A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Triển vọng từ hợp tác đầu tư với Thụy Sĩ

09:12 | 15/11/2023

Sau hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, mối quan hệ hữu nghị cũng như hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Thụy Sĩ không ngừng phát triển.

Các tổ chức ở Thụy Sĩ đã triển khai nhiều chương trình, dự án mang lại hiệu quả tại Việt Nam, trong đó có Đắk Lắk.

Nhìn từ Chương trình cảnh quan bền vững

Một trong những chương trình, dự án có sự tài trợ từ Thụy Sĩ mang lại hiệu quả trên địa bàn Đắk Lắk là Chương trình cảnh quan bền vững (gọi tắt là Chương trình) do Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH) triển khai từ năm 2014.

Chương trình hướng đến mục tiêu thúc đẩy hợp tác công - tư, cùng sự tham gia của các nhà nhập khẩu, người mua cuối, chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội, nông dân... trong quản lý, đầu tư. Đồng thời, triển khai các hoạt động can thiệp đồng bộ đối với các chuỗi ngành hàng chính của khu vực như cà phê, hồ tiêu.

Chương trình còn hướng đến giải quyết những thách thức về sản xuất nông nghiệp bền vững trên quy mô lớn gắn với bảo vệ môi trường và gia tăng sinh kế của nông hộ.

Đoàn công tác của Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Thomas Gass đến thăm mô hình quản lý cỏ dại tại thôn 8B (xã Ea Hiao, huyện Ea H’leo).

Sau một thời gian triển khai tại Đắk Lắk, Chương trình đã tác động tích cực đối với sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường và đời sống của nông dân địa phương. Ở góc độ sản xuất và bảo vệ môi trường, Chương trình đã góp phần giảm 14% lượng phân bón hóa học được sử dụng, giảm 17% lượng nước tưới trong sản xuất cà phê và đặc biệt là giảm 98% lượng thuốc bảo vệ thực vật bị cấm. Bên cạnh đó, việc áp dụng các biện pháp thực hành canh tác bền vững đã góp phần làm giảm 11% chi phí sản xuất và 10% lượng CO2 được phát thải ra môi trường. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 4.500 nông hộ được hưởng lợi trực tiếp từ Chương trình, trong đó có 30% nông hộ tăng 20% thu nhập. Ngoài ra, 100% lượng cà phê sản xuất trong vùng thí điểm của Chương trình được thu mua với mức giá cao hơn giá thị trường.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, Chương trình đã đạt hiệu quả cao, phù hợp với tình hình thực tế, đồng thời cũng đi đúng định hướng của tỉnh là phát triển nông nghiệp xanh, bền vững gắn với bảo vệ, phát triển rừng. Chương trình có sức lan tỏa lớn, được người dân đồng tình ủng hộ. Vì vậy tỉnh sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình ra khoảng 90.000 ha trên toàn tỉnh, hướng nông dân đến canh tác bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, sức khỏe và môi trường.

 
Chính phủ Thụy Sĩ sẽ tài trợ, đồng hành cùng tỉnh Đắk Lắk trong Chương trình cảnh quan bền vững cũng như các chương trình khác nhằm thúc đẩy mối quan hệ đối tác ở Việt Nam”.
 
Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Thomas Gass

Giám đốc Chương trình của IDH Phan Thị Vân chia sẻ, Đắk Lắk là địa phương tiên phong, đang phối hợp chặt chẽ với IDH và các doanh nghiệp nhằm xây dựng và thực hiện Chương trình cảnh quan bền vững, tiến tới hình thành các vùng nguyên liệu quy mô lớn đáp ứng yêu cầu của thị trường. Trong giai đoạn 2021 – 2025, IDH cùng 8 công ty trong nước và quốc tế, UBND các huyện trên địa bàn tỉnh đã có cam kết hỗ trợ tài chính, kỹ thuật nhằm đầu tư mở rộng và xây dựng vùng nguyên liệu quy mô lớn bền vững cấp toàn huyện tại Cư M'gar, Krông Năng, với tổng diện tích 62.000 ha cà phê. Đồng thời nhân rộng quy mô Chương trình tại huyện Ea H’leo thông qua Dự án mô hình cung ứng dịch vụ. Với tổng kinh phí đầu tư 15 triệu USD, Chương trình hướng đến hỗ trợ trực tiếp hơn 60.000 nông hộ sản xuất cà phê và cây trồng xen, với hơn 70.000 ha tại ba huyện trên.

Góp phần phát triển kinh tế - xã hội

Hiện nay, Thụy Sĩ là đối tác thương mại đứng thứ 22 về đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Đồng thời, hai bên cũng đang thúc đẩy tiến trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA). Tại Đắk Lắk, hiện đang có 29 chương trình, dự án, phi dự án từ các tổ chức của Thụy Sĩ triển khai thực hiện với tổng vốn hơn 1,3 triệu USD. Các khoản viện trợ này chủ yếu tập trung vào lĩnh vực an sinh xã hội, thuộc lĩnh vực ưu tiên định hướng kêu gọi phi chính phủ nước ngoài của tỉnh Đắk Lắk.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn cho biết, các khoản viện trợ này cũng như các chương trình, dự án, phi dự án của Thụy Sĩ thực hiện tại Đắk Lắk đã góp phần giải quyết nhiều vấn đề về an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đóng góp không nhỏ trong việc triển khai mô hình sản xuất cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhiều chương trình, dự án do các tổ chức của Thụy Sĩ triển khai thực hiện đã góp phần giữ gìn truyền thống văn hóa và cải thiện cơ sở vật chất hạ tầng các trường, lớp tại vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh…

Chương trình cảnh quan bền vững triển khai các hoạt động can thiệp đồng bộ đối với các chuỗi ngành hàng chính của khu vực như cà phê, hồ tiêu. (Trong ảnh: Sản xuất cà phê bền vững tại Hợp tác xã Ea Tân, huyện Krông Năng)

Trong chuyến thăm và làm việc với tỉnh Đắk Lắk mới đây, Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Thomas Gass khẳng định, mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam - Thụy Sĩ sẽ là điều kiện thuận lợi để Chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp tại Thụy Sĩ hợp tác đầu tư, liên kết, trao đổi trên mọi lĩnh vực tại Việt Nam, trong đó có Đắk Lắk. Đồng thời bày tỏ mong muốn cùng Việt Nam tham gia vào các chuỗi sản xuất, tiêu thụ cà phê và tìm hiểu thêm cơ hội hợp tác đầu tư với tỉnh Đắk Lắk trên nhiều lĩnh vực trong thời gian tới.

Khả Lê

Bài viết gốc: https://www.baodaklak.vn/kinh-te/202311/trien-vong-tu-hop-tac-dau-tu-voi-thuy-si-0da2201/

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ