A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Huyện Krông Năng - Nan giải bài toán cải thiện hệ thống giao thông

13:54 | 23/08/2018

Là huyện nằm phía Đông Bắc của tỉnh, cách TP. Buôn Ma Thuột 50 km, tiếp giáp với nhiều địa phương khác nên huyện Krông Năng có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, xã hội.

Tuy nhiên, những năm gần đây nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện bị xuống cấp khiến việc giao thương trở nên khó khăn hơn.

Để phát huy lợi thế địa lý, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông ở huyện Krông Năng đã được quan tâm đầu tư hàng chục năm nay từ nhiều nguồn vốn khác nhau, tuy nhiên do nguồn kinh phí duy tu, bảo dưỡng hằng năm hạn chế nên hiện nay nhiều tuyến đường đã và đang bị xuống cấp. Theo đánh giá của Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện, các tuyến đường liên huyện, liên xã, liên thôn, đường nội đồng cơ bản đã được quan tâm đầu tư từ nhiều nguồn vốn (vốn ngân sách, vốn huy động hợp pháp khác), hình thành theo từng cấp độ từ đường cấp phối, bê tông đến đường nhựa với tổng chiều dài khoảng 1.623 km.

Tuy nhiên, trong số gần 500 km đường huyết mạch là quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên xã có mật độ xe cộ giao thương hàng hóa lớn đã có trên 20% xuống cấp và xuống cấp nghiêm trọng. Điển hình như tuyến đường từ xã Ea Đăh đi xã Phú Xuân dài 16 km có nhiều đoạn biến thành thành ổ voi, lấn chiếm cả lòng đường, mùa khô bụi bặm, mùa mưa tụ nước gây cản trở giao thông. Hay tuyến đường từ các xã Ea Tân, Ea Tóh đi xã Ea Hồ dài khoảng 20 km gần như bị xuống cấp hoàn toàn khiến việc đi lại bằng xe máy trên đoạn đường này cũng kéo dài gần 1 giờ đồng hồ. Đặc biệt, đường xuống cấp đang là rào cản lớn trong buôn bán nông sản của nông dân. Ông Nguyễn Văn Minh, một nông dân ở xã Ea Tóh cho hay, điều kiện khí hậu, đất đai khá thuận lợi cho việc phát triển các loại cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu, bơ, sầu riêng… nhưng những năm gần đây đường sá xuống cấp nghiêm trọng nên việc buôn bán bị ảnh hưởng. Nông sản ở các thôn nằm xa trung tâm xã thường xuyên bị thương lái ép cấp, ép giá và phải chấp nhận bán rẻ hơn từ 2 – 3% giá so với khu vực trung tâm.

Đoạn đường ngang qua thôn Tấn Lộc, xã Ea Tóh bị xuống cấp, gây cản trở giao thông của người dân. Ảnh: T. Hường

Toàn huyện hiện có hơn 1.623 km đường giao thông. Trong đó, Quốc lộ 29 gần 24 km, Tỉnh lộ 3 hơn 16 km, đường huyện gần 150 km, đường xã hơn 415,5 km, đường thôn 520 km, đường xóm 480,5 km, đường trục chính nội đồng gần 434 km.

Lý giải nguyên nhân đường xuống cấp, ông Nguyễn Tiến Ấn, Phó Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Krông Năng cho rằng, nguyên nhân dẫn đến các tuyến đường bị xuống cấp là do đa số là các loại hàng hóa trên địa bàn huyện đều vận chuyển tập trung bằng đường bộ, trong đó có nhiều xe quá khổ, quá tải lưu thông thường xuyên. Đặc biệt là xe chở vật liệu xây dựng từ các huyện Krông Bông, Ea Kar ngang qua địa bàn huyện để đến thị xã Buôn Hồ, huyện Krông Búk, Ea H’leo… khiến đường xuống cấp nhanh chóng. Trong khi đó, huyện chưa được trang bị cân tải trọng di động để có căn cứ xử phạt nên tình trạng đó xảy ra thường xuyên trong nhiều năm nay. Mặt khác, nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện thiếu hệ thống thoát nước đồng bộ dẫn đến tình trạng ngập úng cục bộ trên các tuyến đường. Một số hộ dân lo ngại nước từ đường chảy vào vườn hồ tiêu của gia đình nên chặn cống thoát nước khiến nước không thoát được, tích tụ trên đường lâu dần làm mặt đường bong tróc, xuống cấp nhanh chóng. Hằng năm, huyện cũng bố trí kinh phí sửa chữa, nhưng nguồn kinh phí được bố trí quá ít so với nhu cầu nên việc sửa chữa chỉ dừng lại ở mức chắp vá. Riêng năm 2017 huyện bố trí đầu tư xây dựng và sửa chữa trên 20 km với tổng kinh phí khoảng 30 tỷ đồng, kế hoạch năm 2018 là 15 km đường với tổng kinh phí khoảng 25 tỷ đồng. Hiện tại, địa phương đang tiến hành khảo sát, chuẩn bị sửa chữa các tuyến đường.

Kinh phí khắc phục, sửa chữa rất lớn, vượt quá khả năng của địa phương do đó việc ngăn chặn, hạn chế nguyên nhân là giải pháp hữu hiệu để ổn định hệ thống giao thông trên địa bàn. Huyện Krông Năng đang kiến nghị Ban An toàn giao thông tỉnh hỗ trợ cân tải trọng lưu động để có căn cứ xử phạt các trường hợp vi phạm; tỉnh bố trí nguồn ngân sách hợp lý, kịp thời để địa phương chủ động sửa chữa, đầu tư, tránh trường hợp xuống cấp nghiêm trọng gây cản trở giao thông của người dân.

Thanh Hường

    Nguồn: "Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ