A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02

Chính sách riêng cho lao động di cư

15:34 | 31/08/2017

Các chuyên gia Chiến lược an sinh xã hội giai đoạn 2012-2020 xác định rõ người lao động di cư là một trong các nhóm yếu thế cần được hỗ trợ.

 Trong đó, lao động di cư cần được công nhận và ghi nhận trong các văn kiện chiến lược quốc gia thay vì coi lao động di cư là một hiện tượng cần kiểm soát.
 

Ảnh minh họa.

Giảm gánh nặng chi phí về BHYT 

Theo các nhà xã hội học, do các điều kiện để nhập hộ khẩu hạn chế, lao động di cư phải đối mặt với nhiều khó khăn khi tham gia các dịch vụ y tế công tại nơi tạm trú.

Sức khỏe dân di cư bị ảnh hưởng tiêu cực bởi điều kiện sống và làm việc, vì vậy họ có nhu cầu tiếp cận những dịch vụ công, nhưng có hơn 90% người di cư lại không thể tiếp cận được với BHYT công và cách điều trị tích hợp. Điều này càng làm gia tăng những khó khăn khi phải chi trả dịch vụ y tế tư nhân với mức trả tiền túi cao.

Một khảo sát nghiên cứu người dân tại hai xã Hải Bối và Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) mới đây của Viện Dân số và Các vấn đề xã hội (Trường ĐH Kinh tế quốc dân) chỉ ra rằng, người địa phương khám BHYT ít hơn so với lao động di cư, con số này lần lượt là 74% và 89%.

Tuy nhiên đa phần dân di cư cũng không quan tâm tới các vấn đề về giám sát y tế công. Cụ thể, chỉ 50% số đối tượng biết về “quyền được biết” và chỉ 40% biết về “quyền được giám sát”. 53% người được hỏi cho biết, không quan tâm tới vấn đề tài chính y tế. Hơn 56% cho rằng, họ không muốn biết và cũng không muốn quan tâm tới vấn đề này

Theo Phó Chủ tịch Hội LH Phụ nữ quận Hoàn Kiếm Phạm Thị Việt Hà đánh giá, Luật BHXH đã có nhiều quy định tạo điều kiện mở rộng đối tượng tham gia BHXH và BHYT.

Song, trên thực tế, việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn, nhất là với lao động di cư khu vực phi chính thức. Lao động di cư lo lắng nhất khi đau ốm, vì họ vừa bị mất thu nhập, vừa phải bỏ ra khoản tiền không nhỏ để trả tiền khám, chữa bệnh.

Đa số họ không có người thân, không có trợ giúp xã hội. Tuy nhiên, do hạn chế về nhận thức trong chăm sóc sức khỏe cùng với điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều lao động di cư bán hàng rong và đồng nát còn không có khả năng khám, chữa bệnh ngay cả khi biết mình mắc bệnh. Mặc dù bản thân có nhu cầu được mua BHYT, nhưng với thu nhập cá nhân ít ỏi, khiến cho họ khó tham gia BHYT.

“Cần đơn giản hóa thủ tục trong triển khai chính sách BHXH, BHYT để lao động di cư dễ tiếp cận việc mua thẻ BHYT và tham gia khám, chữa bệnh. Từ đó, có thể giải quyết vấn đề an sinh xã hội cho lao động di cư để họ yên tâm làm việc”- bà Hà kiến nghị.

Coi lao động di cư là đối tượng cần hỗ trợ 

Là đối tượng có nhiều đóng góp cho xã hội nhưng đây cũng là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi do chính những rào cản đến từ chính sách.

Báo cáo nghiên cứu “rào cản pháp luật và thực tiễn đối với người lao động di cư trong tiếp cận an sinh xã hội” do Oxfam phối hợp thực hiện với nhóm chuyên gia từ Viện Nghiên cứu xã hội vùng Nam Bộ và Mạng lưới Hành động vì người lao động di cư (M.net) gần đây cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp của người di cư cao và một bộ phận đáng kể có công việc thiếu ổn định.

Mức thu nhập cơ bản của nhiều người chưa đáp ứng đủ nhu cầu sống tối thiểu, và họ thường không tiếp cận được các chương trình giảm nghèo và vay vốn tạo việc làm.

Tỷ lệ thất nghiệp của người di cư cao gần gấp 5 lần so với tỷ lệ thất nghiệp của lao động từ 15 tuổi trở lên, tập trung chủ yếu ở nhóm thanh niên 15-24 tuổi.

Về BHXH, 99% lao động di cư khu vực phi chính thức không có BHXH để hỗ trợ họ giảm thiểu rủi ro khi bị ốm đau, tai nạn lao động, tuổi già, và chủ động bù đắp phần thu nhập bị suy giảm hoặc bị mất do các rủi ro đó.

Đáng lưu ý về tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, người lao động di cư gặp khá nhiều rào cản, bao gồm các quy định về phân bổ ngân sách dựa trên dân số thường trú; một số qui định về tiếp cận dịch vụ ASXH còn gắn với hộ khẩu...

Về vấn đề này, trong  báo cáo của Ủy ban Pháp luật Quốc hội ước tính có trên 420 văn bản pháp lý về những giao dịch có yêu cầu hộ khẩu của các bên liên quan (trong số đó có 380 văn bản vẫn còn hiệu lực).

Điều đó chứng tỏ hệ thống hộ khẩu nhiều khi bị lạm dụng trong các hoạt động hành chính và vô hình chung gây khó khăn trực tiếp cho lao động nhập cư khi tiếp cận các dịch vụ khác mà không có hộ khẩu thường trú ở đô thị.

Chính vì vậy theo các chuyên gia cần được nhận thức đúng đắn về lao động di cư để đảm bảo sự công bằng và quyền lợi của người dân.

Trước mắt, có những việc có thể cải thiện ngay. Trong đó các thủ tục hành chính liên quan đến hộ khẩu, BHYT, trường học công... cũng cần được cải thiện theo hướng đơn giản, nhanh gọn và hiệu quả; chính quyền các cấp cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các tổ chức, doanh nghiệp nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động trên tất cả mọi lĩnh vực theo luật quy định.

Theo bà Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng (Light) cần cân nhắc về lao động di cư và đặc thù cuộc sống của họ khi xây dựng chính sách pháp luật hay các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, việc làm, an sinh xã hội. Đồng thời có các chương trình bảo hiểm xã hội đặc thù cho lao động di cư ngoài chế độ hưu trí và tử tuất.  

 Lê Bảo

 

    Nguồn: "Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Tháng 10

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ