A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Người lao động trước thách thức dịch Covid-19

08:05 | 04/05/2020

Theo đánh giá của chuyên gia và đại diện doanh nghiệp (DN), trong bối cảnh chịu tác động lớn của dịch Covid-19 hiện nay, việc triển khai các gói hỗ trợ là rất cần thiết, kịp thời.

Tuy vậy, nếu chỉ bằng nỗ lực của Nhà nước là chưa đủ mà rất cần sự chung sức của DN và người lao động (NLĐ). Trong đó các giải pháp không chỉ dừng lại ở hỗ trợ trước mắt bằng tiền mà quan trọng phải giúp NLĐ tìm được việc làm mới phù hợp góp phần ổn định thu nhập.

Đảm bảo việc làm bền vững cho người lao động là vấn đề cấp bách hiện nay.

Việc làm: Thách thức lớn

Theo thống kê của Tổng cục Thống kê trong quý I/2020, “bóng ma” dịch bệnh cũng đã khiến khu vực DN gặp nhiều khó khăn trong quý đầu năm 2020: số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên lến 18.600, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.Số DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 12.200, giảm 20,6%, trong đó có 2.629 DN bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN theo chương trình chuẩn hóa dữ liệu năm từ năm 2018. Số DN hoàn tất thủ tục giải thể trong quý I/2020, tương đương với cùng kỳ năm trước.

Cũng theo Tổng cục Thống kê cán cân cung - cầu của thị trường việc làm quý I đang chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 với số DN tạm ngừng kinh doanh tăng nhanh, đồng thời tỷ lệ tham gia lao động cũng ở mức thấp kỷ lục 10 năm.

Thị trường lao động suy giảm ở hầu hết các tỉnh thành cũng như ở các ngành, nghề lao động. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả trong nước quý I ước 55,3 triệu người, giảm 673.100 người so với quý trước và thấp hơn 144.200 người so với cùng kỳ năm 2019.

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp của người trong độ tuổi lao động 3 tháng đầu năm là 2,22%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 3,18% và nông thôn là 1,73%.Đáng chú ý là tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (15-24 tuổi) trên cả nước lên đến 7,01%, nếu tính riêng khu vực thành thị lên đến 9,91%.Trong khi đó tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi là 2%, cao hơn 0,83% so với cùng kỳ năm ngoái - mức tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Ở nông thôn chiếm đến 2,52%.

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý I/2020 ước đạt 75,4%, giảm 0,012% so với quý trước và thấp hơn 0,013% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức thấp nhất ghi nhận trong 10 năm qua.

 Thực tế chỉ tính ở Đồng Nai theo báo cáo của các cấp Công đoàn, toàn tỉnh có hơn 123.000 NLĐ của 106 DN bị ảnh hưởng đời sống, việc làm bởi dịch Covid-19. Trong đó, có 20 DN với 20.500 lao động giảm giờ làm việc; 5 DN cho 3.400 lao động nghỉ không hưởng lương; 21 DN với hơn 5.600 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động; 16 DN thỏa thuận cho hơn 4.000 lao động nghỉ việc hưởng lương tối thiểu vùng hoặc lương căn bản.

Đánh giá về những thách thức việc làm ở Việt Nam, TS Lee Chang-Hee, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho rằng, trên thế giới có khoảng 38% lực lượng lao động đang chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng về sản lượng, đi kèm với những nguy cơ cao phải sa thải lao động, giảm lương và giờ làm. Trong số đó có các ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống, sản xuất, thương mại bán buôn và bán lẻ, bất động sản và các hoạt động kinh doanh, vận tải và giải trí. Ở Việt Nam, những lĩnh vực này hiện đang sử dụng hơn 22,1 triệu lao động, tức 40,8% tổng số việc làm của Việt Nam. Đây là những nhóm có nguy cơ bị thất nghiệp và thiếu việc làm trước ảnh hưởng của dịch Covid-19.

“Không để ai bị bỏ lại phía sau”

Trước thực trạng trên nhằm đảm bảo cuộc sống cho NLĐ, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị quyết về các biện pháp và gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhằm chia sẻ khó khăn cùng nhân dân cả nước, hỗ trợ các đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm; gặp khó khăn không đảm bảo mức sống tối thiểu. Với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau” gói hỗ trợ với hơn 62 ngàn tỷ đồng được kỳ vọng sẽ giúp khoảng 20 triệu đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vượt khó khăn ổn định cuộc sống.

Chia sẻ về giải pháp triển khai gói hỗ trợ với chức năng là cơ quan chủ trì triển khai gói hỗ trợ, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung khẳng định gói hỗ trợ sẽ đến tay người lao động khó khăn trong thời gian sớm nhất, không để trễ; công khai, minh bạch, tránh trục lợi chính sách.

Do đó, bên cạnh việc đề nghị các bộ, ngành, tỉnh, thành phố quan tâm, phối hợp thực hiện, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH nêu rõ, trong quá trình triển khai, cần kiểm tra, xử lý ở mức nghiêm minh nhất các vi phạm trong triển khai hỗ trợ.

Về cách thức triển khai, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ LĐTBXH xây dựng chính sách hỗ trợ các đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, người nghèo, hộ cận nghèo sẽ thực hiện hỗ trợ 3 tháng, thực hiện chi trả 1 lần, cơ bản trong tháng 4 và đầu tháng 5. Đối với đối tượng có quan hệ lao động, việc hỗ trợ tối đa trong 3 tháng, tháng nào bị giảm sâu thu nhập, đủ điều kiện thì hỗ trợ tháng đó. Với việc cho DN vay lãi 0% để trả lương, DN đứng ra vay, Ngân hàng Chính sách xã hội chi trả trực tiếp vào tài khoản của người lao động.

Trường hợp nhóm lao động không có giao kết hợp đồng, Bộ trưởng nhận định đây là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp, lớn nhất của dịch Covid-19, cần quan tâm và cũng là nhóm khó xác định nhất, dễ nảy sinh hệ lụy.

Cần sự đồng lòng của người lao động, doanh nghiệp

Trước những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Quốc hội, Chính phủ đã có những giải pháp kịp thời hỗ trợ DN và NLĐ. Tuy nhiên, các chuyên gia đã khuyến nghị, các chính sách phải đúng trọng tâm, tránh dàn trải gây tốn kém nguồn lực. Cần xây dựng các kịch bản ứng phó chính sách khác nhau đối với các cấp độ về bệnh dịch (chia thành các cấp độ chính sách “hỗ trợ” và “cứu trợ”). Ưu tiên thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Đối với nhóm các DN bị ảnh hưởng nhưng còn hoạt động: Cần có tiêu chí phân loại mức độ chịu ảnh hưởng và hưởng hỗ trợ. Hoãn/miễn đóng BHXH, tiền thuê đất, lãi vay, giãn thu thuế VAT (không phải thuế TNDN); Ưu đãi vốn vay nhưng phải đảm bảo phương án kinh doanh khả thi để tránh nợ xấu.

Nhận định về thị trường lao động trong quý II và quý III tới đây bà Nguyễn Phương Mai- Giám đốc điều hành Navigos Search cho biết, một khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu tuyển dụng sẽ bùng nổ vì các DN sẽ cần đến đội ngũ nhân lực để vực dậy hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, các DN cần phải có chiến lược giữ chân lao động đồng thời nên xúc tiến hoạt động tuyển dụng trong thời gian này vì nguồn cung lao động đang dồi dào hơn và ứng viên khi nhận việc sẽ có nhiều thời gian để hòa nhập với công ty và chuẩn bị cho kế hoạch phát triển sau khi dịch bệnh qua đi. Nếu DN chọn cách tạm hoãn các hoạt động tuyển dụng, sẽ có thể phải đối mặt với cuộc cạnh tranh thu hút nhân tài một khi nhu cầu bùng nổ trở lại.

Đồng quan điểm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng, DN phải có chính sách giữ chân người lao động. Đây là chiến lược về phát triển nhân lực, biện pháp quản lý nhân sự trong DN phải lưu ý vấn đề này. Các DN phải sớm nghiên cứu và xây dựng các kế hoạch chương trình để chống đỡ tác động của dịch liên quan đến vấn đề nhập nguyên liệu, lao động.

Chia sẻ về giải pháp ổn định thị trường việc làm trước tác động của dịch Covid 19 TS Lee Chang-Hee cũng cho rằng, điều quan trọng cần làm là tập trung duy trì việc làm, bằng cách hướng những hỗ trợ của Chính phủ tới những DN có thực hiện các biện pháp để giữ người lao động và bảo vệ sức khỏe của người lao động bằng các hình thức phân công công việc đảm bảo sức khỏe. Để làm được điều đó, quan trọng là cần phải tổ chức đối thoại xã hội giữa DN và NLĐ, và giữa cả hai bên với Chính phủ để tìm được hướng điều chỉnh dần dần.

Việc chi trả các nhóm đối tượng, Bộ LĐTBXH cùng Văn phòng Chính phủ sẽ chỉ đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam và ngành Bưu điện cơ bản thực hiện trên dịch vụ công trực tuyến. Theo đó danh sách các đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo rà soát, xem xét, phê chuẩn toàn bộ danh sách các đối tượng. Trên cơ sở đảm bảo công khai, minh bạch từ tổ dân phố, thôn, xóm và niêm yết công khai ở cấp xã, phường. Đồng thời, quy rõ trách nhiệm của từng cấp nhất là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phải chịu trách nhiệm toàn diện ở địa bàn xã. Còn ở công ty, doanh nghiệp... người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.

Lê Bảo

Bài viết gốc: http://daidoanket.vn/kinh-te/nguoi-lao-dong-truoc-thach-thuc-dich-covid-19-tintuc465301

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ