Gia đình bà Kiều Thị Bích Luyến (ở tổ dân phố 11, thị trấn M’Đrắk) nuôi 200 con gà và 50 con ngan, trong đó có 10 con gà mẹ đang thời kỳ ấp trứng, 20 con gà trống chọi, số còn lại có trọng lượng trung bình từ 0,5 – 1 kg. Từ đầu tháng 10 đến nay, đàn gia cầm của gia đình bà Luyến bị nhiễm bệnh với các triệu chứng như: gà rù, phân lỏng xanh trắng, thân nhiệt cao. Mặc dù bà đã mua đủ các loại thuốc điều trị nhưng mỗi ngày đàn gà lại chết dần, ngày ít thì 2-3 con, nhiều thì cả chục con. Bà Luyến than thở: Lứa gà này gia đình đầu tư nhiều nhất trong năm để bán vào dịp Tết, thế nhưng chỉ trong vòng gần 1 tháng, gia đình bà đã mất hơn 200 con gà, ngan các loại, thiệt hại hàng triệu đồng. Không chỉ gia đình bà Luyến, tại hộ ông Đinh Quang Soạn, anh Đậu Văn Đăng, chị Nguyễn Thị Tươi (ở cùng tổ dân phố 11) cũng gặp tình trạng tương tự.
Theo khảo sát tại các hộ chăn nuôi, thời điểm này, nhiều hộ dân đã đầu tư đàn gà hàng trăm con để phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Thế nhưng, thời tiết diễn biến phức tạp, đặc biệt ở giai đoạn giao mùa, khí hậu nóng ẩm kèm theo mưa khiến vật nuôi không kịp thích nghi nên rất dễ bị nhiễm bệnh. Tại một số địa phương như thị trấn M’Đrắk, các xã Krông Jing, Cư Mta, Ea Riêng, Ea Lai… hiện đang xảy ra hiện tượng gia cầm chết hàng loạt với triệu chứng của bệnh niu-cát-xơn (còn gọi là bệnh gà rù), dịch tả, bệnh viêm phế quản truyền nhiễm... gây thiệt hại đáng kể về kinh tế cho người chăn nuôi.
Huyện M’Đrắk hiện có trên 347.000 con gia cầm, tăng hơn 20.000 con so với cùng kỳ, chủ yếu chăn nuôi mô hình hộ gia đình. Theo ông Lê Văn Hải, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện M’Đrắk, một trong những nguyên nhân khiến gà dễ nhiễm bệnh khi thời tiết giao mùa là do người chăn nuôi còn chủ quan trong việc tiêm các loại vắc-xin phòng bệnh. Đối với đặc trưng khí hậu địa phương, gia cầm trên địa bàn huyện thường mắc các loại bệnh như niu-cát-xơn với triệu chứng gà ủ rũ, kém ăn, ho, hắt hơi, chảy nước mũi, thở khò khè đứt quãng, phân lỏng trắng xanh, chảy nước dãi nhờn, bại liệt chân; bệnh thương hàn với dấu hiệu lông gà xù, phân lỏng lẫn máu; bệnh cầu trùng (gà đi phân đỏ máu)… Trên thị trường hiện nay, vắc-xin phòng bệnh niu-cát-xơn chỉ khoảng 18.000 đồng/100 liều, vắc-xin thương hàn 24.000 đồng/100 liều, nếu chủ động tiêm phòng cả 3 loại bệnh phổ biến trên thì chi phí chưa đến 1.500 đồng/con gia cầm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ở các hộ chăn nuôi, nhất là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chỉ đến khi gia cầm mắc bệnh, bà con mới mua thuốc điều trị, vừa tốn kém vừa không hiệu quả. Ví dụ như bệnh niu-cát-xơn do siêu vi trùng gây ra, truyền nhiễm lây lan rất nhanh, đến nay không có thuốc trị, mà chỉ có biện pháp phòng bệnh, tỷ lệ gà chết đến 100%, cuối đợt dịch những con sống sót vẫn còn di chứng vẹo đầu, chạy vòng quanh.
Do vậy, để giảm thiểu tối đa thiệt hại trong chăn nuôi gia cầm, các cơ quan chuyên môn khuyến cáo bà con nông dân cần theo dõi thường xuyên để phát hiện và phòng trị bệnh kịp thời, đồng thời cần tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật trong chăn nuôi: con giống cần được tiêm phòng đầy đủ; khu vực chăn nuôi phải được rào kín, tránh mưa tạt, gió lùa và giữ chuồng trại luôn khô ráo, thông thoáng, đủ ánh sáng, che chắn ấm áp. Với đàn gà đã phát bệnh thì người chăn nuôi cần nuôi cách ly để chẩn đoán và chữa trị, thường xuyên quét dọn, tiêu độc khử trùng chuồng và các dụng cụ chăn nuôi. Đặc biệt, thời điểm giao mùa là lúc đàn gia cầm cần có đủ dinh dưỡng để tăng sức đề kháng, vì vậy, thức ăn và nước uống cần bảo đảm hợp vệ sinh, không cho ăn các phụ phẩm và các loại thịt sống có mầm bệnh mua về từ chợ, không rõ nguồn gốc.
Thu Nguyệt
BÌNH LUẬN