A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Mua BHYT theo hộ gia đình: Tìm hướng tháo gỡ vướng mắc

07:48 | 14/03/2015

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có hiệu lực từ ngày 1-1-2015, trong đó có quy định người dân không còn được mua BHYT tự nguyện riêng lẻ mà phải mua BHYT theo hộ gia đình.

Cũng chính từ quy định mới này đã làm nảy sinh một số vướng mắc và đang rất cần giải pháp tháo gỡ.

Thủ tục rườm rà

Gia đình chị Đặng Thị Lệ Thu ở thôn 1 (xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) có 6 người đều đã tham gia BHYT tự nguyện được 8 năm. Đến ngày 31-12-2014, thẻ BHYT của các thành viên trong gia đình hết hạn, như mọi khi, chị đến đại lý bán BHYT tự nguyện của xã đóng tiền mua thẻ mới nhưng không được mua. Lý do là vì con gái đầu của chị mới lập gia đình, chuyển vào TP. Hồ Chí Minh sinh sống, làm việc nhưng vẫn còn tên trong sổ hộ khẩu. Vậy là trừ 2 con đang đi học có thẻ BHYT học sinh, còn lại vợ chồng chị và con gái thứ 2 muốn mua BHYT tự nguyện nhưng đành “bó tay”. Chị Thu bức xúc: “Tôi định bỏ tiền ra mua thẻ luôn cho cháu đầu nhưng khổ nỗi nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở đây thì có gửi xuống TP. Hồ Chí Minh cháu cũng không sử dụng được thẻ này. Vì thế tôi đành chờ cháu được ký hợp đồng chính thức, được công ty mua BHYT rồi phô tô gửi về hoặc phải lên công an xã đăng ký tạm vắng cho cháu thì mới đủ điều kiện được mua thẻ. Nhà nước khuyến khích người dân mua BHYT tự nguyện, nhưng quy định rối rắm như thế này khó thực hiện quá”.

Cả tháng nay gia đình ông Nguyễn Văn Lai (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) mất ăn mất ngủ vì quy định bắt buộc mua BHYT theo hộ. Gia đình ông có 6 khẩu, chủ yếu làm nông và làm thuê, kinh tế gặp nhiều khó khăn nên trước đây chỉ ưu tiên mua BHYT tự nguyện cho 2 vợ chồng ông phòng khi đau ốm. Năm nay, khi đến đại lý đăng ký mua thẻ BHYT tự nguyện, ông mới vỡ lẽ phải mua thẻ cho tất cả các thành viên có tên trong sổ hộ khẩu nên đành quay về vì không lo đủ tiền. “Mặc dù mua cả nhà sẽ được giảm trừ nhưng cùng một lúc bỏ ra hơn 2,2 triệu đồng mua thẻ BHYT cho 6 người thì gia đình tôi không thể xoay sở được. Năm nay nếu chẳng may vợ chồng tôi đau ốm nặng thì không biết có lo nổi viện phí không”, ông Lai than thở.

Theo chị Cao Thị Hương, đại lý BHYT tự nguyện xã Cư Êbur, từ ngày 1-1-2015, khi áp dụng bán BHYT theo hộ gia đình đã nảy sinh rất nhiều khó khăn, rắc rối. Trước đây, ai muốn có BHYT thì chỉ cần mang chứng minh nhân dân đến đại lý mua là xong. Theo luật mới, người dân không được mua lẻ mà phải mua theo hộ gia đình. Nghĩa là tất cả thành viên có tên trong một sổ hộ khẩu đều phải mua và mua cùng lúc, bất kể họ có sống chung dưới một mái nhà hay không. Cách thức mua BHYT bắt buộc theo hộ gia đình cũng hoàn toàn khác so với mua BHYT tự nguyện trước đây. 

Người dân chờ nhận thuốc tại phòng Cấp thuốc BHYT của Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Người dân chờ nhận thuốc tại phòng Cấp thuốc BHYT của Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Để được mua thẻ BHYT, phải thực hiện đủ các thủ tục, ngoài chứng minh nhân dân của chủ thẻ BHYT thì phải mua cùng lúc cho cả nhà với đầy đủ các giấy tờ photo hộ khẩu, chứng minh nhân dân của tất cả thành viên, giấy đăng ký kết hôn (trong một số trường hợp), thẻ BHYT (nếu có) của các thành viên còn lại… Chị Hương thở dài: “Chính vì phương thức mua bán thẻ BHYT đòi hỏi nhiều thủ tục, giấy tờ như vậy đã gây ra nhiều khó khăn, lượng thẻ BHYT bán rất chậm, trong tháng 1 và 2-2014, đại lý bán được 298 thẻ, nhưng 2 tháng đầu năm 2015 chỉ bán được 157 thẻ, rất nhiều người muốn mua nhưng không đủ điều kiện để mua. Trong khi đó, khối lượng việc tăng thêm nhiều, có khi tôi phải đi phô tô các loại giấy tờ giùm họ hoặc gọi điện thoại nhiều lần để hỏi cách thức giải quyết các vướng mắc phát sinh”.

Sau gần 3 tháng bán BHYT hộ gia đình theo quy định mới, chị Đinh Thị Giáo, đại lý BHYT phường Tự An (TP. Buôn Ma Thuột) cũng than phiền vì có nhiều rắc rối nảy sinh. Chị Giáo cho biết: Bên cạnh khó khăn về kinh phí thì rất nhiều trường hợp như vợ chồng đã ly hôn không còn ở chung hoặc vẫn ở chung một nhà, còn chung hộ khẩu nhưng người chồng hoặc vợ không chịu mua BHYT nên người còn lại cũng không mua được. Có trường hợp các thành viên trong gia đình tuy tên còn trong hộ khẩu nhưng lại không ở cùng một nơi mà đi địa phương khác làm ăn, đi du học, định cư ở nước ngoài hoặc đã lập gia đình chuyển đến nơi khác sinh sống... mà theo quy định phải có giấy xác nhận tạm vắng của cơ quan công an hoặc chứng minh bằng visa, giấy chứng nhận của trường đang học ở nước ngoài nộp vào đại lý mới được bán. Nhiều trường hợp ở trọ có đăng ký tạm trú nhưng chủ nhà trọ không mua, hoặc một người nào đó không muốn mua thì những người còn lại cũng đành chịu...

Những khó khăn, vướng mắc kể trên khi triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT cũng là tình trạng chung của các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Nỗ lực thực hiện chủ trương chung

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc BHXH thành phố Buôn Ma Thuột cho biết: “Từ ngày 1-1-2015 không còn BHYT tự nguyện mà Luật BHYT sửa đổi quy định bắt buộc phải tham gia BHYT. Luật quy định như vậy là vì muốn các thành viên trong gia đình cùng có trách nhiệm tương trợ lẫn nhau. Một người cần mua BHYT có nghĩa là người đó đang có bệnh. Vậy thì những người khác cũng phải hỗ trợ người thân của mình bằng việc tham gia BHYT. Cùng trong một hộ mà không tương trợ nhau được thì đòi hỏi xã hội tương trợ là rất khó. Dẫu biết ban đầu triển khai thực hiện theo quy định mới còn nhiều vướng mắc nảy sinh nhưng chúng tôi cũng cố gắng giải thích dần dần cho người dân hiểu và linh động, tìm cách giải quyết phù hợp để bảo đảm quyền lợi cho họ. Về lâu dài, các cấp, ngành chức năng xem xét, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích người dân tham gia BHYT”.

Thực tế cho thấy, việc tham gia BHYT tự nguyện như trước đây khiến nhiều địa phương bị “vỡ quỹ” BHYT. Theo số liệu của BHXH tỉnh, năm 2014, toàn tỉnh có 114.394 người tham gia BHYT tự nguyện, đa số họ đều có bệnh mãn tính hoặc bệnh nặng. Tính đến hết tháng 9-2014, tổng quỹ khám chữa bệnh của nhóm BHYT tự nguyện đóng trên 40,3 tỷ đồng, với tần suất khám chữa bệnh trung bình 4,36 lần/người. Nhưng điều đáng nói, nhóm BHYT tự nguyện không chỉ sử dụng hết quỹ họ đóng mà còn âm 79,6 tỷ đồng. Nhờ có quỹ BHYT của những người đang làm việc đóng cao nhưng sử dụng ít nên mới bù lại số bị bội chi của nhóm này. Chính vì vậy, việc thực hiện BHYT bắt buộc theo hộ gia đình sẽ giải quyết được bài toán này.

Về hướng giải quyết những vướng mắc nảy sinh, ông Lê Xuân Khánh, Trưởng phòng Thu, BHXH tỉnh cho biết: những người có tên trong hộ khẩu nhưng rời địa phương đi nơi khác trên 12 tháng (có xin giấy tạm vắng) thì trường hợp này không yêu cầu phải mua; trường hợp rời địa phương trên 12 tháng nhưng không thông báo hoặc xin giấy tạm vắng, đi lấy chồng nơi khác đã lâu nhưng không cắt hộ khẩu, lấy chồng nước ngoài nhưng tên vẫn còn trong sổ hộ khẩu… thì BHXH đã hướng dẫn chính quyền địa phương xác nhận vào đơn, khi người dân đến mua BHYT sẽ được xem xét giải quyết. Đối với hộ gia đình khó khăn về kinh tế, khó có khả năng mua cùng lúc cả gia đình trong một năm thì có thể lựa chọn mua sáu tháng hoặc mua ba tháng và mức miễn, giảm vẫn được áp dụng. Những trường hợp ở trọ thì chỉ cần có giấy xác nhận đang cư trú ở địa phương sẽ được tham gia. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, BHXH tỉnh sẽ đầu tư khoảng 2,7 tỷ đồng hỗ trợ UBND các xã, phường, thị trấn thống kê nhân khẩu thường trú trên địa bàn với đầy đủ thông tin sau đó chuyển về cho các đại lý làm căn cứ bán BHXH.

Có thể nói, thực hiện lộ trình BHYT toàn dân là chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng và Nhà nước, mang tính cộng đồng, nhân đạo cao nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Vì vậy, mặc dù còn một số khó khăn, vướng mắc nhưng nếu mỗi người dân cùng cộng đồng trách nhiệm thì chủ trương này sẽ thực sự đi vào cuộc sống.

Một quy định mới của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2015 là mua BHYT bắt buộc theo hộ gia đình. Theo quy định này, người thứ nhất trong gia đình hiện mua thẻ BHYT với giá 621.000 đồng; thành viên thứ hai mua BHYT với giá chỉ bằng 70% người thứ nhất; các thành viên thứ 3, 4  trở đi lần lượt bằng 60%, 50%. Kể từ người thứ 5  trong hộ gia đình trở đi, mức đóng chỉ còn bằng 40% mức đóng của người thứ nhất... Quy định này áp dụng cho tất cả thành viên có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú chưa tham gia BHYT theo các nhóm đối tượng khác.

Nguyễn Xuân

 

    nguồn: baodaklak.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ