A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở: điểm tựa về vốn vay cho các thành viên

09:20 | 10/04/2014

Với mục tiêu tương trợ nhau là chính, nhiều năm qua, hệ thống quỹ tín dụng (QTD) nhân dân cơ sở đã kịp thời đáp ứng một phần nhu cầu về vốn vay cho khách hàng thành viên, góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy kinh tế hộ gia đình phát triển.

Thực tế cho thấy, đồng vốn tín dụng từ QTD đã góp phần quan trọng giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát khỏi đói nghèo, tiến tới làm giàu. Câu chuyện lập nghiệp của gia đình ông Cao Thanh Kiếm (thôn Thống Nhất, xã Cư Kpô, huyện Krông Buk) là một ví dụ. Nói về ý nghĩa của đồng vốn vay từ QTD Cao su Dak Lak đối với sự phát triển kinh tế của gia đình, ông Kiếm khẳng định: Nếu không có nguồn vốn này, có lẽ đến bây giờ gia đình ông cũng chưa thể thoát khỏi cảnh đói nghèo. Được biết, ông Kiếm lập gia đình và ra sống riêng từ năm 2000, nhưng do ít đất sản xuất lại thiếu vốn đầu tư, cây trồng không được chăm sóc đầy đủ nên năng suất sản lượng thấp, cuộc sống luôn trong tình trạng thiếu trước hụt sau. Năm 2003, ông mạnh dạn làm thủ tục xin làm thành viên của QTD Cao su Dak Lak và vay 50 triệu đồng để đầu tư chăm sóc cà phê. Ngay năm đầu tiên, vườn cà phê của ông cho năng suất cao hơn hẳn những năm trước đó nhờ được đầu tư chăm sóc đầy đủ. Cứ như vậy, hết năm này sang năm khác, sau mỗi lần trả nợ ông lại vay thêm số vốn nhiều hơn để tiếp tục chăm sóc vườn cà phê hiện có, đồng thời mua thêm đất đai, mở rộng quy mô sản xuất theo hướng đa cây đa con. Với cách làm này, đến nay ông Kiếm đã hoàn thiện được mô hình trang trại tổng hợp: sản xuất (cà phê, tiêu) kết hợp chăn nuôi (bò, heo, gà, cá), với tổng diện tích khoảng 5ha, mỗi năm mang lại lợi nhuận vài trăm triệu đồng. Hiện ông Kiếm đang có kế hoạch vay thêm vốn đầu tư một lò sấy nông sản để chủ động việc phơi sấy trong vụ thu hoạch. 

Ông Cao Thanh Kiếm chăm sóc vườn tiêu năm thứ nhất trong khu trang trại của gia đình.

Tương tự, trường hợp của gia đình ông Nguyễn Tài Dự (thôn 22, xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột) cũng là một minh chứng điển hình vươn lên nhờ vốn tín dụng từ QTD nhân dân Hòa Khánh. Nhìn khu trang trại được xây dựng bài bản, 2ha cà phê bao quanh, ở giữa là hàng trăm m2 ao hồ vừa để tích nước tưới cây trồng vừa dùng nuôi cá và xung quanh hồ là hệ thống chuồng trại chăn nuôi heo, bò, dê…, ít ai có thể nghĩ rằng, nó được “sinh ra” và “nuôi lớn” chủ yếu bằng nguồn vốn vay từ QTD nhân dân Hòa Khánh. Thôn 22 chỉ có gần 70 hộ gia đình sinh sống giữa rừng cà phê bạt ngàn, khá tách biệt với bên ngoài, cách đây chừng 5-7 năm, đất đai khu vực này chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đầy đủ nên các ngân hàng thường từ chối cho vay, vì vậy việc thiếu vốn sản xuất gần như là căn bệnh “kinh niên” của các hộ dân ở đây. Năm 2003, ông Dự xin gia nhập thành viên của QTD nhân dân Hòa Khánh và vay 50 triệu đồng, do không có tài sản thế chấp nên Quỹ đã tiến hành thẩm định kỹ phương án sản xuất kinh doanh của gia đình ông Dự và quyết định cho vay đúng số vốn ông đề nghị. Nhờ sử dụng vốn đúng mục đích, trả nợ vay đúng thời hạn nên ông Dự luôn được Quỹ tín nhiệm và cho vay với mức năm sau cao hơn năm trước để ông có điều kiện mở rộng quy mô, xây dựng hoàn thiện mô hình sản xuất chăn nuôi kết hợp. Đến nay, gia đình ông Dự đã có của ăn của để, mua sắm nhiều phương tiện sản xuất, giải trí đắt tiền và đang xây dựng nhà kiên cố. Còn rất nhiều trường hợp “đi lên” từ vốn tín dụng như thế, có thể kể đến như hộ ông Nguyễn Văn Quang (thôn Nam Hà, xã Dray Bhăng, huyện Cư Kuin) mở được lò giết mổ gia súc quy mô lớn, thu lợi nhuận vài trăm triệu đồng/năm; hộ ông Y Klêc (buôn Kbuôr, xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột) đi lên từ sản xuất, có của ăn của để, đồng thời đầu tư nuôi 9 đứa con ăn học đến nơi đến chốn…

Nói đến ý nghĩa của đồng vốn vay từ hệ thống QTD, hầu hết các thành viên đều cho rằng, đó là “điểm tựa” vững chắc, nếu không có nguồn vốn này, có lẽ cuộc sống của nhiều gia đình vẫn chưa thoát khỏi nghèo khó. Việc các QTD giải quyết kịp thời nhu cầu vốn đã mang lại cho họ nhiều lợi ích, rõ nhất là “kéo” họ ra khỏi vòng xoáy của nạn cho vay nặng lãi hoặc phải “bán non” sản phẩm của mình cho tư thương để có tiền mua vật tư, phân bón phục vụ sản xuất, chi tiêu gia đình.

Lê Ngọc

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ