A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02

Thêm nhiều nguồn vắc-xin Covid-19

08:47 | 14/06/2021

Một tập đoàn trong nước đã đàm phán với phía Mỹ để sản xuất vắc-xin Covid-19 tiêm 1 liều từ tinh chất mRNA.

Trong khi đó, Bộ Y tế tiếp cận nhiều nguồn vắc-xin, ký hợp đồng mua 31 triệu liều của Pfizer-BioNTech trong năm nay

Ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo - Bộ Y tế, cho biết đến nay, cả nước có 2 nhà sản xuất đang nghiên cứu, phát triển vắc-xin Covid-19. Đó là Công ty CP Công nghệ sinh học dược Nanogen với vắc-xin Nano Covax đang thử nghiệm giai đoạn 3 và Viện Vắc-xin - Chế phẩm sinh phẩm Nha Trang (IVAC) với vắc-xin Covivac đang thử nghiệm giai đoạn 1.

Thử nghiệm càng nhanh càng tốt

Cập nhật thông tin mới nhất về quá trình nghiên cứu Nano Covax, ông Nguyễn Ngô Quang cho biết khoảng 13.000 người đã tham gia nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 để đánh giá tính an toàn, đáp ứng miễn dịch và hiệu lực bảo vệ của

vắc-xin này. Dự kiến đến giữa tháng 9-2021, sau khoảng ngày 42 của mũi tiêm thứ hai với 1.000 người tiêm thử nghiệm đầu tiên, các nhà khoa học sẽ tổng hợp kết quả đánh giá chất lượng để báo cáo. Nếu thuận lợi, họ sẽ trình hồ sơ đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế, Hội đồng Đạo đức quốc gia trong nghiên cứu y sinh học cấp phép khẩn cấp, sử dụng có điều kiện vắc-xin này.

Theo ông Quang, quy mô sản xuất trên nền cơ sở vật chất hiện có của IVAC là 6 triệu liều/năm, còn của Nanogen là 20-30 triệu liều/năm. Cả 2 đơn vị này đều có thể nâng công suất khi được đầu tư các trang thiết bị chuyên dụng và mở rộng nhà xưởng.

Các chuyên gia y tế nhận định việc phát triển vắc-xin Covid-19 nội được xem là trọng tâm của Chính phủ, nhằm tiến tới chủ động vắc-xin phòng chống, kiểm soát dịch bệnh ở nước ta, góp phần bảo đảm an ninh y tế. GS-TS Trương Việt Dũng, Chủ tịch Hội đồng Đạo đức quốc gia trong nghiên cứu y sinh học, cho rằng trên tinh thần "thử nghiệm càng nhanh càng tốt" của Chính phủ, Bộ Y tế giao cho các đơn vị thử nghiệm. Nhanh không có nghĩa cắt đoạn, bỏ qua giai đoạn. Bất cứ giai đoạn nào cũng phải tuân thủ yêu cầu, tiêu chuẩn của quốc tế. Làm rất nhanh nhưng phải rất chuẩn, đưa ra hội đồng phải phê duyệt được ngay.

Đáng chú ý, ngoài việc nghiên cứu phát triển vắc-xin trong nước, Bộ Y tế cũng cho biết mới đây, một tập đoàn trong nước đã đàm phán với một nhà sản xuất của Mỹ về điều kiện chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin Covid-19 từ tinh chất mRNA. Vắc-xin này chỉ cần tiêm 1 liều 5 mg, có khả năng bảo vệ cao, hiện đã kết thúc thử nghiệm giai đoạn 1 và 2 với kết quả khả quan.

Theo Bộ Y tế, nhà máy do tập đoàn này đầu tư theo chuẩn công nghệ của nhà sản xuất sẽ có công suất 100-200 triệu liều/năm, dự định bắt đầu sản xuất từ quý IV/2021 hoặc trong quý I/2022.

Ngoài ra, từ tháng 7-2021, Công ty TNHH MTV Vắc-xin - Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) cũng đã ký thỏa thuận với Quỹ Đầu tư trực tiếp của Nga về việc đóng ống vắc-xin Sputnik V từ bán thành phẩm với quy mô 5 triệu liều/tháng, tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất với quy mô 100 triệu liều/năm.

Với việc tiếp cận nhiều nguồn vắc-xin Covid-19 và phát triển vắc-xin nội, Việt Nam kỳ vọng sẽ tăng độ phủ tiêm chủng và sớm kiểm soát dịch bệnhẢnh: Đặng THANH

Vắc-xin thứ 4 được phê duyệt

Một tin vui nữa là Bộ Y tế vừa ký quyết định phê duyệt có điều kiện do nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch Covid-19 cho vắc-xin Comirnaty do Pfizer-BioNTech sản xuất. Đây là vắc-xin Covid-19 thứ 4 được Bộ Y tế phê duyệt, sau vắc-xin của AstraZeneca, vắc-xin Sputnik V và vắc-xin của Sinopharm (Trung Quốc). Theo các nghiên cứu, cho đến nay, vắc-xin của Pfizer-BioNTech là vắc-xin có hiệu quả miễn dịch cao hàng đầu trong các loại đã sử dụng.

Bộ Y tế còn khẳng định theo kế hoạch, hơn 120 triệu liều vắc-xin Covid-19 sẽ có tại Việt Nam trong năm 2021. Ngoài vắc-xin AstraZeneca, trong năm nay, Việt Nam đã đàm phán để có thêm vắc-xin của Moderna (5 triệu liều), Pfizer-BioNTech (31 triệu liều) và Sputnik V (20 triệu liều).

Với vắc-xin của Pfizer-BioNTech, Bộ Y tế đã làm việc với hãng về việc mua 31 triệu liều ngay từ tháng 10-2020 khi còn đang thử nghiệm lâm sàng. Cụ thể, ngày 20-5 vừa qua, Bộ Y tế đã ký hợp đồng với Pfizer-BioNTech. Dự kiến, số vắc-xin này được cung ứng theo tiến độ: 15,5 triệu liều trong quý III và 15,5 triệu liều trong IV/2021. Lô vắc-xin của Pfizer-BioNTech đầu tiên có thể về Việt Nam trong thời gian từ nay đến tháng 7.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, nhu cầu vắc-xin Covid-19 trên toàn cầu rất lớn và Việt Nam đang nỗ lực tiếp cận các nguồn để có thể tăng độ bao phủ tiêm chủng cho người dân sớm nhất và nhanh nhất, nhằm mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021, đầu năm 2022. Dù vậy, do Việt Nam là nước triển khai các biện pháp chống dịch hiệu quả, kiểm soát dịch tốt nên việc cung ứng vắc-xin của các nước cho chúng ta vẫn theo lộ trình, kế hoạch mà các nhà sản xuất, phân phối đã đưa ra. 

Từ khi triển khai tiêm mũi vắc-xin Covid-19 đầu tiên vào ngày 8-3, đến nay, Việt Nam đã thực hiện 3 đợt tiêm tại các tỉnh, thành phố với 1.454.221 liều. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin là 54.385.

Tiêm đủ 2 mũi vắc-xin vẫn có thể mắc bệnh

Lý giải về việc vì sao vừa qua một số trường hợp tiêm đủ 2 mũi vắc-xin Covid-19 nhưng vẫn mắc bệnh, PGS-TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam - cho biết vắc-xin Covid-19 là vắc-xin mới, được cấp phép theo điều kiện khẩn cấp. Do đó, chưa biết chắc chắn rằng việc tiêm vắc-xin có làm giảm được khả năng nhiễm và lây truyền bệnh hay không.

Tuy nhiên, việc tiêm vắc-xin sẽ giúp giảm triệu chứng nặng và giảm nguy cơ tử vong. Hiện nay, cũng chưa biết rõ thời gian hình thành kháng thể sau tiêm là bao lâu mới có khả năng phòng bệnh. Trên thực tế, có những loại vắc-xin hiệu lực bảo vệ tới 90% nhưng có vắc-xin hiệu lực bảo vệ chỉ khoảng 50%-60%. Điều này có nghĩa là một số người đã tiêm vắc-xin vẫn có khả năng mang virus và lây bệnh cho người khác.

NGỌC DUNG

Bài viết gốc: https://nld.com.vn/thoi-su/them-nhieu-nguon-vac-xin-covid-19-2021061322302685.htm

 

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn).

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Tháng 10

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ