A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Học trò nghèo vùng sâu chuẩn bị cho năm học mới

08:04 | 27/08/2014

Khó khăn đến mấy cũng phải lo cho con đi học - đó là quyết tâm của nhiều gia đình người Mông nghèo ở xã Cư Pui, huyện Krông Bông. Năm học mới đã cận kề, dù còn thiếu ăn, thiếu mặc nhưng các bậc phụ huynh vẫn cố gắng đi làm thuê, vay mượn tiền sắm quầ

Anh Lào Chờ Thào (đầu tiên, bên trái) và những cậu con trai đang tuổi ăn học.

Anh Lào Chờ Thào (đầu tiên, bên trái) và những cậu con trai đang tuổi ăn học

Ngôi nhà của gia đình anh Thào Xúa Chọ nằm chênh vênh trên một sườn đồi ở thôn Ea Uôl, xã Cư Pui. Ngôi nhà tranh vách nứa trống hoác, chẳng có đồ đạc gì đáng giá. Nhà vắng vẻ chỉ có anh Chọ ở nhà với hai đứa con gái út sinh đôi mới chừng 3 tuổi nhem nhuốc đang chơi ngoài sân, vợ anh và mấy đứa con lớn đều đi làm cỏ sắn. Vợ chồng anh Chọ có đến 12 đứa con, những đứa đầu đã nghỉ học và lập gia đình riêng, hai đứa út thì còn bé nên hiện còn 4 đứa đi học. Đông con mà chỉ trông vào nguồn thu nhập từ 1,2 ha ngô lai nên gia đình anh Chọ thường xuyên lâm vào cảnh “thiếu trước, hụt sau”, “chỉ đủ ăn cơm ngô, không đủ ăn cơm gạo”. Tuy nhiên, dù khó khăn thế nhưng năm học nào vợ chồng anh Chọ cũng mua quần áo mới, giày dép, sửa chữa xe đạp cho các con đi học. Vừa được nhận khoảng 8 triệu đồng tiền hỗ trợ bán trú (dành cho học sinh ở xa trường trên 7 km tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn theo Quyết định 85/2010 QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) của hai đứa con đang học THCS nên năm nay anh Chọ dự định mua cho mỗi đứa con hai bộ quần áo mới, giày dép và sắm một chiếc xe đạp mới cho cô con gái Thào Mí Ký vừa lên lớp 6. Anh cảm kích: “Nhà mình khó khăn thế này mà vẫn lo cho các con đi học được cũng là nhờ sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước. Các con đi học không phải đóng học phí, được cấp sách vở lại được hỗ trợ tiền ăn, ở. Vì vậy, những năm học trước mấy đứa con mình nhiều khi học không hiểu bài, nản chí định bỏ học nhưng mình vẫn khuyên nhủ chúng nó cố gắng đến trường. Vừa rồi, xã vận động các gia đình đóng góp 20.000 đồng/hộ mua tôn, ván và góp ngày công để sửa chữa phòng học, dù nhà rất khó khăn nhưng mình vẫn sẵn sàng đóng góp”.

Học trò người Mông trước thềm năm học mới với nhiều khó khăn

Học trò người Mông trước thềm năm học mới với nhiều khó khăn

Cũng ở thôn Ea Uôl, gia cảnh gia đình anh Lào Chờ Thào có phần còn khó khăn hơn nữa. Năm nay mới 42 tuổi nhưng anh Thào đã có đến 10 đứa con, trong đó có 6 đứa đang đi học. Nhà chỉ có 1ha ngô lai, vợ chồng anh Thào và đứa con trai đầu phải đi làm thuê mới có đủ tiền trang trải cuộc sống. Ngôi nhà gỗ lụp xụp, tối tăm và chật chội đến nỗi chẳng có chỗ nào làm góc học tập cho các con; buổi tối anh Thào trải một chiếc chiếu giữa nhà cho cả 6 đứa ngồi học bài. Năm học mới đã cận kề song anh Thào vẫn chưa có tiền để mua quần áo, sách vở cho các con, lại còn phải mua chiếc xe đạp mới cho cậu con trai Lào Mí Dó năm nay lên lớp 6 sẽ đi học ở Trường THCS Cư Pui cách nhà gần 7 km. Anh Thào tâm sự: “Chắc mình sẽ đi mượn tiền để mua quần áo, giày dép, xe đạp cho con đi học rồi đợi bán được ngô xong sẽ trả nợ. Nhà nước cho tiền học phí, cho sách vở rồi, mình cũng phải sắm cho con được bộ quần áo mới chứ”. Năm học 2013-2014 vừa rồi, trong số 6 đứa con đang đi học thì có hai đứa đạt danh hiệu học sinh tiên tiến khiến vợ chồng anh Thào rất vui. Phải nghỉ học từ lớp 6 để đi làm giúp bố mẹ nuôi các em, cậu con trai cả của anh Thào là Lào Mí Phà vẫn tỏ vẻ nuối tiếc: “Em thích đi học lắm nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn quá, bố mẹ hay đau ốm nên nhà chẳng có người làm. Em nghỉ học một năm, sau đó đã tiếp tục học phổ cập hết cấp 2. Bây giờ em cố gắng đi làm kiếm tiền phụ bố mẹ cho các em ăn học. Chúng nó phải cố gắng học, sau này có nghề nghiệp ổn định thì mới thoát cảnh làm thuê như bố mẹ và anh”. Ngày từ khi lên 9, 10 tuổi, các con của anh Thào ngoài giờ học đều phải lên nương rẫy làm cỏ, bẻ ngô giúp bố mẹ. Lào Mí Chơ – đứa con thứ 3 của anh Thào – thổ lộ: “Nghỉ hè, em phải đi cắt cỏ cho trâu. Em không muốn bỏ học đâu. Nhà khổ lắm nên phải gắng học thôi. Sắp đi học rồi, em rất muốn đến trường gặp lại thầy cô, bạn bè”.

Cả 4 đứa con mới đang học tiểu học nhưng vợ chồng chị Vàng Thị Làu và anh Ma Thìn Cồ ở thôn Ea Uôl đều ước mơ các con học đến cao đẳng, đại học để có nghề nghiệp ổn định. Gia đình chị Làu mới từ Hà Giang vào Dak Lak lập nghiệp chừng 4 năm. Chỉ có hai bàn tay trắng nên vợ chồng chị phải đi làm thuê khắp nơi trong xã để kiếm tiền; dành dụm mãi đến nay mới mua được hơn 7 sào đất trắng. Năm học mới sắp đến, vợ chồng chị đang chắt bóp từ khoản tiền công làm thuê mỗi ngày 120.000 đồng/người để mua sắm quần áo, giày dép cho các con đi học. Chị Làu nhẩm tính: “Chi phí cho cả 4 đứa con chắc cũng tốn một triệu đồng. Nhưng phải cố thôi, vất vả mấy cũng phải lo cho con đi học để biết cái chữ, học được cái nghề mà thoát nghèo”.

Theo trưởng thôn Sính Chứ Chơ cho biết, cả thôn Ea Uôl có 315 hộ thì có đến 130 hộ nghèo – là một trong những thôn nghèo nhất ở xã Cư Pui. Nhưng nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước như cấp phát sách giáo khoa, vở viết, đồ dùng học tập, miễn học phí và cấp tiền ăn ở bán trú, học sinh người Mông ở Ea Uôl và các thôn khác ở Cư Pui – dù gia cảnh rất khó khăn, thiếu ăn, thiếu mặc – vẫn được đến trường. Ý thức về việc học tập của các gia đình người Mông được nâng lên rất nhiều; không ít gia đình dù còn thiếu trước hụt sau vẫn sẵn lòng góp công sức, vật liệu xây dựng, góp tiền mua đất để làm phòng học tại các điểm trường cho con em mình đi học. Bước vào năm học mới, nhiều học trò nghèo ở vùng sâu Cư Pui đang háo hức chờ ngày tựu trường, cố gắng vượt qua khó khăn, thiếu thốn để dệt nên ước mơ “thoát nghèo”, như cô bé Ma Thị Ly, con gái chị Vàng Thị Làu, bộc bạch: “Cháu thích học để trở thành giáo viên, bác sĩ chứ không làm rẫy, làm thuê như bố mẹ đâu”.

 Hải Như

    nguồn: Baodaklak.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ