A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Ngân vang "tiếng kèn đội ta"

10:12 | 27/08/2014

Liên hoan “Tiếng kèn Đội ta” lần thứ I năm 2014 do Hội đồng Đội tỉnh phối hợp với Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh tổ chức vào đầu tháng 8 vừa qua đã để lại nhiều ấn tượng.

Đó không chỉ là sân chơi cho các em đội viên giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong công tác Đoàn, Đội mà còn là dịp để xây dựng, nhân rộng và duy trì mô hình đội nhạc, kèn nghi lễ ở các địa phương, trường học.

Liên hoan “Tiếng kèn Đội ta” lần I thu hút 6 đội nhạc, kèn nghi lễ với hơn 100 em đội viên tham gia. Với hai phần thi gồm: phần bắt buộc và phần tự chọn, trong đó phần thi bắt buộc trình diễn nghi lễ chào cờ gồm các bài Kèn hiệu, Quốc ca, Đội ca, hô đáp khẩu hiệu Đội; phần thi tự chọn trình bày các bài kèn, trống với chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương đất nước, truyền thống của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đội TNTP Hồ Chí Minh… Điều đáng chú ý là các đội đều biểu diễn tốt phần thi của mình, dẫu có đội chỉ mới thành lập và luyện tập trong vòng 2 tháng, trong khi đó có đội đã duy trì tập luyện từ nhiều năm nay.

Đội nhạc, kèn nghi lễ huyện Krông Pak trình diễn phần thi tại Liên hoan  “Tiếng kèn đội ta” lần thứ I năm 2014.

Đội nhạc, kèn nghi lễ huyện Krông Pak trình diễn phần thi tại Liên hoan “Tiếng kèn đội ta” lần thứ I năm 2014

Đội nhạc, kèn nghi lễ trực thuộc Hội đồng Đội huyện Krông Pak có hơn 20 đội viên tham gia. Từ khi thành lập cách đây 5 năm cho đến nay, đội luôn duy trì lịch tập luyện cũng như biểu diễn tại các hoạt động, lễ kỷ niệm của địa phương. Em H Nê Sim Mai Jun (học sinh lớp 9, Trường THCS Ea Yông) một thành viên trong đội chia sẻ: “Tham gia tập kèn từ năm học lớp 6, tuy việc luyện tập khá vất vả và khó nhưng em vẫn vui và háo hức. Khi biết mình được chọn vào đội tham dự Liên hoan em rất tự hào, bởi đây là cơ hội để em thể hiện năng khiếu thổi kèn của mình cũng như gặp gỡ nhiều bạn bè và học hỏi thêm kinh nghiệm”. Để thành lập và duy trì đội nghi lễ này, Hội đồng Đội huyện đã đầu tư hơn 100 triệu đồng để mua kèn, trống, đồng phục cho các thành viên trong đội và đặc biệt là thuê thầy dạy, luyện tập. Nhờ vậy đội nhạc, kèn nghi lễ huyện Krông Pak là một trong hai đội đoạt giải A và được Hội đồng thẩm định của Liên hoan đánh giá cao.

Ngược lại, đối với đội nhạc, kèn nghi lễ huyện Buôn Đôn, việc tham gia Liên hoan là cơ hội để các em học hỏi những kinh nghiệm của các đội bạn cách đánh trống, thổi kèn và chỉ huy đội giỏi. Bởi đội chỉ mới thành lập từ cuối năm học 2013-2014, lại gần thời điểm chuẩn bị nghỉ hè nên việc tập hợp các em để luyện tập không được thường xuyên. Anh Triệu Quang Thái, Phó Bí thư Huyện Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội huyện Buôn Đôn chia sẻ: “Đội nhạc, kèn nghi lễ huyện Buôn Đôn có 17 em tham gia, do đơn vị không có người biết thổi kèn nên phải nhờ giáo viên ở Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh đến dạy. Nếu không có kinh phí (hơn 100 triệu đồng) của Hội đồng Đội tỉnh hỗ trợ để mua kèn, trống và các vật dụng khác có lẽ Hội đồng Đội huyện sẽ khó thành lập được đội nhạc, kèn nghi lễ. Chúng tôi sẽ cố gắng duy trì việc tập luyện cũng như thường xuyên tuyển mới để có lực lượng kế cận những em sắp vượt độ tuổi quy định (không quá 16 tuổi)”.

Có thể nói, việc xây dựng và duy trì đội nhạc, kèn nghi lễ ở các huyện đang là một bài toán khó vì hiện tại toàn tỉnh chỉ có 6 đội ở các huyện: Krông Pak, Cư M’gar, Buôn Đôn, M’Drak, TP. Buôn Ma Thuột và 1 đội của Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh. Để thành lập được đội nghi lễ này, ngoài việc đầu tư kinh phí mua dụng cụ (khoảng 100 triệu đồng) thì việc tìm người dạy và duy trì luyện tập là một điều không dễ. Bên cạnh đó, đặc thù của các đội nhạc, kèn nghi lễ thiếu nhi là phải luyện tập thường xuyên và luôn có sự thay đổi thành viên (bởi độ tuổi tham gia chỉ từ 10 đến 16 tuổi), do đó trước khi những em lớn chuẩn bị quá tuổi thì phải tuyển em khác vào kế cận. Anh Trần Hồng Tiến, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh, Giám đốc Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh cho biết: “ Việc thành lập đội nhạc, kèn nghi lễ không chỉ phục vụ hoạt động nghi thức, nghi lễ của tổ chức Đội và nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương mà còn góp phần xây dựng phương pháp giáo dục toàn diện cho các em như ý thức kỷ luật, tác phong và tinh thần tập thể… Tuy nhiên, hiện nay việc thành lập đội nhạc, kèn nghi lễ tại các huyện gặp rất nhiều khó khăn, từ kinh phí, con người đến giáo viên truyền dạy. Do đó, cần có sự quan tâm, phối hợp nhiều hơn từ các trường, địa phương”. Một vấn đề cũng đáng quan tâm là các thành viên đội nhạc, kèn nghi lễ đang rất thiếu “đất” biểu diễn vì hiện tại ngoài một vài sự kiện chính trị, xã hội của địa phương như các buổi lễ, hội thì vẫn chưa có nhiều sân chơi như Liên hoan “Tiếng kèn Đội ta” tỉnh lần thứ I năm 2014 để các em tham gia.

Thúy Hồng

    nguồn: Baodaklak.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ