A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Cộng sinh tham nhũng và lãng phí

08:22 | 18/09/2014

Trong nhiều năm qua, vấn đề tham nhũng, lãng phí dù đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước xác định là nghiêm trọng và đề ra nhiều biện pháp phòng chống ngăn chặn,...

nhưng những tệ nạn này vẫn ngày càng phát triển và lan rộng, ăn sâu vào mọi ngõ ngách của nền kinh tế và đời sống xã hội, cản trở sự phát triển của đất nước. Tham nhũng và lãng phí có sự quan hệ mật thiết với nhau, có sự đan xen và "chuyển hóa” lẫn nhau, thậm chí nhờ có lãng phí thì mới dễ dàng tham nhũng.
 
 
Lãng phí càng lớn thì cơ hội nảy sinh tham nhũng càng được nhiều - Ảnh: Hoàng Long
 
Có thể thấy nạn lãng phí, tham nhũng xuất hiện ở mọi nơi, mọi lúc, mọi cấp độ. Đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư công, lãng phí đang ngày càng nặng nề,  xảy ra từ những công trình xây dựng trị giá hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng như việc xây dựng cầu cảng, đặc khu kinh tế tràn lan ở các địa phương mà hoạt động không hiệu quả, những công trình trụ sở hoành tráng ở các quận, huyện, tỉnh thành, các khu chợ, trung tâm thương mại vắng hoe người buôn bán kinh doanh, những công trình nhà văn hóa, sân vận động, bảo tàng chỉ có vỏ mà không có ruột, những công trình nhà vệ sinh trị giá hàng trăm tỷ đồng trong những ngôi trường xập xệ ở một tỉnh nghèo… cho đến việc mua sắm tàu biển, ụ nổi hàng triệu đô la, việc đầu tư các trang thiết bị y tế đắt tiền ở các bệnh viện quận, huyện không đồng bộ với nguồn nhân lực sử dụng rồi để đắp chiếu, trùm mền, việc các trường học đua nhau mua sắm bảng tương tác thông minh, trong khi nhiều trường còn chưa biết làm gì với bảng tương tác vì giáo viên chưa được đào tạo để sử dụng. Và gần đây nhất là Dự án phát triển công nghệ thông tin và truyền thông tại Đà Nẵng có tổng vốn đầu tư 27,2 triệu USD (gần 600 tỷ đồng) vay từ Ngân hàng Thế giới (WB) được triển khai từ năm 2011, nghiệm thu ngày 22-7-2014, nhưng trên thực tế nhiều thiết bị thông tin lại đang "trùm mền” từ nhiều năm qua, trong đó có những trang bị không thật sự cần thiết như điện thoại cố định có màn hình trị giá hàng chục triệu đồng /chiếc vì có địa phương được trang bị đã ba năm nhưng chưa thực hiện cuộc gọi nào.Vậy nhưng Dự án vẫn chuẩn bị triển khai giai đoạn 2 với vốn vay hơn 30 triệu USD. 
 
Phải chăng những cá nhân gây ra lãng phí hay những người đứng đầu các cơ quan, tổ chức để xảy ra lãng phí quá ngờ nghệch hay thiếu đi sâu đi sát thực tế nên vô tình để xảy ra lãng phí như vậy? Không biết các cấp lãnh đạo và cơ quan thanh tra có tin vào điều này? Còn người dân có lẽ ít ai tin như vậy bởi trên thực tế, ở hầu hết những công trình xây dựng và việc mua sắm chi tiêu lãng phí kể trên đều có những biểu hiện tiêu cực. Lãng phí càng lớn thì cơ hội nảy sinh tham nhũng càng được nhiều. Điều đáng nói ở đây là lãng phí thì quá rõ, mọi người đều có thể nhìn thấy và chỉ ra một cách cụ thể, còn tham ô, tham nhũng dù ai cũng thấy và cảm nhận được nhưng lại không dễ nắm bắt, vạch mặt, chỉ tên và lôi ra ánh sáng pháp luật. Với những công trình xây dựng lãng phí tiền tỷ, thực chất đường đi của những đồng tiền như thế nào chỉ những người trong cuộc mới có thể biết chính xác. Từ khâu đầu tiên là lập dự án, chủ đầu tư đã phải chi "phết, phẩy”, đến tất cả các khoản tiền chi "bôi trơn” đều được phù phép vào giá thành nên các dự án, công trình đều có giá thành vượt xa thực tế mà chất lượng thì vừa đưa vào sử dụng đã hư hỏng, xuống cấp phải sửa chữa. Việc mua sắm, đầu tư trang thiết bị lãng phí trong các công sở, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước cũng xảy ra tình trạng tương tự. Việc khai khống, nâng giá tiền trang thiết bị để bòn rút tiền nhà nước là chuyện không xa lạ. Mua sắm càng nhiều, thiết bị càng đắt tiền thì tiền hoa hồng, tiền chênh lệch càng lớn. Thậm chí trong các dịp lễ tết, dù biết là lãng phí, nhiều cơ quan, đơn vị vẫn thích tặng quà, in lịch tràn lan tặng cho cán bộ công nhân viên cũng vì lẽ đó. Vòng xoay lãng phí - tham ô - hối lộ là một chu trình rất logic. Chưa ai thống kê được nhưng chắc chắn tham nhũng và lãng phí gắn liền với nhau làm hao tổn ngân sách của nhà nước và làm băng hoại nhiều giá trị xã hội.
 
Có thể nói lãng phí, tham nhũng không được ngăn chặn hiệu quả thì căn bệnh "tuy hai mà một” này như những chiếc vòi bạch tuộc rút ruột bầu ngân sách, rút ruột nền kinh tế, khiến kinh tế đất nước vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Chống tham nhũng, lãng phí thực sự là một cuộc chiến khó khăn, đòi hỏi sự đồng bộ, triệt để và quyết liệt của cả bộ máy, trong đó hệ thống pháp luật với những biện pháp chế tài chặt chẽ, nghiêm khắc và lực lượng chống tham nhũng "sạch” là những yếu tố quyết định. Về luật pháp, để xử lý tội tham nhũng, Bộ luật Hình sự có Mục A, Chương XXI với những khung hình phạt khá nghiêm khắc. Còn tội lãng phí, với những cá nhân vi phạm hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra lãng phí, trong  Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 2013, Điều 78, Chương IV chỉ ghi: "Tùy theo mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, trong Bộ luật Hình sự Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009 lại chưa ghi nhận tội lãng phí.  Đây là một khoảng trống, một kẽ hở  về mặt pháp lý giúp cho kẻ phạm tội "ném tiền công qua cửa sổ” tránh được sự trừng trị của luật pháp. Bởi lẽ, lãng phí thì ai cũng thấy nhưng lại không thể truy cứu, xét xử,  còn để xử tội tham nhũng thì lại cần bằng chứng cụ thể, càng khó khăn hơn khi tội phạm tham nhũng là những lãnh đạo có chức, có quyền.
 
Để chống tham nhũng lãng phí có hiệu quả, thiết nghĩ cần nhìn thẳng vào sự thật. Đó là tham nhũng và lãng phí – tuy hai mà một. Trong lãng phí luôn ẩn chứa tham nhũng, lãng phí để có cơ hội và điều kiện tham nhũng, lãng phí càng nhiều, tham nhũng càng lớn.Ngược lại, tham nhũng làm cho lãng phí ngày càng trầm trọng, ngày càng mất kiểm soát. Từ đó có những biện pháp triệt để và kiên quyết hơn, cụ thể là: Thanh tra rà soát kỹ lưỡng tất cả các dự án có biểu hiện lãng phí để phát hiện và xử lý tham ô, tham nhũng; Những cán bộ, viên chức gây ra lãng phí thiệt hại cho ngân sách nhà nước phải bị xử lý kỷ luật nghiêm khắc và tự bỏ tiền túi ra bồi thường; Đưa tội danh lãng phí vào Bộ luật Hình sự với các mức án nghiêm khắc đủ để răn đe đối với các cá nhân vi phạm và người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra lãng phí.
 
Chỉ như vậy mới có thể hy vọng đẩy lùi tình trạng lãng phí tràn lan tạo cơ hội cho tham nhũng như hiện nay.
 
Nguyễn Thị Dung

    nguồn: daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ