A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Hiệu quả từ mô hình thu gom rác thải dựa vào cộng đồng ở Krông Bông

10:56 | 18/03/2015

Huyện Krông Bông có 14 xã, thị trấn với trên 91 nghìn dân. Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, gần đây các hoạt động buôn bán, dịch vụ trên địa bàn huyện ngày càng phát triển kéo theo lượng rác thải ngày một tăng.

Uớc tính bình quân lượng rác thải trên toàn huyện mỗi ngày hơn 30 tấn. Ngoài thị trấn Krông Kmar và xã Khuê Ngọc Điền ký kết hợp đồng với Công ty TNHH Hoàng Phương Nam tổ chức thu gom rác thải đưa về bãi rác tập trung của huyện để xử lý, phần lớn các xã còn lại chưa tổ chức được thu gom rác thải, hoặc chưa có nơi tập kết rác. Trong khi đó, tình trạng người dân thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng đổ rác bừa bãi xuống sông, suối, kênh mương cũng như trên những đoạn đường vắng đã gây ra hậu quả xấu, tác động trực tiếp đến đời sống, sức khỏe của người dân và làm mất mỹ quan đường làng, ngõ xóm.

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, hầu hết các xã khi lập đề án xây dựng nông thôn mới đều quy hoạch các khu tập kết, xử lý rác thải. Tuy nhiên, trong 3 năm qua, mới chỉ có 3 xã Hòa Sơn, Yang Reh  và Yang Mao triển khai việc thu gom rác thải có hiệu quả nhờ thực hiện mô hình thu gom rác thải dựa vào cộng đồng.

Rác thải ở Hòa Sơn được đóng bao, thuận tiện cho việc thu gom, xử lý.

Rác thải ở Hòa Sơn được đóng bao, thuận tiện cho việc thu gom, xử lý.

Theo ông Nguyễn Đình Sâm, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn cho biết: Năm 2012, xã đã đầu tư 200 triệu đồng để xây dựng khu xử lý rác thải tập trung song do thiếu vốn mua xe chuyên dụng và thùng đựng rác tại các điểm sinh hoạt cộng đồng nên việc tổ chức thu gom rác thải trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Đến giữa năm 2014, xã đã mạnh dạn xây dựng phương án thu gom rác thải dựa vào cộng đồng với mục tiêu đẩy mạnh công tác xã hội hóa đồng thời nâng cao ý thức của người dân trong thu gom, phân loại rác thải. Theo đó, xã Hòa Sơn ký kết hợp đồng với một hộ dân có phương tiện và nhân công để thành lập tổ thu gom rác trên địa bàn, bước đầu thực hiện thí điểm đối với 300 hộ sống dọc theo Tỉnh lộ 12, sau đó sẽ đánh giá rút kinh nghiệm nhân ra toàn xã. Định kỳ mỗi tuần xe đến thu gom rác một lần vào ngày thứ bảy, các gia đình có trách nhiệm bỏ rác vào bao bì để tránh gây ô nhiễm và thuận tiện khi thu gom, đồng thời mỗi hộ đóng góp 12.000 đồng/tháng để chi trả thù lao cho tổ thu gom. Đối với các gia đình ở các thôn, buôn chưa tổ chức thu gom rác được thì gắn với phong trào xây dựng “gia đình 5 không, 3 sạch”  do Hội Phụ nữ phát động, các chi hội phụ nữ thôn, buôn hướng dẫn cho chị em biết cách phân loại rác thải tại nguồn, thu gom xử lý tại chỗ như chôn lấp hoặc đốt… Qua một thời gian triển khai ở Hòa Sơn cho thấy mô hình này bước đầu phát huy hiệu quả tích cực, rác thải được thu gom sạch sẽ, cải thiện đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường; quan trọng hơn, nhiều người dân đã biết thu gom rác và bỏ rác đúng nơi quy định, không còn tình trạng vứt, đổ rác bừa bãi như trước đây. Ông Lê Tấn Tâm (thôn 4, xã Hòa Sơn), người đảm nhận việc thu gom rác thải của xã cho biết: “Chúng tôi thấy mô hình thu gom, xử lý rác thải dựa vào cộng đồng là một chủ trương đúng đắn và phù hợp. Vì vậy, dù mức thu nhập từ công việc này chưa được 3 triệu đồng/tháng cho 3 lao động, trong đó chưa tính khấu hao tài sản và nhiên liệu, nhưng gia đình tôi không tính toán thiệt hơn vì cũng muốn được đóng góp một phần vào việc giữ gìn môi trường sống cho cộng đồng…”

Xã Yang Reh lại có cách làm phù hợp với đặc điểm dân cư là thành lập tổ thu gom rác theo đơn vị thôn, buôn, sử dụng nhân công là những lao động thuộc hộ nghèo, mỗi gia đình chỉ phải đóng góp 10.000 đồng/tháng. Cách làm này nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân; thu nhập bình quân của một lao động trong tổ thu gom rác đạt trên 2 triệu đồng/tháng. Còn đối với xã Yang Mao là xã vùng sâu, vùng xa, dân số phần lớn người dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn nên UBND xã đã trích kinh phí thuê lao động thu gom rác ở khu trung tâm và các thôn lân cận, vận chuyển đến bãi rác tập trung của xã để xử lý. Việc thu gom rác thường xuyên đã góp phần tạo cho bà con có ý thức bảo vệ môi trường, do đó hiện nay ở các khu đất trống trên địa bàn xã Yang Mao không còn những bãi rác tự phát, đướng sá phong quang sạch đẹp.

Từ mô hình thu gom, xử lý rác thải dựa vào cộng đồng ở huyện Krông Bông cho thấy đây là mô hình phù hợp với tập quán sinh hoạt của người dân vùng nông thôn. Điều quan trọng là cách làm này đã góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc tham gia bảo vệ môi trường, môi sinh, góp phần làm cho cảnh quan nông thôn ngày càng sạch đẹp hơn.

Mai Viết Tăng

    nguồn: baodaklak.vn

    BÌNH LUẬN

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ