khách tỏ ý tò mò thích thú, bà chạy vào buồng lấy bộ trang phục Dao đỏ định mặc cho xem, tiếc rằng chiếc tủ con dâu khóa đi làm thuê nên không có đủ bộ. Tiếc nữa là một vài tấm vải phụ kiện bộ váy áo bị chuột nhấm mất vài chỗ khiến bà cứ xuýt xoa mãi. Muốn nghe một câu hát Páo Dung dân ca Dao, bà Pham lắc đầu: “Chỉ còn thầy cúng và người già mới biết hát thôi”.

Đem việc thôn “bốn không” hỏi Chủ tịch HĐND huyện Ea Súp, ông Nguyễn Văn Vũ than: “Nhờ phá rừng mà hộ nào cũng trên dưới 10 ha đất hết. Quy định của Nhà nước chỉ cho mỗi hộ 1 ha thôi. Chính quyền bàn với dân mấy năm rồi nhưng bà con cương quyết không chịu. Không có hộ khẩu chính thức thì đầu tư gì cũng không được. Không đầu tư, không có thu thì nghèo vẫn nghèo thôi”.

Đây không phải là nơi duy nhất bà con người dân tộc thiểu số, kể cả bản địa lẫn di cư, canh tác đã nhiều năm mà không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chuyện này có thể gặp ở cả đồng bào bản địa lẫn di cư ở khắp Tây Nguyên. Có ý kiến đề xuất rằng cứ quy định số năm đã canh tác và cấp quyền sử dụng đất cho bà con, nhưng chỉ 1 hoặc 2 ha được miễn thuế, diện tích còn lại phải nộp thuế đất hằng năm. Ý kiến này được bà con người dân tộc thiểu số ở nhiều địa phương tán đồng và mong muốn được đóng thuế đất để tự làm giàu bằng chính bàn tay lao động của mình.

Vấn đề đất đai, rất cần một chính sách đặc thù đối với vùng dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Được có quyền sử dụng đất, có hộ khẩu để có thể vay ngân hàng, đầu tư một cách có hiệu quả vào sản xuất, với sự cần cù lao động vốn có của người miền núi, là cách để người dân có thể tự mình giảm nghèo một cách bền vững như Đảng và Nhà nước mong muốn và đang nỗ lực thực hiện.

Đây là một giải pháp nên xem xét chăng? 

Linh Nga Niê Kdăm

 

 

    Nguồn: "Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ