A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Tai nạn lao động và những hậu quả khôn lường

08:58 | 22/05/2024

Ở bất kỳ nơi đâu, bất cứ lúc nào, từ những nhà máy, xí nghiệp lớn đến những công trình, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ cũng đều có thể tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn lao động.

Chỉ cần một sự bất cẩn, chủ quan và thiếu kiến thức, phương tiện, quy trình phòng bị về an toàn vệ sinh lao động và cái giá phải trả bằng sức khỏe, tính mạng, tài sản...

Nguy cơ tai nạn rình rập

Trên các công trình xây dựng, xưởng sản xuất, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những công nhân lao động không tuân thủ đúng theo quy trình an toàn lao động như: Không mặc đồ bảo hộ lao động, không thắt dây đai an toàn, không đeo khẩu trang chống bụi...

Bước vào khu vực sản xuất của Công ty TNHH SungHyun (huyện Krông Pắc) - chuyên sản xuất và gia công giày da, chúng tôi khá ngợp vì mùi nguyên liệu, hóa chất, vậy mà không ít công nhân đang làm việc ở đây không đeo khẩu trang.

Chắc ai cũng biết làm việc trong môi trường như vậy suốt thời gian dài sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng có lẽ do nhận thức và cả thói quen, những công nhân này không tuân thủ các quy định an toàn.

Đại diện doanh nghiệp cho hay, đơn vị đã có trang bị trang phục bảo hộ cho người lao động và thường xuyên nhắc nhở công nhân chấp hành đúng các quy định về đeo khẩu trang khi làm việc nhưng vẫn còn một số công nhân không thực hiện.

Công nhân môi trường - ngành nghề lao động tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động

Tại các công trình xây dựng, nhất là công trình xây dựng nhà ở tư nhân cũng có thể bắt gặp hình ảnh công nhân xây dựng vắt vẻo trên những tấm ván, thanh sắt dựng lên để làm việc mà không có bất kỳ một biện pháp bảo hộ nào đề phòng khi không may trượt ngã hay hệ thống dàn giáo bị gãy, đổ.

Trong khi đó, hầu hết những công nhân xây dựng làm thuê cho các cá nhân hoặc nhóm thầu nhỏ theo ngày hoặc theo công trình nên không được đóng bảo hiểm chứ chưa nói đến việc được trang bị bảo hộ lao động hay được tập huấn về an toàn lao động.

Anh Trung, một thợ xây tại xã Hòa Thuận (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: “Những ngày đầu mới đi làm, khi làm việc ở trên cao mà không hề có công cụ hỗ trợ nào tôi cũng rất sợ, nhưng làm mãi cũng quen. Biết rằng, tai nạn lao động có thể xảy ra nên chúng tôi tự nhắc nhau cẩn thận trong công việc để không làm bản thân mình bị thương”.

Thiệt hại khó đong đếm

Có thể nói, không ai dám chắc rằng quá trình làm việc sẽ không xảy ra tai nạn lao động mà chỉ cần vài giây bất cẩn, sơ sẩy đều có thể phải trả giá rất đắt. Đó là vụ cháy khí metan trong hầm lò ở Quảng Ninh đã làm 4 công nhân thiệt mạng; là vụ tai nạn lao động tại Công ty Cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái làm chết 7 công nhân và 3 người bị thương; hay gần nhất là vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng tại nhà máy gỗ tỉnh Đồng Nai vào ngày 1/5 khiến 6 người chết và nhiều người bị thương...

Tại Đắk Lắk, từ đầu năm 2024 đến nay đơn vị chức năng đã tiếp nhận thông tin khai báo 4 vụ tai nạn lao động làm chết 4 người. Trong đó, có vụ tai nạn không có hợp đồng lao động là trường hợp anh V.H.Y. bị ngã từ mái tôn khi đang làm việc tại công trình Trường THCS Nguyễn Chí Thanh (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) và anh T.M.T. bị ngã từ giàn giáo xuống khi đang làm nhà kho nông sản tại một nhà xưởng ở xã Cuôr Đăng (huyện Cư M’gar). Hai vụ tai nạn còn lại thì một trường hợp tử vong do tai nạn giao thông và một trường hợp lao động bị xe cán qua người khi đang hướng dẫn xe ô tô chở thức ăn cho bò vào vị trí đổ.

Công nhân lao động làm việc tại một công trình xây dựng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột không bảo đảm an toàn vệ sinh lao động

Bên cạnh những vụ việc khiến người lao động thiệt mạng, có những tai nạn dù người lao động chỉ bị thương, nhưng những thương tật đó sẽ là những di chứng, là gánh nặng kinh tế, tinh thần của cả gia đình. Đó là trường hợp bà Đào Thị Mùi (công nhân vệ sinh) bị xe tông khi đang quét rác tại khu vực phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột) vào tháng 4 vừa qua. Vụ tai nạn khiến bà Mùi bị thương nặng ở phần hông đến nay vẫn phải nằm một chỗ, kéo theo bao khó khăn trong gia đình... 

Có một thực tế, sau mỗi tai nạn, người lao động không chỉ bị tổn hại về tính mạng hoặc sức khỏe mà kéo theo đó là cả những hệ lụy, cuộc sống gia đình đảo lộn, kinh tế khốn khó do mất người thân hoặc mất trụ cột lao động trong nhà. Đối với đơn vị, doanh nghiệp thì chủ sử dụng lao động cũng phải chịu thiệt hại do tốn kém chi phí y tế, giám định thương tật, bồi thường, trợ cấp cho người bị tai nạn lao động; chưa kể uy tín cũng bị ảnh hưởng xấu, hoạt động sản xuất gián đoạn...

Chính vì thế, bản thân mỗi người lao động, chủ sử dụng lao động cần nhận ra rằng ý thức cảnh giác đối với công tác an toàn lao động là vấn đề rất quan trọng, càng cẩn thận bao nhiêu thì tai nạn càng ít bấy nhiêu. Đừng nên lơ là, mất cảnh giác, đừng để thiệt hại xảy ra rồi mới "thực hiện đúng quy trình"!

Tam Giang

Bài viết gốc: https://www.baodaklak.vn/xa-hoi/202405/tai-nan-lao-dong-va-nhung-hau-qua-khon-luong-0b51d67/

 

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ