A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nhìn lại chặng đường chống dịch Việt Nam từ khi có ca bệnh Covid-19 đầu tiên

10:31 | 12/06/2021

Việt Nam đã vượt mốc 10.000 ca bệnh. Cùng với chống dịch "phòng thủ", Việt Nam đã chuyển sang chủ động tấn công, đặt mục tiêu tạo miễn dịch cộng đồng trong năm 2021 bằng việc phủ vắc-xin Covid-19.

Ngày 23-1-2020 (29 Tết), Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) xác nhận 2 bệnh nhân Covid-19 đầu tiên là hai cha con người Vũ Hán (Trung Quốc) - nơi xuất hiện các ca bệnh đầu tiên trên thế giới. Kể từ đó cuộc chiến chống Covid-19 ở nước ta chính thức bắt đầu.

Ngay từ giai đoạn đầu tiên, Việt Nam xây dựng kịch bản chống dịch với những nguyên tắc "ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch và điều trị". Giai đoạn này kéo dài tới tháng 4-2020, trong đó đỉnh điểm là việc thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1-4-2020 trên phạm vi toàn quốc. Tại thời điểm đó, Việt Nam có tổng cộng 204 ca bệnh, chưa có ca tử vong.

Những ca bệnh Covid-19 đầu tiên ở Việt Nam là cha con bệnh nhân người Trung Quốc

Giai đoạn 2 bắt đầu từ ngày 24-7 với việc ghi nhận ca bệnh đầu tiên ở TP Đà Nẵng. Từ thời điểm này, Việt Nam trải qua đợt dịch thứ 2 với tâm dịch tại Đà Nẵng và ca bệnh chỉ điểm không xác định được nguồn lây. Dịch bùng phát tại Đà Nẵng và 14 tỉnh, thành phố khác. Từ 0 giờ ngày 28-7-2020, Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại 6 quận trên địa thành phố trong vòng 15 ngày. Giai đoạn 2 Đà Nẵng đã ghi nhận 389 trường hợp mắc, 31 trường hợp tử vong, tất cả đều là những trường hợp có nhiều bệnh nền nặng: Suy thận, suy đa tạng, ung thư giai đoạn cuối... Ngày 23-9-2020, trường hợp bệnh nhân Covid-19 cuối cùng của đợt 2 tại TP Đà Nẵng được công bố khỏi bệnh.

Giai đoạn này, Việt Nam đã ghi nhận ca mắc thứ 1.000 là chuyên gia người Philippines nhập cảnh tại Khánh Hòa. Cũng tại thời điểm ca mắc thứ 1.000, nước ta có có 83.644 người đang được cách ly, trong đó cách ly tập trung là 22.181 người; có 25 ca tử vong và 542 ca đã khỏi bệnh.

Lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người dân ở Đà Nẵng

Giai đoạn 3 bắt đầu từ ngày 27-1-2021 đến 26-4 với các ca bệnh được ghi nhận tại tỉnh Hải Dương và 12 tỉnh thành khác. Bệnh nhân thứ 2.000 của Việt Nam được ghi nhận vào ngày 7-2-2021, tức là sau 5 tháng 18 ngày, mới ghi nhận thêm 1.000 bệnh nhân. Đợt dịch thứ 3 với tâm dịch ở Hải Dương, dịch đã tấn công vào các khu công nghiệp. Thời điểm đó, có 83.104 trường hợp đang được cách ly, với 24.875 người được cách ly tập trung. 

Số ca tử vong sau đợt dịch thứ 3 của cả nước là 35 ca và số ca điều trị khỏi: 1.472 ca. Giai đoạn này, Hải Dương cũng áp dụng cách ly theo Chỉ thị 16 và chỉ ở những địa bàn nóng nhất về dịch.

Giai đoạn 4 của dịch Covid-19 bắt đầu từ 27-4 đến nay. Trong giai đoạn này, số ca mắc liên tục tăng nhanh. Bệnh nhân thứ 3.000 của Việt Nam được ghi nhận vào ngày 5-5 vừa qua, chỉ sau chưa đầy 3 tháng đã ghi nhận thêm 1.000 bệnh nhân mới.

Việt Nam tăng cường xét nghiệm sàng lọc ở khu vực nguy cơ cao

Ngày 4-6, nước ta ghi nhận ca mắc thứ 5.000, ca mắc thứ 6.000 ghi nhận vào ngày 8-6. Thời gian để có thêm 1.000 ca mắc đã được rút ngắn liên tục trong những ngày qua khi mỗi ngày Việt Nam đều ghi nhận trên dưới 200 ca mắc Covid-19. Cao điểm là ngày 25-5, Việt Nam có thêm 447 ca mắc, trong đó 444 ca mắc phát hiện trong nước, hầu hết đều ở tâm dịch Bắc Giang.

Tối 30-5, số ca mắc Covid-19 vượt mốc 7.000 và con số 8.000 được ghi nhận vào ngày 3-6, đến ngày 8-6, Việt Nam đã có 9.000 ca. Đến sáng nay, 12-6, chỉ sau 4 ngày, nước ta đã có thêm 1.000 bệnh nhân mới, nâng tổng số ca mắc ở nước ta lên hơn 10.000 người.

Như vậy, con số ca mắc 7.196 ca, trong đó 6.848 ca mắc trong nước ở đợt dịch thứ 4 và 348 ca bệnh nhập cảnh đã gấp hơn 2,5 lần tổng số ca Covid-19 của cả 3 đợt dịch trước. Hiện 3 tâm dịch "nóng" nhất của cả nước là Bắc Giang, TP HCM và Bắc Ninh.

Đợt dịch này, quy mô dịch cũng mở rộng ra nhiều tỉnh hơn với 39 tỉnh, thành phố, nhiều ca bệnh trong cộng đồng không xác định được nguồn lây.

Tăng cường xét nghiệm sàng lọc các ca bệnh ở vùng cơ nguy cơ cao

Đối mặt nhiều thách thức chưa từng có trong phòng, chống Covid-19 đó là đa ổ dịch, đa nguồn lây, chủng virus biến thể, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã yêu cầu Bộ Y tế và các cơ quan chức năng lên phương án, hoàn thiện kịch bản, sẵn sàng ứng phó những tình huống xấu.

So với các đợt dịch trước, trong đợt dịch thứ 4 này, khả năng xét nghiệm tăng rất nhanh. Từ 27-4 đến nay, Việt Nam đã thực hiện 1.957.231 mẫu cho 4.266.651 lượt người. Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, đến nay đã có 147 đơn vị được Bộ Y tế cho phép thực hiện xét nghiệm khẳng định Covid-19.

Việt Nam đặt mục tiêu 70% dân số được tiêm vắc-xin trong năm 2021

Đợt dịch thứ 4 này cũng đánh dấu nhiều thay đổi trong biện pháp chống dịch ở Việt Nam, ngoài những nền tảng chống dịch trước đó, Việt Nam cũng đặt mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng vào năm 2021 với 70% dân số được tiêm vắc-xin. Hiện Bộ Y tế đang tiếp tục tìm kiếm, đàm phán để có đủ 150 triệu liều vắc-xin Covid-19, đảm bảo cho người dân Việt Nam thực hiện miễn dịch cộng đồng, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Tính đến nay, nước ta đã thực hiện tiêm vắc-xin phòng Covid-19 3 đợt tại các tỉnh/TP với 1.445.723 liều. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19 là 53.127 người.

Ngọc Dung

Bài viết gốc: https://nld.com.vn/suc-khoe/nhin-lai-chang-duong-chong-dich-viet-nam-tu-khi-co-ca-benh-covid-19-dau-tien-20210612084659437.htm

 

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn).

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ