A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Kế thừa và phát huy vốn văn hóa truyền thống bắt đầu từ nỗ lực tự thân

09:24 | 21/10/2013

Công tác giáo dục, tuyên truyền và khuyến khích thế hệ trẻ người dân tộc thiểu số tại chỗ kế thừa, phát huy vốn văn hóa truyền thống của ông bà để lại luôn được các cấp, ngành thường xuyên quan tâm.

Tuy nhiên, hiệu quả của công tác này đến đâu và có thật sự bền vững hay không còn là vấn đề cần phải trao đổi, đánh giá và nhìn nhận đúng mức.

Nhìn từ thực tế

Hằng năm, ngành Văn hóa các địa phương đều đưa ra những con số cụ thể về hoạt động bảo tồn, phát huy vốn văn hóa của các dân tộc bản địa, nhất là văn hóa phi vật thể (diễn tấu cồng chiêng, hát kể sử thi, sử dụng và chế tác nhạc cụ kết hợp với dân ca, dân vũ) của người Êđê, Jarai, M’nông… sinh sống trên địa bàn. Có điều, những con số mà ngành Văn hóa đưa ra khiến nhiều người làm công tác quản lý, nghiên cứu trong lĩnh vực này băn khoăn vì đến nay chưa thấy văn bản báo cáo nào về khảo sát, đánh giá một cách khoa học và đầy đủ về mặt chất lượng, cũng như hiệu quả của công tác giáo dục, đào tạo đội ngũ kế thừa và phát huy vốn văn hóa của các dân tộc thiểu số tại chỗ.  

Đội chiêng trẻ buôn Ea Bông - xã Cư Êbur (TP.Buôn Ma Thuột)

Hầu hết các nghệ nhân - những người nắm giữ vốn văn hóa của dân tộc mình đều có chung suy nghĩ: nỗ lực tự thân của mỗi cá nhân, cộng đồng nhằm gìn giữ và phát huy những gì của ông bà họ để lại mới là phương cách hữu hiệu nhất hiện nay. Nỗ lực ấy đến từ nhiều phía - là ý thức, trách nhiệm; lòng tự hào, tự tôn dân tộc… và cũng còn là để kiếm kế mưu sinh hằng ngày. Có thể nói điều đó đúng và đang hiển hiện sinh động diễn ra - ông Y Thim Byă (buôn Bông, xã Cư Êbur – TP. Buôn Ma Thuột) khẳng định như vậy và dẫn chứng thêm: đến nay, nhiều thanh thiếu niên ở buôn Bông tìm đến với cồng chiêng vì lý do mới nghe ra tưởng như “thực dụng”, nhưng ngẫm lại thì hết sức thực tế và chính đáng, đó là để có cơ hội nâng cao thu nhập cho gia đình. Ông Y Thim cho biết trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột hiện có nhiều điểm sinh hoạt, diễn tấu cồng chiêng phục vụ cho du khách, các em học đánh cồng chiêng là để đáp ứng nhu cầu này. Tại nhà của Y Thim, mỗi tháng bình quân có 5-7 đoàn khách đến thưởng thức âm nhạc dân gian Tây Nguyên và đó chính là nơi để các em biểu diễn, phục vụ. Tuy khoản tiền thù lao mỗi lượt biểu diễn không nhiều, nhưng cũng đủ hấp dẫn và lôi cuốn các em trở lại với loại hình âm nhạc không còn phổ biến rộng rãi  này.

Từ thực tế ấy, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tây Nguyên - bà Linh Nga Niê K’dăm, cũng như nhạc sĩ Y Phôn K’so cho rằng: ở góc độ nào đó mà nói thì “bài toán” bảo tồn và phát triển vốn văn hóa của cộng đồng người dân tộc thiểu số ở đây đã được giải quyết. Âm nhạc cồng chiêng cũng như các hoạt động văn hóa - văn nghệ khác đã sống dậy và lan tỏa nhờ nỗ lực của lớp trẻ; ngược lại vốn văn hóa ấy đã góp phần nuôi nấng các em bằng giá trị vật chất cụ thể, đong đếm được. Điều đó cũng giống Nhã nhạc cung đình Huế, Quan họ Bắc Ninh, hay Đờn ca tài tử Nam bộ… đã được thế hệ trẻ tiếp nhận từ những người đi trước đem phục vụ rộng rãi cho công chúng dưới nhiều hình thức hết sức đa dạng và phong phú: ở nhà hàng, khách sạn, tụ điểm sinh hoạt văn hóa và trong cả những tuor - tuyến du lịch được nhiều cá nhân, cộng đồng tổ chức. Nhiều người làm công tác nghiên cứu văn hóa đánh giá: đây cũng là đường hướng khả thi nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống hiện nay. Nhà nước và các cấp, ngành liên quan nên khuyến khích, đồng thời xây dựng những thiết chế quản lý văn hóa năng động, phù hợp hơn để thực hiện có hiệu quả công tác này.

Thật sự đam mê

Với góc nhìn khác, anh A Man - Phó phòng VH-TT huyện Cư M’gar nhận xét: muốn bảo tồn và phát huy vốn văn hóa truyền thống thì việc giáo dục, đào tạo thế hệ kế thừa là vấn đề quan trọng nhất. Ở Cư M’gar, thời gian qua ngành Văn hóa huyện đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để tổ chức nhiều Hội diễn văn hóa - văn nghệ cho đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn, mở gần 30 lớp truyền dạy diễn tấu cồng chiêng và thành lập nhiều câu lạc bộ sinh hoạt dân ca, dân vũ cho các em thanh thiếu niên. Con số thống kê thi rõ ràng như vậy, tuy nhiên chất lượng và hiệu quả như thế nào thì vẫn chưa kiểm chứng được. Chất lượng, hiệu quả ở đây- theo ông A Man là phải đánh giá, kiểm tra và xác nhận những em tham gia các hoạt động trên đã lĩnh hội và nắm giữ kiến thức được truyền dạy đến đâu, ở mức độ nào? Ví như đánh cồng chiêng chẳng hạn, thì phải biết các em đã thuộc lòng và đánh được bao nhiêu bài, thao tác diễn xướng đã chính xác và thuần thục hay chưa…(?) Tất cả điều đó đến nay, không riêng gì huyện Cư M’gar mà hầu hết các địa phương khác đều chưa thống kê được.

Nghệ nhân Ma Tuyn ở buôn Đing, Y Thiêm Niê ở buôn Pơng - huyện Cư M’gar đã từng tham gia mở các lớp truyền dạy đánh chiêng cho lớp trẻ tâm sự: phải đam mê và thật sự có nhu cầu mới học được, còn tham gia cho có phong trào thì không bao giờ thành công cả! Như trường hợp Y Mơh và Y Nép ở buôn Pơng chẳng hạn, Y Mơh thì ham vui nên tham gia 2-3 khóa học đánh cồng chiêng do phòng Văn hóa huyện tổ chức, cuối cùng chẳng nhớ gì vì môi trường, điều kiện diễn xướng không có; còn Y Nép tuổi mới 15, ở nhà mày mò tự học đã đánh được các bài chiêng cổ nhất. Đến nay, Y Nép thường cùng cha mình và các nghệ nhân lớn tuổi khác trong buôn Pơng tham gia biểu diễn tại các hoạt động văn hóa được tổ chức từ huyện lên tỉnh.

Trong câu chuyện bảo tồn, phát huy vốn văn hóa truyền thống của các dân tộc bản địa, các nghệ nhân đều cho rằng: giáo dục và truyền dạy những gì được cho là di sản của ông bà để lại, nên giao trách nhiệm cho gia đình và cộng đồng. Còn Nhà nước, mà trực tiếp là ngành Văn hóa nên quan tâm hơn đến vấn đề này từ những việc thiết thực nhất như kịp thời phát hiện, nêu gương và khen thưởng (tinh thần lẫn vật chất) cho những gia đình, cộng đồng làm tốt công tác trên. Theo đó xây dựng và bổ sung thêm các thiết chế quản lý văn hóa một cách cụ thể hơn đến từng địa bàn dân cư, nhất là buôn làng của người dân tộc thiểu số dựa trên những nội dung cơ bản của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền Văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Phương Đình

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ