A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02

Giỏi nghề để có công việc tốt

07:59 | 04/10/2017

Trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bắt buộc người lao động phải giỏi nghề, giỏi kỹ năng

"Dù thường xuyên làm việc ngoài đồng, đứng trước vài chục bà con nông dân để hướng dẫn họ phun thuốc, trừ rầy, dưỡng cây nhưng đứng trước ban giám khảo, tôi rất hồi hộp. Qua hội thi, tôi học được nhiều kinh nghiệm hay từ các đồng nghiệp và ban giám khảo". Anh Trần Đông Phước (Công ty CP Bảo vệ thực vật Sài Gòn) chia sẻ như vậy tại hội thi thợ giỏi ngành trồng trọt do Công đoàn (CĐ) Tổng Công ty Nông nghiệp tổ chức mới đây.

Học được nhiều điều hay

Dù nắng trưa gay gắt nhưng các thí sinh vẫn miệt mài pha thuốc, vác bình xịt ra đồng. Đây là cơ hội tốt cho các thí sinh củng cố kiến thức và học thêm nhiều điều mới từ các chuyên gia nông nghiệp trong vai trò ban giám khảo.

Anh Phước đứng trước tình huống do ban giám khảo đặt ra: "Có dịp về thăm quê ở huyện Củ Chi, TP HCM, tình cờ anh gặp bác nông dân đang phun thuốc trừ sâu ăn lá và bệnh ghẻ lá, ghẻ trái cho chanh. Bác nông dân sử dụng nhiều loại thuốc trừ sâu, trừ bệnh. Theo anh, bác nông dân sử dụng thuốc như vậy có đúng không?". Anh Đông trả lời: "Không nên pha nhiều loại thuốc cùng lúc vì nhiều hợp chất phối hợp sẽ có hại cho cây chanh. Gặp trường hợp như vậy, tôi sẽ hướng dẫn bác nông dân sử dụng loại thuốc phù hợp trị bệnh cho cây chanh, đồng thời nhắc làm cỏ sạch để không có côn trùng hút chích, gây bệnh cho cây".

Giỏi nghề để có công việc tốt - Ảnh 1.

Anh Trần Võ Công Nhựt (phải), Công ty CP In số 7, hướng dẫn công nhân trong phân xưởng

TS Nguyễn Châu Niên, giảng viên Khoa Nông học Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, nhận xét các thí sinh đều có kiến thức tốt về nông nghiệp, phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, nhiều thí sinh thao tác chưa đúng. "Khi thao tác thực tế ngoài đồng, trong vườn, phải chú ý đến phương tiện bảo hộ cá nhân như quần áo, giày, kính, găng tay... Đây là những vật dụng vô cùng cần thiết, nếu làm không đúng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người thực hiện. Một điều nữa, thí sinh phải hiểu tác hại của từng loại thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, đề phòng khi xảy ra ngộ độc thì biết cách ứng phó phù hợp" - TS Niên nhấn mạnh.

Trưởng thành sau hội thi

Tại Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn, hằng năm, CĐ đều phối hợp cùng Trường Cao đẳng Công nghiệp In Hà Nội tổ chức lớp ôn thi nâng bậc nghề cho công nhân (CN) ngành in. Lớp học không chỉ thu hút CN các đơn vị trực thuộc tổng công ty mà còn thu hút CN của nhiều tỉnh khác như Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Thuận... Sau phần ôn lý thuyết về công nghệ mới và kỹ năng xử lý vướng mắc về kỹ thuật, CN sẽ thi thực hành chính công việc đang làm ngay tại doanh nghiệp.

Là một thí sinh đoạt giải "Bàn tay vàng" của Hội thi nâng bậc ngành in năm 2011, anh Trần Võ Công Nhựt, Công ty CP In số 7, đã có những bước trưởng thành trong công việc. Anh Nhựt hiện là quản đốc phân xưởng thành phẩm, bậc thợ 7/7. Anh Nhựt bày tỏ: "Từ danh hiệu "Bàn tay vàng" trong hội thi, tôi đã cố gắng trui rèn cũng như nâng cao tay nghề cho bản thân. Mỗi năm, tôi đều có 2-3 sáng kiến để làm lợi cho doanh nghiệp. Với những kinh nghiệm có được, tôi đã hết lòng kèm cặp, hướng dẫn thợ trẻ để các em cũng có tay nghề tốt".

Trước khó khăn bởi giá cả, chi phí đời sống gia tăng, trong khi nhiều CN ngành may hết sức chật vật thì chị Nguyễn Thị Nguyệt Minh (Công ty CP Legamex, thuộc Công ty CP Dệt may Gia Định) vẫn sống ổn với thu nhập của mình. Chị Minh từng đoạt giải "Bàn tay vàng" ngành may áo sơ mi năm 2010 do CĐ Công ty CP Dệt may Gia Định tổ chức. Quê chị ở Vĩnh Long, vào công ty làm việc được 20 năm. Từ một thợ trẻ chuyên may thân áo sơ mi, chị đã không ngừng học hỏi, nâng cao tay nghề để tăng năng suất, giảm thời gian và bảo đảm chất lượng sản phẩm. Tất cả các kỹ năng khéo léo của chị đã được vận dụng tại hội thi và mang về danh hiệu cao nhất cho bản thân và doanh nghiệp. Với giải "Bàn tay vàng", chị không chỉ được nâng lương trước niên hạn mà còn được chuyển sang may hàng mẫu cho Xí nghiệp Lega 6.

Ông TRẦN ĐOÀN TRUNG, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM:

Phải thay đổi

Trước sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, người lao động bị ảnh hưởng nhiều nhất. Để ứng phó với tình hình mới, hệ thống CĐ và bản thân người lao động phải thay đổi nhận thức, chuẩn bị chu đáo. Người lao động phải có tri thức vững vàng, tay nghề cao, kỹ năng tốt mới trụ được với công việc.

Bài và ảnh: Hồng Đào

 

    Nguồn: Nld.com.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Tháng 10

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ