A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đeo khẩu trang nơi công cộng: Người sốt sắng - kẻ thờ ơ

10:00 | 17/03/2020

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về phòng, chống dịch Covid-19, đông đảo người dân trên địa bàn tỉnh đã hưởng ứng việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng từ ngày 16-3. Tuy nhiên, vẫn còn một số người lơ là, chủ quan…

Tự giác bảo vệ sức khỏe

Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột ngày đầu tuần (16-3), lượng khách đến mua sắm có phần thưa thớt hơn dịp cuối tuần.  Theo ghi nhận của phóng viên, đa số khách hàng đến đây đều đeo khẩu trang vải hoặc khẩu trang y tế. Anh Trần Hữu Mạnh, nhân viên siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột cho hay, không chỉ 100% nhân viên siêu thị đeo khẩu trang y tế mà còn thường xuyên nhắc nhở khách hàng thực hiện đầy đủ biện pháp phòng, chống dịch, trong đó có việc đeo khẩu trang.

Tại siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột người dân đeo khẩu trang khi đến mua sắm. (Ảnh chụp sáng 16-3)

Cô Hoàng Thị Hạnh (ở phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) nói: “Tôi rất ủng hộ các biện pháp phòng, chống dịch của cơ quan chức năng, đặc biệt là đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Mọi người nên thực hiện tốt để góp phần hạn chế sự lây lan của dịch bệnh”. Là khách hàng thường xuyên của các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cô Phạm Thị Minh (phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) bày tỏ: “Tôi yên tâm khi đến siêu thị, cửa hàng tiện lợi mua sắm đồ dùng thiết yếu cho gia đình, bởi ở đây ai cũng tự giác bảo vệ sức khỏe bằng cách đeo khẩu trang”.

11 giờ ngày 16-3, lượng khách hàng “đổ về” cửa hàng tiện lợi Thành Phát (TP. Buôn Ma Thuột) khá đông. Khách hàng ở đây đa phần là cán bộ, công nhân viên chức các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột nên đều đeo khẩu trang khi đến mua hàng. 100% nhân viên của cửa hàng khi giao dịch, tiếp xúc với khách hàng đều đeo khẩu trang.

Chị Hoàng Thị Mỹ Trang, quản lý cửa hàng cho biết: “Việc đeo khẩu trang khi bán hàng đã được thực hiện nghiêm túc từ sau Tết Nguyên đán năm 2020. Ban đầu cũng gặp một vài bất tiện khi giao dịch với khách hàng nhưng vì bảo vệ sức khỏe cho nhân viên, cho khách hàng nên ai cũng chấp hành. Để quy định này trở thành nền nếp, hằng ngày cửa hàng đều phát khẩu trang y tế miễn phí cho toàn bộ nhân viên và phát dự phòng 3 khẩu trang vải/nhân viên".

Cũng theo chị Trang, cách đây 1 tuần, khoảng 60% lượng khách hàng đeo khẩu trang khi đến mua sắm, nhưng 2 ngày trở lại đây, đặc biệt là từ sáng nay (16-3) - quy định thực hiện đeo khẩu trang nơi công cộng có tập trung đông người được áp dụng, thì trên 80% khách hàng đã thực hiện.

Tại điểm chờ xe buýt trên đường Nguyễn Tất Thành (TP. Buôn Ma Thuột), người đeo khẩu trang, người không. (Ảnh chụp sáng 16-3)

Dạo qua một số bến xe buýt trong tỉnh, tài xế, nhân viên kiểm soát vé xe buýt, nhiều hành khách đã ý thức việc đeo khẩu trang, sử dụng dung dịch cồn khi lên, xuống xe buýt. Anh Phạm Tuấn Việt, nhân viên kiểm soát vé tại trạm Lê Hồng Phong (TP. Buôn Ma Thuột)  thuộc Công ty Cổ phần Vận tại ô tô Đắk Lắk cho biết: “Không chỉ hôm nay nhân viên công ty mới đeo khẩu trang, trước đó khoảng giữa tháng 2, công ty đã tuyên truyền đến 100% nhân viên thực hiện đeo khẩu trang để phòng, chống dịch".

Có mặt trên tuyến xe buýt từ huyện Krông Pắc về Buôn Ma Thuột sáng 16-3 ông Phạm Văn Oanh (xã Ea Kly) trò chuyện: “Tôi thường xuyên đi xe buýt lên TP. Buôn Ma Thuột để trông cháu. Trước đây, tôi không bao giờ đeo khẩu trang vì thấy ngột ngạt, bức bí, nhưng từ khi dịch Covid- 19 diễn biến phức tạp tôi đã chủ động mua khẩu trang để đeo khi tới những nơi đông người. Gần đây, tôi mua loại khẩu trang vải để thuận lợi cho việc sử dụng và dùng được nhiều lần, chủ động trong việc phòng chống dịch".

Tại Bến xe liên tỉnh, lượng hành khách đến và đi cũng tuân thủ tốt việc thực hiện đeo khẩu trang trong quá trình đi lại. Ông Đỗ Thanh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần bến xe liên tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Công tác phòng chống dịch Covid-19 đã được công ty triển khai từ rất sớm. Ngay khi bắt đầu có dịch, ngoài công tác tuyên truyền, hướng dẫn trên hệ thống loa phát thanh, Công ty còn thực hiện bố trí các điểm rửa tay cho hành khách, phát khẩu trang miễn phí cho cả nhân viên, tài xế, phụ xe lẫn hành khách đến và đi. Đặc biệt, trong thời điểm dịch đang diễn biến phức tạp như hiện nay, ngoài việc nhắc nhở hành khách tuân thủ quy định đeo khẩu trang, chúng tôi còn yêu cầu hành khách kê khai họ tên, địa chỉ, số điện thoại, nơi cư trú và nơi đến để khi có tình huống khẩn cấp xảy ra có thể liên lạc được ngay với hành khách”.

Vẫn còn nhiều người lơ là, chủ quan

Bên cạnh việc chấp hành nghiêm túc việc đeo khẩu trang nơi công cộng để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cộng đồng, vẫn có một số người còn chủ quan, điều này rất nguy hiểm khi mà đại dịch Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp.

Tại khu vực hàng ăn của chợ Tân An  (TP. Buôn Ma Thuột) sáng 16-3, đa số người bán hàng đều không đeo khẩu trang, vẫn “vô tư” trao đổi, tiếp xúc gần với thực khách. Một chị bán hàng hồn nhiên trả lời: “Ở chợ này có ai đeo khẩu trang y tế đâu, nên em cũng không đeo! Mọi người không đeo khẩu trang, nếu mỗi mình em đeo chắc chắn… ế hàng. Vi rút Corona nhạy cảm với ánh sáng, nhiệt độ, tia cực tím, sợ cả gió, sợ môi trường thông thoáng khí… Thời tiết ở Đắk Lắk mấy ngày gần đây nóng vậy, con người còn thở không nổi thì làm sao vi rút Corona sống được!”.

Nhiều người dân chủ quan không đeo khẩu trang nơi công cộng. (Ảnh chụp tại cây xăng trên đường Lý Thái Tổ, TP. Buôn Ma Thuộtsáng 16-3). 

Ghé qua một số chợ truyền thống, cây xăng, quán cà phê, hoa viên… trong tỉnh, hầu hết người dân đều nắm được quy định kể từ ngày 16-3 thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang nơi công cộng, nhưng việc chấp hành thì mỗi người một lý do.

Ông Nguyễn Văn Đạt (67 tuổi) tiểu thương chợ nhỏ (đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP. Buôn Ma Thuột) nói: "Vẫn biết đeo khẩu trang y tế, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng sẽ hạn chế vi rút Corona xâm nhập vào cơ thể, nhưng tôi bị cao huyết áp đã hơn 6 năm, đeo khẩu trang khiến tôi ngột ngạt không thở được. Tôi cũng cố gắng đeo khẩu trang, nhưng chỉ được mấy ngày lúc mới xảy ra dịch, còn bây giờ thì… đành chịu. Con người sống chết có số!".

Bà Lừng Thị Đào (tiểu thương ngành hàng ăn uống chợ Trung tâm TP. Buôn Ma Thuột) lại chủ quan: “Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra chủ yếu lây từ người nước ngoài, do ngồi gần, tiếp xúc trực tiếp nên ở mình cũng chưa đến mức cần thiết phải đeo khẩu trang y tế. Mùa dịch bệnh, các hàng quán đều ế ẩm, lượng khách đến mua không bằng 50% so với trước Tết Nguyên đán Canh Tý, khu vực chợ lại rộng nên việc lây lan… cũng khó”.

Và cũng tại những điểm giao thông công cộng, không phải người tham gia giao thông nào cũng có ý thức đeo khẩu trang để bảo vệ sức khỏe, vẫn còn không ít hành khách chưa đeo khẩu trang khi đi xe buýt, xe ôm…; hoặc có đeo khẩu trang nhưng chỉ mang “cho có”.

Không nhất thiết phải đeo khẩu trang y tế

Sáng 16-3, hầu hết các quầy thuốc trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đều hết khẩu trang y tế dù lượng khách hàng đến hỏi mua khá nhiều. Một số quầy thuốc tư nhân lớn, giới thiệu cho người dân loại khẩu trang vải (12 nghìn đồng/cái) có thể sử dụng nhiều lần, bảo vệ môi trường, tiết kiệm và vẫn bảo đảm an toàn. Không có khẩu trang y tế, nhiều người chuyển sang mua khẩu trang vải để dùng.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Quang Trí, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, phương thức lây truyền chủ yếu của dịch Covid-19 là thông qua giọt bắn khi ho, hắt hơi hoặc nói chuyện thông thường từ người mắc bệnh sang người lành. Do đó, khi đeo khẩu trang sẽ ngăn cản được rất nhiều việc phát tán vi rút ra môi trường xung quanh. Phải khẳng định là đối với việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng chúng ta có thể sử dụng khẩu trang y tế hoặc khẩu trang vải thông thường. Tuy nhiên trong thời điểm hiện nay, khẩu trang y tế đang rất khan hiếm, người dân có thể sử dụng khẩu trang vải thông thường hoặc khẩu trang vải kháng khuẩn đang có trên thị trường, các loại khẩu trang này có thể giặt, phơi khô để sử dụng nhiều lần.

Ngoài việc đeo khẩu trang, thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Quang Trí cũng khuyến cáo người dân phải thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn dưới vòi nước với thời gian tối thiểu 20 giây để làm giảm vi rút bám trong lòng bàn tay khi vịn, nắm, tiếp xúc với các bề mặt có ẩn chứa vi rút ở nơi công cộng.

Ngoài việc lựa chọn khẩu trang có chất lượng đảm bảo, người dùng cũng cần phải sử dụng khẩu trang đúng cách. Do đặc tính và khả năng phòng bệnh của từng loại khẩu trang khác nhau, nên việc sử dụng khẩu trang trong phòng bệnh cũng phải phù hợp.

Nhóm phóng viên

Bài viết gốc: http://baodaklak.vn/channel/3484/202003/deo-khau-trang-noi-cong-cong-nguoi-sot-sang-ke-tho-o-5673712/

    Nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ