A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Giải mã hàng loạt vấn đề của thị trường lao động

10:56 | 13/09/2024

Ý kiến của các đại biểu tại tọa đàm đã gợi mở nhiều hướng đi, cách làm để xây dựng một thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và hội nhập

Rất nhiều ý kiến tâm huyết của các đại diện doanh nghiệp (DN) và cơ quan quản lý đã mang đến buổi tọa đàm "Xu hướng và giải pháp cho thị trường tuyển dụng lao động số lượng lớn" (do Báo Người Lao Động phối hợp với Việc Làm Tốt tổ chức sáng 12-9) những góc nhìn đa chiều về thị trường tuyển dụng lao động hiện nay.

3 thách thức của doanh nghiệp

Phát biểu tại tọa đàm, nhà báo Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, nhấn mạnh thị trường lao động Việt Nam dù đã có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn tồn tại những mặt hạn chế, như: sự mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ và sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế; cơ chế kết nối cung - cầu và tự cân bằng của thị trường còn yếu. Chất lượng cung lao động còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng cho cầu lao động.

Ông Phạm Văn Cẩn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM, cho biết thị trường lao động tại TP HCM trong 8 tháng qua phát triển tích cực, phù hợp với xu hướng kinh tế và nhu cầu phát triển của thành phố. Nhu cầu tuyển dụng tăng cao, đặc biệt ở các ngành công nghiệp công nghệ, dịch vụ, hành chính và bất động sản...

Một số ngành có nhu cầu tuyển dụng cao từ đầu năm đến nay gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 26,77%); bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác (24,4%)... Khảo sát nhu cầu từ các DN cho thấy trong 3 tháng cuối năm 2024, TP HCM cần khoảng 78.120 - 83.328 lao động. Điều đó cho thấy nhu cầu tuyển dụng vẫn tăng cao, nhất là từ các DN có số lượng lao động lớn.

Theo số liệu của nền tảng tìm việc và tuyển dụng trực tuyến Việc Làm Tốt, nhu cầu tuyển dụng trong 8 tháng đầu năm 2024 trên nền tảng này tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm 2023, tập trung ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Các nhóm nghề tài xế và kho vận; công nhân; xây dựng và bất động sản có tốc độ tăng trưởng tuyển dụng cao nhất.

Ông Phạm Anh Thắng - Phó Chánh Văn phòng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trưởng Văn phòng đại diện của bộ tại TP HCM - phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Nhu cầu lớn như vậy nhưng có đến 85% DN trả lời khảo sát của Việc Làm Tốt cho biết họ đang gặp phải tình trạng thiếu lao động. 30% trong số đó đang phải đối mặt tình trạng thiếu hụt nhân sự trầm trọng (thiếu hơn một nửa so với nhu cầu thực tế).

Bà Hoàng Thị Minh Ngọc, Giám đốc Vận hành Chợ Tốt kiêm Giám đốc Việc Làm Tốt, cho rằng các DN có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn đang gặp phải 3 thách thức. Đó là hiệu suất tuyển dụng chưa cao, sàng lọc hồ sơ ứng viên chưa được tối ưu hóa. Sự phù hợp giữa yêu cầu tuyển dụng và ứng viên còn thấp, chỉ 14% ứng viên đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về chuyên môn, kỹ năng mềm và thái độ mà nhà tuyển dụng đặt ra. Thứ 3 là sự cạnh tranh của các DN trong ngành đang diễn ra khốc liệt.

Đau đầu với "nhảy việc"

Không chỉ gặp khó khăn trong việc tuyển dụng, vấn đề lao động "nhảy việc" cũng khiến nhiều DN đau đầu.

Theo khảo sát của Việc Làm Tốt, trong 6 tháng qua, có đến 85% người lao động (NLĐ) muốn "nhảy việc", trong đó nhóm tuổi 18 - 24 dẫn đầu với tỉ lệ hơn 96%; 89% trong độ tuổi từ 25 đến 34 cân nhắc chuyển việc. Tỉ lệ "nhảy việc" ở nhóm tuổi 35 - 44 và 45 - 54 cũng khá cao, lần lượt là 83% và 81%.

Theo bà Lâm Thị Ngọc Ngân, Giám đốc Nhân sự Công ty CP Pizza 4PS, khi tuyển dụng, công ty sẽ đào tạo ngay từ đầu. Nhiều vị trí phải bỏ rất nhiều công sức đào tạo song tỉ lệ "nhảy việc" rất cao. Bà Ngân cho biết Pizza 4PS là công ty thuộc ngành dịch vụ nên tuyển dụng chủ yếu là lao động trẻ, chưa qua đào tạo. Vì đa phần là lao động trẻ nên việc tuyển dụng cũng phải chọn kênh mà nơi đó NLĐ hiện diện.

Pizza 4PS cũng làm đủ cách, từ đăng báo giấy, các trang tuyển dụng trực tuyến, mạng xã hội như Facebook, TikTok... đến cả từ nguồn giới thiệu của chính nhân viên công ty. Tuy vậy, rất khó tuyển đủ số lượng mong muốn và điều này ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của DN.

Bình quân mỗi năm, Pizza 4PS cần tuyển trên 3.000 nhân sự làm việc toàn thời gian. "Để bảo đảm số lượng này, chúng tôi cần lượng hồ sơ rất lớn trong khi cung không đủ cầu. May mắn là chúng tôi biết đến Việc Làm Tốt và nền tảng này đã thực sự "cứu" chúng tôi trong thời gian qua" - bà Ngân nhớ lại.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Công ty TNHH May mặc Song Ngọc (quận Bình Tân, TP HCM). Ông Trần Thanh Sơn, Trưởng Phòng Hành chính - Nhân sự công ty, cho biết lần đầu tiên trong cuộc đời làm nhân sự của mình, ông đã không tuyển dụng đủ lao động cho nhà máy trong năm 2024.

"Dù dự kiến tăng chuyền nhưng do không tuyển đủ lao động nên DN không thể thực hiện, trong khi đơn hàng đang rất dồi dào. Lao động phổ thông hiện rất khó tuyển dù tiêu chí chúng tôi đưa ra rất thấp. Đã khó tuyển rồi nhưng tỉ lệ nghỉ việc cũng cao và lao động trẻ thì không còn mặn mà với nghề may" - ông Sơn tâm tư.

Ngành thương mại điện tử tại Việt Nam rất phát triển nên nhu cầu nhân lực rất cao. Trong khi đó, số lượng sinh viên đào tạo cho ngành này chưa nhiều. Tỉ lệ tuyển dụng được qua các trường đào tạo chỉ 1% đến 2%. Thời gian gần đây, các ngành logistics, kho bãi… rất khó tuyển dụng bởi nguồn cung ứng viên rất thấp.

"Chúng tôi gần như phải tự đào tạo. Kể cả nhân viên giao hàng cũng phải học kỹ năng giao tiếp và phân loại hàng hóa, chưa kể việc chăm sóc khách hàng" - bà Trinh nêu thực trạng. 

Nhu cầu tuyển dụng lao động 8 tháng đầu năm 2024 Nguồn: VIỆC LÀM TỐT

Cần chuẩn hóa hệ thống thông tin dữ liệu

Theo đại diện Bộ LĐ-TB-XH, thị trường lao động là một trong 3 đầu vào của nền kinh tế, tác động rất lớn đến sự phát triển của đất nước.

Sau hơn 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, tình hình lao động việc làm, thị trường lao động tại Việt Nam đã có rất nhiều đổi mới và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Cả nước có khoảng 52,4 triệu lao động - một lợi thế của đất nước 100 triệu dân như Việt Nam. Trong bối cảnh nền kinh tế số phát triển nhanh như hiện nay tạo ra nhiều việc làm mới và sự đa dạng trong công việc khiến NLĐ có nhiều sự lựa chọn. Một số nghề đang thu hút lao động nhưng chưa được định danh, như chạy xe công nghệ, giao hàng, kinh doanh online... Đây là những lao động 4.0, được xem là lao động trong khu vực phi chính thức.

"Sự phát triển của công nghệ, của internet, cùng với sự đầu tư của các DN cung cấp dịch vụ tuyển dụng trực tuyến là một lợi thế cho cả DN và NLĐ. Tuyển dụng hiện nay cũng theo hướng 4.0 và ở đó, ứng viên và nhà tuyển dụng gặp nhau bất cứ khi nào. Điều quan trọng là phải việc thật, ứng viên thật" - đại diện Bộ LĐ-TB-XH nhìn nhận.

Cùng góc nhìn, bà Lương Tú Anh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH NodeX Asia, cho rằng thời gian qua, nhiều DN, như các đơn vị trong ngành may mặc, đã gặp phải nhiều trở ngại, khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng một phần cũng đến từ thái độ của chính NLĐ. Nhiều NLĐ không có sự cam kết chặt chẽ với DN. Họ dễ dàng rời bỏ DN vì rất nhiều lý do chủ quan lẫn khách quan.

Để góp phần giải quyết tình trạng trên, bà Tú Anh cho rằng cần phải có hệ thống thông tin dữ liệu NLĐ chuẩn, chính xác để DN thuận lợi hơn trong việc nắm bắt và tuyển dụng, đồng thời nâng cao ý thức của NLĐ khi ứng tuyển và làm việc tại DN.

 

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

    BÌNH LUẬN

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ