A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Gian lận thuế cà phê: xử lý thế nào?

07:52 | 08/08/2013

Liên đoàn Cà phê châu Âu (European Coffee Federation – ECF) - đại diện cho nhiều công ty trong đó có Volcafe Ltd và Louis Dreyfus Commodities Thụy sĩ SA.

Đã yêu cầu chính quyền Việt Nam điều tra tình trạng gian lận thuế trong mua bán cà phê trước khi niên vụ mới bắt đầu, Bloomberg đưa tin ngày 31-7-2013. Phản ứng của Việt Nam như thế nào?

Vườn cà-phê trổ hoa. Ảnh HH

Châu Âu yêu cầu điều tra

Roel Vaessen, Tổng thư ký ECF, xác nhận qua điện thoại rằng vào ngày 26-7, tập đoàn Rijswijk có trụ sở tại Hà Lan đã viết thư gửi các cấp chính quyền của Việt Nam, trong đó có Văn phòng Thủ tướng, Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho rằng việc gian lận thuế giá trị gia tăng (GTGT) đang làm giảm lượng cung cấp cà phê được chứng nhận bền vững.

ECF là hiệp hội cà phê có rất nhiều thành viên là công ty kinh doanh và rang xay cà phê, có văn phòng đại diện và nhà máy chế biến tại Việt Nam dưới dạng đầu tư nước ngoài. Nhiều thành viên của ECF là đối tác truyền thống của ngành cà phê Việt Nam hàng chục năm nay còn châu Âu là nơi tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới. Trong hai niên vụ gần nhất, nhóm 27 nước thuộc EU đã trở thành nhà nhập khẩu nhiều cà phê Việt Nam nhất, lên tới 45-47 triệu bao (60 kg/bao), gần gấp đôi Mỹ với chừng trên 23 triệu bao, báo cáo thị trường Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ra tháng 12-2012 cho biết.

Gian lận thuế và tác hại

Tình trạng gian lận thuế xảy ra khi một số doanh nghiệp mua cà phê giá cao “khai khống” là để xuất khẩu nhưng thực chất là để bán giá thấp trên thị trường nội địa nhằm hưởng tiền hoàn thuế GTGT. Để làm được chuyện này, các doanh nghiệp “ma” này mua hóa đơn hay tự xuất hóa đơn từ những nơi không có cà phê để được khấu trừ thuế sau khi bán lại bằng hay dưới mức giá thị trường trong cùng thời điểm. Tình trạng “xuất khống” như vậy không chỉ làm thiệt hại cho nguồn thu ngân sách của các tỉnh sản xuất cà phê, thiệt hại cho các công ty làm ăn chân chính, mà còn chặn đứng nguồn hàng xuất khẩu một cách giả tạo. Khi tình trạng này xảy ra, các công ty thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ thuế và có hoạt động xuất khẩu thực sẽ không mua được cà phê nguyên liệu trong khi cà phê lại chạy lòng vòng trên thị trường nội địa, làm giá thành càng ngày càng cao, có thể phá hỏng kế hoạch xuất khẩu của toàn ngành hay mất thời cơ khi giá thế giới lên cao. 

Riêng tại tỉnh Daklak, chỉ trong quí 1 năm 2013, nguồn thu thuế GTGT từ cà phê đạt được rất thấp; nguồn thu của nhiều quận huyện bị giảm mạnh như thành phố Buôn Ma Thuột giảm 35 tỉ đồng, thị xã Buôn Hồ giảm 35 tỉ đồng, huyện Cư M’gar giảm 31 tỉ đồng, Ea H’leo giảm 27 tỉ đồng, Krông Buk giảm 24 tỉ đồng, Krông Năng giảm 22 tỉ đồng… báo Daklak Điện tử cho biết.

Cản trở sản xuất cà phê bền vững

Đặc biệt, từ mấy năm nay, Việt Nam là một trong những nước có phong trào sản xuất cà phê bền vững. Một chuyên gia huấn luyện các chương trình sản xuất bền vững cho biết, theo dự kiến, đến năm 2015, nhiều tập đoàn rang xay cà phê lớn của châu Âu như Nestle, Mondelez, Tchibo… chỉ chấp nhận cà phê đã được xác nhận sản xuất theo phương pháp bền vững. Nhóm hỗ trợ sản xuất bền vững đặt kế hoạch đến năm 2015 phải nhập khẩu được chừng 25% trong tổng lượng xuất khẩu cà phê hàng năm của Việt Nam. Hiện nay, nước ta chỉ xuất khẩu cà phê có chứng đơn sản xuất bền vững đạt từ 8-10%, tức khoảng từ 100.000-150.000 tấn/năm.

Lãnh đạo của một văn phòng đại diện đóng tại TP Hồ Chí Minh, có công ty mẹ là thành viên của ECF cho biết, công ty của bà muốn biết tình hình trốn thuế có được giải quyết rốt ráo không, để còn xây dựng kế hoạch mua hàng tại Việt Nam. “Còn nếu như không thể kinh doanh cà phê tại Việt Nam được do không mua được hàng, lãnh đạo chúng tôi sẽ quyết định tìm nơi khác để thay thế”, bà nói và yêu cầu không tiết lộ danh tánh.

Cũng chính vì vậy mà vị Tổng thư ký ECF đề nghị muốn được biết cụ thể chính quyền Việt Nam giải quyết tình hình trốn thuế như thế nào “trước khi vào vụ” để các thành viên của ECF còn biết đường lên kế hoạch mua bán cho vụ sau đang rất cận kề, bắt đầu từ 1-10-2013.

Bộ Tài chính “siết” lại

Về phía Việt Nam, tại hội nghị “Tăng cường các giải pháp quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh nông sản” do Bộ Tài chính và tỉnh Lâm Đồng tổ chức đầu tháng 7-2013 tại Đà Lạt, nhiều người cho rằng tình trạng gian lận thuế GTGT là do “luật pháp còn nhiều kẽ hở”: cấp phép kinh doanh quá đơn giản đã đành, cho phép các doanh nghiệp tự kê khai, in hóa đơn thuế dễ dàng nên loại tội phạm này lộng hành. Ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng khẳng định tại hội nghị: “Tác hại của tình trạng trốn thuế này là rất lớn. Nó không chỉ gây thất thu thuế mà đáng lo ngại hơn là doanh nghiệp cà phê Lâm Đồng và Tây Nguyên đang chết dần và nguy cơ phá sản. Vì khi, các doanh nghiệp ‘đen’ trốn được thuế thì sẵn sàng đẩy giá thu mua cà phê cao hơn, doanh nghiệp làm ăn đứng đắn không cạnh tranh nổi”.

Đứng trước tình trạng ấy, các cơ quan thuế đã “ách” lại tiền hoàn thuế của nhiều doanh nghiệp cà phê và chỉ hoàn thuế khi kiểm tra thấy không vi phạm trốn thuế. Bộ Tài chính đã ban hành công văn 7527/BTC-TCT yêu cầu các cục thuế tăng cường công tác quản lý thuế, yêu cầu tổ chức kiểm tra trước khi hoàn thuế GTGT đối với các trường hợp sử dụng hóa đơn của các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế.

“Phân loại doanh nghiệp”

Tuy nhiên ông Bùi Văn Chuẩn, Phó cục trưởng Cục Thuế Đắk Lắk, tỉnh trồng cà phê lớn nhất nước, thừa nhận nếu giải quyết theo đúng tinh thần của công văn 7527 sẽ ảnh hưởng đến cả hai đối tượng là những doanh nghiệp vi phạm pháp luật và cả những doanh nghiệp chân chính. Do vậy, Cục Thuế sẽ tiến hành các biện pháp “phân loại”doanh nghiệp có lịch sử thực hiện nghĩa vụ thuế tốt để có chế độ hoàn thuế thích hợp, tránh gây khó khăn cho hoạt động sản xuất , kinh doanh.

Hiệp hội Cà phê Ca cao cũng vừa gửi công văn đề nghị Tổng cục Thuế Bộ Tài chính cho phép 19 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê chuyên nghiệp trong đó có 11 công ty thuộc Hiệp hội, được “hậu kiểm”, thoái thuế sớm như một biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp này.

Trao quyền tự quản cho doanh nghiệp trong các thủ tục thuế là hết sức thông thoáng, hiện đại. Nhưng nếu đưa quyền ấy vào tay các công ty nhỏ và vừa, mới mở, kinh doanh chụp giựt, không chuyên nghiệp trong kinh doanh nông sản, đặc biệt các mặt hàng chiến lược như gạo, cà phê…thì thiệt hại sẽ lớn vô kể.

    Nguồn: Thời Báo Kinh tế Sài Gòn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ