“Ăn là... cười”!
Kỹ sư Thiện nói với tôi như thế rồi giải thích rằng: rau, củ, quả… của Nicoyasai được sản xuất theo quy trình hết sức nghiêm ngặt - từ khâu trồng trọt, chăm bón… cho đến khi thu hoạch và đưa ra thị trường tiêu thụ. Quy trình này được áp dụng cho nền nông nghiệp hữu cơ Nhật Bản từ vài thập niên trước: không phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu hoặc sử dụng bất kỳ chế phẩm sinh học nào có thành phần vô cơ trong quá trình làm ra sản phẩm. Vì thế khi ăn “Rau cười” vào là tuyệt đối yên tâm, không có chuyện ngộ độc, hay xảy ra dấu hiệu bất thường gì làm ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.
Tại cơ sở sản xuất trên, tôi quan sát và thấy các loại rau, củ, quả của Nicoyasai có đôi chút khác biệt so với sản phẩm cùng chủng loại được bày bán ngoài chợ (thậm chí là siêu thị). Chẳng hạn như xà lách, bắp sú, cải ngọt, đậu bắp… ở đây không tốt tươi, nuột nà và non tơ như thường thấy, mà trông có vẻ còi cọc, nhưng được cái là màu sắc và hương vị rất tự nhiên. Biết tôi tỏ ra băn khoăn nên kỹ sư Thiện giải thích: Vì không có phân hoặc thuốc hóa học kích thích, cứ để nó sinh trưởng và phát triển tự nhiên, đến lứa thì thu hoạch chứ không “ép” bằng mọi cách như người ta thường làm (như bón lá, phun, chích thuốc), thế nên các loại rau, củ, quả của Nicoyasai cho năng suất không cao - chưa được ½ so với cách thức gieo trồng đại trà như hiện nay. Bù lại, giá cả sản phẩm bán ra tại cơ sở sản xuất này bao giờ cũng cao gấp đôi so với bên ngoài. Ví như 1kg xà lách thương hiệu “Nicoyasai” bỏ mối cho các siêu thị hay nhiều gia đình người Nhật sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh có giá tới 22-25.000 đồng, trong khi rau bán ở các chợ truyền thống chỉ với giá trên dưới 10.000 đồng/kg. Bước đầu cũng do giá cả không “mềm” như thế nên phần lớn người tiêu dùng phổ thông chưa chọn mua các loại rau, củ, quả đặc biệt sạch này. Theo kỹ sư Thiện, hiện tại khách hàng (trên địa bàn Đắk Lắk cũng như các tỉnh, thành khác), nếu có nhu cầu mua sảm phẩm của Nicoyasai thì cũng chưa thể đáp ứng được, vì quy mô sản xuất và sản lượng còn quá ít. Đến nay, cơ sở sản xuất “Rau cười” chỉ mới xuất bán cho thị trường TP. Hồ Chí Minh khoảng 2 tấn/ngày, còn lại ở các nơi khác vẫn chưa xuất hiện thương hiệu này.
Kỹ lưỡng chăm sóc từng cây rau sạch tại nông trại Nicoyasai.
Vậy phải chờ đến bao giờ? Anh Siokawa - phụ trách kỹ thuật trồng trọt và công nghệ - môi trường của Nicoyasai cho rằng: Ngoài việc thay đổi dần thói quen tiêu dùng của khách hàng ra, thì vấn đề quan trọng nhất là tìm cách tăng năng suất, sản lượng hàng hóa lên nhiều hơn trong thời gian tới. Khó nhất là khâu cải tạo lại đất đai theo hướng nông nghiệp hữu cơ như nước Nhật đã từng áp dụng cách đây vài chục năm về trước, bởi trong từng thớ đất ở Buôn Ma Thuột đã nhiễm nặng các thành phần vô cơ do hệ lụy từ lối canh tác mang nặng tính “bóc lột” của người dân để lại. Chính từ hệ lụy này mà khi các loại rau, củ, quả của Nicoyasai gieo trồng xuống, nếu không có phân bón cùng các loại chế phẩm hóa học đi kèm thì không sống nổi, hoặc có sống thì cũng phát triển rất kém. Vì thế mà đội ngũ kỹ sư, công nhân của Nicoyasai phải mất hơn 4 năm (2011-2014) để cải tạo, giải quyết vấn nạn đất bị “nhiễm bẩn” vì các thành phần hóa học được sử dụng trong quá trình sản xuất vượt mức cho phép nhiều lần. Sau hơn 4 năm cải tạo đất, đến nay diện tích trồng rau, củ, quả ( khoảng 2.000m2) theo hướng nông nghiệp hữu cơ của Nicoyasai đã bắt đầu phát huy hiệu quả; theo đó năng suất và sản lượng cũng tăng lên từng ngày.
Vì một nền nông nghiệp hữu cơ
Kỹ sư Nguyễn Phước Thiện-Giám đốc Nông trại Nicoyasai tại TP. Buôn Ma Thuột cho biết, sắp tới cơ sở sản xuất này sẽ nỗ lực tổ chức thường kỳ Ngày hội Văn hóa ẩm thực tại đây vào các ngày trung tuần của tháng giữa hằng quý nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm “Rau cười”, đồng thời hướng dẫn, thực chứng quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho khách hàng có nhu cầu. Trước đó, tại TP. Hồ Chí Minh, Nicoyasai đã thường xuyên tổ chức ngày hội trên. Nhờ đó, từ năm 2012 đến nay, nông trại sản xuất “Rau cười” đã thu hút được 15 đơn vị (nhà hàng, siêu thị lớn) đặt mua thường xuyên và ổn định các loại rau, củ, quả với số lượng khoảng 2 tấn/ngày. Còn tại TP. Buôn Ma Thuột, sau khi Ngày hội Văn hóa ẩm thực đầu tiên được tổ chức vào ngày 18-10-2015 vừa qua, Nicoyasai đã bắt đầu nhận được hàng chục đơn đặt hàng “Rau cười” trực tiếp, hoặc qua mạng của người tiêu dùng trên địa bàn thành phố. |
Đó là mục tiêu đặt ra cho các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp Nhật Bản đã và đang đầu tư vào Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng. Vì thế Nicoyasai, dù chỉ là một cơ sở sản xuất nhỏ, với số vốn đầu tư vài nghìn USD, nhưng khát vọng thực hiện mục tiêu trên luôn được chú trọng, quan tâm hàng đầu. Kỹ sư Thiện, cũng như chuyên gia công nghệ-môi trường Siokawa chắc rằng: Khó khăn đến mấy thì những người đi tiên phong trên con đường hướng tới một nền nông nhiệp sạch ở vùng đất cao nguyên này cũng phải làm bằng được! Đến nay, ngoài cơ sở trình diễn, thực nghiệm tại khối 2, phường Ea Tam, họ đã liên kết được với 6 đơn vị sản xuất rau sạch ở các xã, phường: Cư Êbur, Ea Kao, Tân Lợi, Tân An - TP. Buôn Ma Thuột để từng bước nâng tầm thương hiệu “Rau cười” trên địa bàn Đắk Lắk cũng như các tỉnh, thành phía Nam và vùng Duyên hải miền Trung. Anh Siokawa bộc bạch chân tình: “Vấn đề chưa phải là ở chỗ khuếch trương, quảng bá cho “Rau cười” nhằm tìm kiếm và nâng cao lợi nhuận, mà quan trọng hơn là chúng tôi muốn cùng các bạn Việt Nam từng bước hướng tới một nền sản xuất bền vững, hiệu quả hơn trong tương lai”.
Để biến mục đích ấy thành hiện thực, Nicoyasai đã về xã Hòa Sơn-huyện Krông Bông đầu tư, xây dựng trang trại trồng rau sạch trên diện tích 3 ha. Kỹ sư Thiện cho biết đầu tháng 11 này, họ vừa xuống giống, vừa tích cực giúp đỡ, hướng dẫn các nông hộ cải tạo đất đai theo hướng nông nghiệp hữu cơ trên toàn vùng. Xa hơn nữa, Nicoyasai lấy Đắk Lắk làm “bàn đạp” để tiếp tục thực hiện ước mơ của mình tại các vùng đất có khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp như Măng Đen (Kon Tum), Hội An (Quảng Nam) và Ba Vì (Hà Nội). Tại các địa phương đó, Nicoyasai cũng sẽ thực hiện những bước đi tương tự như ở Buôn Ma Thuột - nghĩa là vừa trình diễn mô hình điểm, vừa liên kết mở rộng vùng sản xuất thông qua hộ cá nhân và tập thể sản xuất cùng ngành nghề. Có thể nói, những gì mà Nicoyasai đang xây dựng và phát triển, hy vọng sẽ góp phần thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị Việt - Nhật ngày càng tốt đẹp hơn trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội mà hai chính phủ đã xác định là hợp tác, quan hệ chiến lược vì sự phồn vinh của hai nước và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Đình Đối
BÌNH LUẬN