A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nâng tầm giá trị cà phê từ canh tác theo hướng hữu cơ

09:14 | 16/06/2023

Luôn kiên định theo đuổi và không từ bỏ hoài bão làm nông nghiệp sạch trong suốt hành trình hơn 10 năm qua đã giúp anh Lữ Văn Kỳ (SN 1981, trú xã Bình Hòa, huyện Krông Ana)...

... dần hiện thực hóa khát vọng nâng tầm giá trị cà phê theo hướng hữu cơ của mình.

Từ lúc nhập ngũ đến khi trở về địa phương làm cán bộ Đoàn Thanh niên, anh Kỳ luôn ấp ủ ước mơ làm nông nghiệp sạch. Năm 2013, sau khi kết thúc nhiệm kỳ làm cán bộ Đoàn tại địa phương, anh bắt tay vào trồng cà phê hữu cơ trên diện tích 2,3 ha tại xã Băng Adrênh (huyện Krông Ana). Xác định canh tác cà phê hữu cơ phải dùng sản phẩm sinh học nên anh đã tìm hiểu, mày mò tự chế các loại phân bón hữu cơ và thuốc diệt sâu bệnh sinh học; song do trình độ hiểu biết còn hạn chế nên cây cà phê vẫn bị các loại bệnh, năng suất, chất lượng không cao.

Không nản lòng, anh Kỳ đã đi thực tế, giao lưu học hỏi kinh nghiệm từ những người trồng cà phê hữu cơ ở các tỉnh Lâm Đồng, Gia Lai…; đồng thời nghiên cứu tìm hiểu qua sách báo, mạng Internet về việc tạo chế phẩm sinh học…

Sau 7 năm nghiên cứu, anh đã tìm ra cách ủ phân chuồng cùng hoa dã quỳ băm nhỏ với nấm đối kháng để bón cho cây phát triển khỏe mạnh. Năm 2021, tình cờ xem được một cách thức nấu phân sinh học của người Hàn Quốc, anh đã nảy ra ý tưởng nấu phân từ axit sunfuric kết hợp với xương, lông gà, vịt… để tưới cho cây mang lại hiệu quả cao.

Ngoài ra, anh còn nghiên cứu ủ được sản phẩm diệt sâu bọ sinh học từ tỏi, ớt, hoa xuyến chi… dùng để diệt rầy đen và rệp sáp trên cây cà phê và các loại cây ăn quả khác.

Anh Lữ Văn Kỳ (xã Bình Hòa, huyện Krông Ana) tự nấu phân sinh học để bón cho cây cà phê.

Việc nghiên cứu và chế biến thành công các sản phẩm sinh học không chỉ giúp anh thay thế hoàn toàn phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật cho cây cà phê mà còn giảm 2/3 chi phí đầu vào và mang lại lợi nhuận. Theo anh Kỳ, những nguyên liệu giàu đạm, lân, kali như cá, trứng, đậu nành, ốc, rong biển để ủ phân không cần tươi sống nên anh mua được với giá rất rẻ, khi ủ số lượng lớn sẽ có dư để bán cho người dân. Hiện tại, ngoài thu nhập chính từ cà phê, mỗi năm gia đình anh còn thu được hơn 10 triệu đồng từ bán phân hữu cơ.

Từ năm 2020, trên diện tích cà phê của gia đình, anh đã sử dụng hoàn toàn sản phẩm sinh học tự chế và áp dụng mô hình cà phê đa thân không hãm ngọn. Mô hình vườn cà phê được chăm sóc xanh tốt với đa dạng sinh học trong hệ thống canh tác ba tầng cây trồng và các sinh vật khác đang tồn tại, phát triển hỗ trợ lẫn nhau đã mang lại năng suất và chất lượng ổn định. Thu nhập của gia đình anh cao gấp nhiều lần so với cách chăm bón theo phương thức hóa học. Niên vụ 2022 - 2023, gia đình anh thu hoạch được 31 tấn quả tươi, sau khi trừ tất cả chi phí đã lãi khoảng 300 triệu đồng; trong khi đó, nếu chăm sóc theo phương thức truyền thống thì năng suất, chất lượng sẽ thấp hơn và chỉ lãi khoảng 100 triệu đồng.

Được canh tác theo phương thức hữu cơ nên rẫy cà phê của gia đình anh Lữ Văn Kỳ (xã Bình Hòa, huyện Krông Ana) phát triển tốt, cho chất lượng cao.

Để nâng tầm giá trị cà phê, anh Kỳ đã mạnh dạn đầu tư các thiết bị để chế biến sâu sản phẩm như cà phê Honey, Fine Robusta và cà phê bột từ cà phê trồng theo hướng hữu cơ. Đồng thời, anh tự tìm kiếm thị trường, khách hàng tiềm năng thông qua các hội thảo trong và ngoài tỉnh. Gian hàng trưng bày sản phẩm của anh tại Hội chợ Triển lãm chuyên ngành cà phê ở Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 mới đây được nhiều khách hàng quan tâm và đến thăm vườn cây để tìm hiểu. Qua đó, anh đã nhận được một số hợp đồng bán cà phê nhân thô với giá rất ổn định và được một số khách hàng đánh giá cao về chất lượng nên đã thu mua để xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Theo anh Kỳ, canh tác hữu cơ chính là hướng đi bền vững, không chỉ vì giá trị, nhu cầu tiêu dùng mà còn vì ý thức bảo vệ sức khỏe, đa dạng sinh học và cân bằng hệ sinh thái. Bởi vậy, anh rất mong muốn chính quyền địa phương tạo điều kiện hướng dẫn quy trình xây dựng sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), tập huấn bổ sung thêm nhiều kiến thức và liên kết thị trường tiêu thụ để việc canh tác cà phê theo hướng hữu cơ được bền vững, lâu dài.

Khánh Huyền

Bài viết gốc: https://www.baodaklak.vn/kinh-te/202306/nang-tam-gia-tri-ca-phe-tu-canh-tac-theo-huong-huu-co-20200be/

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ