A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Tăng tuổi nghỉ hưu: Cực chẳng đã?

10:18 | 02/05/2018

Đề án Cải cách Bảo hiểm xã hội sẽ được trình Hội nghị Trung ương 7 (khai mạc vào ngày 7-5 tới) để xin ý kiến. Đề án đưa ra 2 phương án: Phương án 1, nâng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ lên 60 và nam lên 62, lộ trình mỗi năm chỉ nâng thêm 3 tháng.

Phương án 2 là nữ nghỉ hưu ở tuổi 60, nam 65, lộ trình mỗi năm chỉ điều chỉnh nâng thêm 4 tháng.

PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương.

PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương- nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội trao đổi với PV Đại Đoàn Kết về vấn đề này.

Theo bà Hương, đây là câu chuyện đã đề cập nhiều lần và nên điều chỉnh ở mức 58 tuổi đối với nữ, và 62 tuổi đối với nam là phù hợp nhằm đảm bảo phù hợp với xu thế quốc tế cũng như trong nước. “Đi làm là gắn với thu nhập, về hưu hưởng 75% lương cơ bản như chuyện cô giáo mầm non khi về hưu ngã ngửa ra lương chỉ có từng đấy bởi lúc đi làm cô ý có sống bằng lương đó đâu? Đến khi về hưu mới quay lại thực tế là 75% lương cơ bản nên lúc đó mới ngã ngửa ra”- bà Hương nói. 

PV: Nhưng không ít người lao động lo ngại khi tăng tuổi nghỉ hưu, nhất là lao động ở những nơi nặng nhọc, độc hại?

PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương: Theo các phương án đưa ra, mỗi năm chỉ tăng lên 3-4 tháng. Do cách chúng ta tuyên truyền chưa sâu nên người lao động nghĩ rằng họ đến tuổi nghỉ hưu nhưng không được nghỉ mà phải đi làm. Không phải như vậy. Ngay trong Bộ luật Lao động tại Điều 187 đã quy định ai làm việc ở môi trường nặng nhọc, độc hại thì có thể xin nghỉ sớm, có tuổi về hưu ngắn hơn.

Như vậy họ có quyền lựa chọn, ai không muốn đi làm thì xin nghỉ hưu. Phải thấy rằng đi làm là một quyền chứ không phải là nghĩa vụ. Đi làm có thu nhập và được hưởng 100%, còn khi về hưu chỉ được hưởng 75%. Chúng ta cần khảo sát đời sống của những người về hưu xem họ sướng hay người đi làm sướng hơn.

Thực tế ở nước ta trên 85% những người ở tuổi từ 55 trở lên đối với nữ và 60 trở lên đối với nam họ vẫn làm việc chứ đâu có nghỉ. Họ không đi làm tại các cơ quan nhà nước nhưng ra ngoài xã hội họ vẫn lao động. Lao động đó không phải là đi làm vì đã đi làm là phải làm đúng vị trí, có điều kiện để cải thiện vị trí.

Về hưu rồi đi ra ngoài xã hội làm việc khác đó không phải là cách để chuyển đổi nghề. Nếu họ đủ năng lực, đang có năng suất lao động tại sao phải chuyển đổi nghề nghiệp để dành chỗ cho những người khác trong khi người đó năng lực không bằng mình?

Việc đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu có mối liên hệ gì khi tuổi thọ trung bình của người Việt Nam được nâng lên trên 73,4 tuổi, nhưng tuổi khỏe mạnh lại chỉ 64 tuổi, thưa bà?

- Tuổi thọ trung bình nâng lên là tốt. Nhưng đừng nghĩ không làm gì là khỏe,  hay không làm gì đã yếu, chứ đừng nói đến không làm gì trong khi lại không có thu nhập. Vậy lấy đâu ra mà khỏe? Quan niệm hưu trí và nghỉ ngơi là hai vấn đề khác nhau. Tuổi về hưu của một đời người khác tuổi về hưu của một nghề. Tuổi về hưu của đời người có thể là 55 tuổi nhưng nghề không phải như vậy.

Như một diễn viên múa đến 30 tuổi, hay cầu thủ đá bóng đá đến 30 tuổi chẳng nhẽ họ nghỉ? Đó là tuổi nghỉ hưu của một nghề, còn tuổi về hưu của đời người tổng hòa các yếu tố xã hội là đến 55-60. Đưa ra mức như vậy để họ biết còn đào tạo và để chuyển đổi nghề nghiệp. Vì thị trường lao động chuyển đổi nghề nghiệp liên tục và linh hoạt. Ví dụ trong lĩnh vực dịch vụ cần người trẻ thì người lớn tuổi họ không đứng ở mặt tiền nhưng đứng ở phía sau. 

Thực tế cho thấy đời sống của người về hưu khá khó khăn. Bây giờ mỗi năm làm thêm 3-4 tháng thì đời sống đã được cải thiện. Còn nếu không thích thì theo luật, họ có thể xin nghỉ hưu. Làm việc là quyền lao động, có thu nhập, có địa vị xã hội chứ không phải lao động gây ra ốm đau. Chỉ lao động quá sức, lao động không đúng mới ốm đau, còn lao động vừa phải còn tạo ra sinh lực. 

Có một thực tế là hiện tỷ lệ lao động trẻ, trong đó có sinh viên ra trường nhưng không có việc làm. Nhiều ý kiến lo ngại giờ nâng tuổi nghỉ hưu lên sẽ khiến tình trạng thất nghiệp ngày càng trầm trọng hơn, thưa bà?

- Đừng nghĩ rằng một người cần về hưu để nhường chỗ cho lớp trẻ. Đó là không đúng về mặt bản chất vì thị trường lao động có tính phân mảng. Vì một người có năng lực họ có thể tạo ra được nhiều việc làm cho người khác. Họ về hưu chỉ tạo ra được 1 việc làm nhưng họ ở lại có khi tạo ra được việc làm cho nhiều người. 1 người lo bằng cả kho người làm là vậy. Nhất là người đứng đầu còn có trình độ khác xa so với người trẻ.

Thời gian qua người trẻ không có việc làm là do thị trường lao động. Ví dụ như lao động trẻ thiếu kinh nghiệm, hay đào tạo chưa  được phù hợp. Đừng nhìn cơ học, khi có 1 người về hưu thì có 1 người khác được nhận vào và có việc làm. Vấn đề không phải là như vậy. Bởi việc làm phụ thuộc nhiều vào thị trường lao động.

Trân trọng cảm ơn bà!

H.Vũ (thực hiện)

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ