A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02

"Tiệc đắng" khó quên

16:48 | 04/06/2019

Đắng và cay là khẩu vị quen thuộc, phổ biến trong ẩm thực của người Êđê ở Đắk Lắk. Hương vị này được coi là chủ đạo, có mặt trong hầu hết các món ăn của họ.

Vị cay, tất nhiên là từ quả ớt rồi, còn vị đắng lấy từ nguyên liệu nào? Có thể nói, đây là “phổ ẩm thực” độc đáo và phong phú của người Êđê. 

Tất cả từ rừng mà ra – cà đắng, đọt mây, khổ qua, lá sắn, hoa ytuk, trái ypang, aliêk… mỗi thứ đều có vị đắng đặc trưng. Với cà đắng, đọt mây, khổ qua và lá sắn thì quá quen thuộc rồi. Trong bữa ăn gia đình của người Êđê nào cũng có tô canh cà đắng, đĩa lá sắn hay khổ qua xào. Những món ăn này thân thiết và gần gũi lắm, từ già đến trẻ, đàn ông hay đàn bà đều có thể chế biến được. Ví như quả cà đắng thì chẻ ra làm tư, ngâm muối một lúc rồi nấu nhừ với cá mắm, thịt đều được. Lá sắn trước khi xào phải dùng tay vò cho thật nát để bớt đi mùi hăng hắc, đến khi ăn mới có vị béo và ngai ngái đắng. Còn đọt mây, người ta chọn những đọt non tơ, bụ bẫm (dài khoảng ba bốn gang tay) mang về tước bỏ phần vỏ, sau đó nướng lên cho mềm rồi nấu với nhiều loại thực phẩm như cá, thịt, mắm cùng lá bép và bột gạo, hoặc xé nhỏ từng sợi để làm gỏi gà, khô nai, khô mực… đều ngon. Cầu kỳ hơn thì luộc lên cho bớt đắng, sau đó cắt nhỏ như hạt lựu hầm với các loại thịt. 

Canh cà đắng.

Lạ nhất là hoa ytuk, trái ypang và aliêk, có nhiều người đến nay có thể chưa được thưởng thức một lần. Amí Tha Ny (buôn Ea Nao – xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) nói bởi vì nó hiếm nên khó kiếm được. Cây ytuk có thân mềm, cao nhất khoảng 3m, thường mọc ven sông suối. Thân cây có gai và lá trông như là đu đủ. Hoa ytuk nở từng chùm dưới nách lá vào đầu mùa hạ, có màu vàng sẫm, vị ngai ngái đắng. Hoa có thể nấu canh, xào trộn với thịt, cá, tôm tép… nhưng ngon nhất vẫn là món gỏi. Người Êđê thường nướng hoặc trụng qua nước sôi hoa ytuk, sau đó cho vào cối cùng với gia vị (ớt, muối, bột ngọt, đậu phộng) giã nát rồi ăn với các loại rau, lá kèm theo. Các loại rau, lá ăn kèm này, nhất thiết phải có lá esh, lá yang, lá cóc, lộc vừng hoặc lá sung… Khi có khách khứa đãi đằng thì tốt nhất là dùng bánh tráng mềm cuốn tất cả lại thành từng cái cho tiện và bắt mắt hơn. Tùy theo thực khách mà thêm bớt gia vị cho vừa miệng.

Còn trái yphang, aliêk có hình tròn, màu nâu và to bằng ngón tay. Người Êđê tìm hái chúng từ những thân dây leo mọc trong rừng. Khi chế biến nên bỏ hột. Loại trái này rất đắng, vì thế phải luộc qua và nấu như cà đắng thường thấy. Có điều, theo Amí Tha Ny, ngon nhất và giữ được hương vị đặc trưng là giã làm muối cùng các loại rau rừng để chấm thịt, cá nướng. Sở dĩ món muối chấm của đồng bào Êđê ngon đáo để là nhờ trái đắng này.  

Hiện nay, những món ăn được chế biến từ các nguyên liệu đắng trên, không chỉ có trong bữa ăn của người Êđê, mà lần lượt ra phố, có mặt trong thực đơn các nhà hàng, khách sạn ở Buôn Ma Thuột và nhiều nơi khác, rất được thực khách ưa thích bởi hương vị khác lạ của nó. 

Phương Đình

    nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai T12

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ