A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02

Về Đắk Lắk ăn bánh canh "Hà Lan"

16:46 | 10/09/2019

Nhắc đến bánh canh, người ta thường nghĩ ngay đến những địa danh nổi tiếng như: bánh canh chả cá Nha Trang, bánh canh Trảng Bàng Tây Ninh, bánh canh Nam Phổ Huế, bánh canh ghẹ Vũng Tàu, bánh canh bột xắt miền Tây...

Nhắc đến bánh canh, người ta thường nghĩ ngay đến những địa danh nổi tiếng như: bánh canh chả cá Nha Trang, bánh canh Trảng Bàng Tây Ninh, bánh canh Nam Phổ Huế, bánh canh ghẹ Vũng Tàu, bánh canh bột xắt miền Tây... Chiều Sài Gòn nhớ Huế, chạy đi húp tô bánh canh ‘Mạ tôi’ Vật đổi sao dời nhưng bánh canh chị Nga vẫn ngon như 20 năm trước Vì sao bánh canh chả cá Nha Trang 'ngon nức nở'?

Bánh canh 'Hà Lan' - Ảnh: TN

Nhưng tại mảnh đất Tây Nguyên, lại có thêm một loại bánh canh đặc biệt, mùi vị đặc trưng thơm ngon, đó chính là bánh canh Hà Lan, được chính con người ở đất Hà Lan chế biến.

Hà Lan là tên một địa danh khá nổi tiếng ở Đắk Lắk, nằm trên Quốc lộ 14 đoạn gần thị xã Buôn Hồ, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột 35km về phía Đông Bắc trên đường đi Gia Lai. Tên gọi "Hà Lan" này có lẽ được gọi trệch từ tiếng Ê Đê, nguyên dạng là Chư Hlang, có nghĩa là "núi cỏ tranh".

Vùng đất quê tôi tương đối màu mỡ, kinh tế phát triển nên được nhiều người dân ở các vùng chọn làm quê hương thứ hai của mình. Ở đây chủ yếu là người dân từ các tỉnh miền Trung như Quảng Bình, Huế, Quảng Trị, Hà Tĩnh... di cư vào.

Có lẽ vì thế mà ẩm thực nơi đây trở nên phong phú, có sự giao thoa nhiều nền văn hóa vùng miền khác nhau. Trong đó, món mà tôi yêu thích nhất là bánh canh bột lọc Hà Lan.

Cũng là món bánh canh như ở nhiều nơi nhưng không phải ai cũng biết cách nấu bánh canh Hà Lan và có thể cho ra hương vị lạ miệng, đặc trưng như ở nơi đây. Tô bánh canh dọn ra lúc nào cũng khiến người ta thèm thuồng, muốn thưởng thức ngay với vị cay của tiêu, ớt, mùi thơm của hành, vị ngọt của nước dùng, thịt bằm vo tròn...

Muốn làm được món bánh canh ngon phải qua rất nhiều khâu chế biến vô cùng công phu tỉ mỉ. Đầu tiên là khâu chọn gạo, phải chọn đúng loại gạo chọn lọc ở chính vùng Tây Nguyên. Gạo phải được ngâm thật kỹ đúng với khoảng thời gian nhất định để khi xay nhuyễn, lọc lấy phần tinh bột vừa mềm vừa mịn.

Tiếp đó là khâu nhào bột, phải nhào khéo léo kết hợp thêm một ít bột mì, tạo thành những sợi bánh canh đặc trưng, không quá dai mà cũng không quá mềm, không quá to mà cũng không quá nhỏ, vừa phải, dẻo thơm.

Khác với bánh canh vùng khác, sợi bánh to, màu trắng trong và dai hơn thì bánh canh Hà Lan lại đặc biệt với sợi bánh có màu hơi đục, mềm, lớn hơn cọng bún một chút. Khi ăn, sợi bánh dẻo, ngọt, béo hòa quyện với nước dùng thấm dần vào miệng.

Tô bánh canh dọn ra còn cả đầu hành, hành lá, ngò rí, tạo thêm màu sắc bắt mắt. Bánh canh Hà Lan đã trở thành món ăn gây thương nhớ, khiến không ít thực khách phương xa mãi nhớ nhung, dù chỉ một lần nếm thử khi có dịp du lịch.

Mỗi khi có dịp về quê, tôi đều đến thưởng thức bánh canh Hà Lan nằm ở góc đường Hùng Vương - Trần Quang Khải, đoạn xuống thị xã Buôn Hồ. Đây là quán bánh canh Hà Lan nổi tiếng có trên 20 năm. Một địa chỉ khác cũng có hương vị ngon không kém đó là quán nằm gần chân đèo Hà Lan, trên Quốc lộ 14, Buôn Hồ, Đắk Lắk.

Sài Gòn cũng có nhiều quán bánh canh ngon nhưng không đâu ngon bằng quê nhà. Dù đã tìm và thưởng thức ở nhiều nơi, nhưng để mang lại cho tôi hương vị bánh canh đặc trưng thì có lẽ chỉ có ở quê mình.

Món ăn ngon đôi khi không phải là cao hương mĩ vị gì mà nó gắn với tuổi thơ, quê hương, nơi có bóng hình cha mẹ và những ngày kham khổ mới có cơ hội thưởng thức một tô bánh canh Hà Lan chuẩn vị.

Nếu có dịp về Đắk Lắk, mời mọi người ghé thị xã Buôn Hồ để thưởng thức món bánh canh Hà Lan đặc trưng này. Để bạn biết rằng, Đắk Lắk đâu chỉ có cà phê!

Theo Trang Nguyễn (tuoitre.vn)

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn).

    BÌNH LUẬN

      Hyundai T12

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ