A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Giải bài toán chênh lệch giữa mức đóng - hưởng của các nhóm đối tượng tham gia BHXH

15:01 | 13/06/2024

Chính sách BHXH đi theo nguyên tắc đóng - hưởng và chia sẻ song còn có sự chênh lệch giữa mức đóng - hưởng của các nhóm đối tượng khi tham gia BHXH

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã đề xuất mở rộng một số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc trong đó nhóm chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh). Theo phân loại thống kê, chủ hộ kinh doanh là cá thể, thuộc khu vực phi chính thức. Như vậy, nếu đề xuất này được thông qua thì sẽ có các lao động phi chính thức tham gia BHXH bắt buộc chứ không chỉ thuộc đối tượng tham gia BHXH tự nguyện như trước.

Do không làm việc theo hợp đồng lao động, không được trả lương nên dù thuộc đối tượng tham gia BHXH tự nguyện hay bắt buộc thì họ vẫn phải đóng cả phần của người lao động lẫn người sử dụng lao động. Tuy nhiên, mức đóng và chế độ hưởng có sự khác biệt.

Lao động phi chính thức quận Bình Thạnh, TP HCM nghe phổ biến về chính sách BHXH tự nguyện

Về mức đóng:

Nhóm chủ hộ kinh doanh khi tham gia BHXH bắt buộc phải đóng 3% căn cứ đóng BHXH bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản, 22% căn cứ đóng BHXH bắt buộc vào quỹ hưu trí và tử tuất, tổng là 25%.

Còn các nhóm lao động tự do khác khi tham gia BHXH tự nguyện phải đóng 22% mức thu nhập tháng. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng cho người lao động.

Về quyền lợi khi tham gia BHXH:

Các chủ hộ kinh doanh khi tham gia BHXH bắt buộc được hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất như các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khác. Tuy nhiên, họ không có chế độ tai nạn lao động- bệnh nghề nghiệp.

Đối với lao động tham gia BHXH tự nguyện: Được hưởng 3 chế độ gồm hưu trí, tử tuất và thai sản. Song chế độ thai sản chỉ ở mức chia sẻ (2 triệu đồng/một con)

So với người tham gia BHXH tự nguyện, chủ hộ kinh doanh khi tham gia BHXH bắt buộc được hưởng nhiều quyền lợi hơn hẳn, song xét ở góc độ đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì họ phải đóng ở mức cao (gấp 3 lần) nhưng quyền lợi lại hạn chế hơn.

Góp ý về nội dung này, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng nếu quy định họ là đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc thì cần phải xem xét, nghiên cứu kỹ, cần có giới hạn về tuổi, và chỉ nên áp dụng đối với những chủ hộ kinh doanh có thuê mướn và sử dụng lao động.

Người lao động quận Bình Thạnh được tư vấn chính sách BHXH

Cũng có ý kiến cho rằng nên để nhóm này được lựa chọn tham gia giữa 2 hình thức BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện cho phù hợp với điều kiện, yêu cầu và hoàn cảnh cụ thể của từng người.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương, Nguyên Viện trưởng Viện khoa học Lao động Xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì cho rằng việc bổ sung các nhóm lao động tham gia BHXH bắt buộc, trong đó có chủ hộ kinh doanh sẽ mở rộng độ bao phủ của mạng lưới an sinh, giúp họ được hưởng các chính sách tốt hơn. Bởi theo bà, chính sách BHXH tự nguyện hiện nay thiếu hấp dẫn. Việc tiếp tục không bổ sung các chính sách ngắn hạn đối với người tham gia BHXH tự nguyện cho thấy quyền của người lao động tham gia BHXH tự nguyện vẫn không được điều chỉnh căn bản.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, điều này là không công bằng đối với lao động phi chính thức và hạn chế khả năng của họ tham gia BHXH tự nguyện. Họ chỉ được hưởng các chế độ bảo hiểm dài hạn (hưu trí và tử tuất), không được hưởng chính sách ngắn hạn (ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp) như đối với BHXH bắt buộc. 

"Sự khác biệt này không những khiến BHXH tự nguyện khó tiếp cận với đối tượng mà còn làm giảm tính bền vững và gắn bó với chính sách đối với những người đang tham gia" - PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương nói.

 

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ