A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Kinh doanh hội chợ Xuân: Đồ dởm lộng hành

09:51 | 09/02/2015

Gần đây, khi nhiều doanh nghiệp được phép tổ chức kinh doanh hội chợ cũng là lúc hoạt động hội chợ dường như bước vào thời kỳ "trăm hoa đua nở”.

Có lẽ chưa bao giờ việc kinh doanh các hội chợ triển lãm lại sôi động như thời gian qua và cũng do thiếu đầu tư nên không ít hội chợ ngày càng nhếch nhác. Nhưng điều rất đáng ngại là hiện nay còn có cả một "kỹ nghệ” hốt tiền từ các hội chợ dởm mang tính chất "treo đầu dê, bán thịt chó”. 
 
 
Thứ "kỹ nghệ” thường bắt đầu từ việc "dựa hơi” cơ quan chức năng, tìm kiếm sự kiện, chiêu dụ khách hàng và quảng cáo rầm rộ. Để tổ chức một hội chợ triển lãm nào đó, người ta sẽ "dựa hơi” vài cơ quan có thẩm quyền (như các Sở, Hội, ban ngành, đoàn thể…)  và tiếp tục là nhân vào một sự kiện nào đấy để nghĩ ra cái tên cho hội chợ triển lãm "ăn theo” (ví dụ như mừng Xuân mới, xã hàng đón Tết, "sale off” nhân ngày Valentine, Quốc tế Phụ nữ … ). Và lúc đã có sự kiện rồi, người ta sẽ làm thủ tục thông báo đến cơ quan có thẩm quyền và bắt đầu đổ quân đi chiêu dụ khách hàng. 
 
Với những khách hàng là các doanh nghiệp có tiếng tăm thì phải lôi kéo bằng nhiều cách, thậm chí còn dành hẳn khoản tiền hậu hĩ núp dưới danh nghĩa chi tiền hoa hồng, thực chất là để "chiêu dụ” những cán bộ làm công việc marketing, quảng bá sản phẩm hay các cán bộ chuyên xúc tiến hội chợ triển lãm của các doanh nghiệp. Tiếp nữa là hàng loạt các mẩu quảng cáo đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng; băng-rôn, áp phích treo dán khắp nơi hứa hẹn đủ điều: nào là chất lượng vàng, chất lượng cao, khuyến mãi cho người tiêu dùng đến tham gia hội chợ bằng đủ thứ các giải thưởng, xổ số may mắn, thuê mướn ca sĩ về hát góp vui hằng đêm và để có lý do thu tiền vé vào cửa. Nhưng đến khi diễn ra hội chợ, người dân mới hỡi ôi, bởi thực chất những loại hội chợ này chỉ là "thùng rỗng kêu to”. Đến khi dư luận ở các đô thị lớn bắt đầu lên án mạnh loại hội chợ dởm, dân làm ăn hội chợ bèn "đưa” các hội chợ triễn lãm dởm về các tỉnh, những nơi vùng sâu, vùng xa. Ở đó họ chỉ cần thuê một địa điểm rộng, như một sân vận động, một nhà văn hóa, khu đình làng thậm chí một bãi đất bỏ hoang nào đó là đã có thể tạo ra nơi tổ chức hội chợ. Khi việc chuẩn bị đã gần xong, người ta lại bắt đầu tiến hành ký hợp đồng và thu tiền của các công ty, doanh nghiệp. Tiền được thu đầy đủ từ các doanh nghiệp xong họ cũng coi như công việc đã gần vào công đoạn hoàn tất, không cần quan tâm đến các công đoạn sau trong hội chợ, không màng thực hiện những cam kết với doanh nghiệp, có bán được hàng hay không, có khách hay vắng khách là chuyện của doanh nghiệp "tự lo”! 
 
Với người tiêu dùng ngày nay, việc người ta bỏ thời gian, công sức đi tham quan các hội chợ triển lãm cũng như là thú vui, kết hợp mua sắm, giải trí để thay đổi không khí. Một điều nữa là mãi lực trong các hội chợ triển lãm cũng khá lớn vì người tiêu dùng thường tỏ ra tin tưởng vào các đơn vị tổ chức, cơ quan chức năng, hay đơn giản nhất là họ cũng yên tâm về chất lượng các loại hàng hóa được bày bán. 
 
Do nắm được tâm lý này nên nhiều tiểu thương (thường đứng dưới danh nghĩa là doanh nghiệp tư nhân) kinh doanh trong các hội chợ triển lãm thường biết tận dụng cơ hội một cách triệt để. Qua tìm hiểu của chúng tôi tại nhiều hội chợ triển lãm hàng tiêu dùng, được biết, nhiều mặt hàng bán ở hội chợ có nguồn gốc, xuất xứ từ các chợ bán sỉ như chợ Tân Bình, An Đông, Kim Biên, Chợ Lớn (TP.HCM) hoặc được con buôn đánh hàng lậu từ biên giới phía Bắc đưa về. Sau đó việc "phù phép” cho thay thay nhãn mác mới để nâng giá trị sản phẩm và nâng giá bán xem ra là một công đoạn quá dễ dàng. Ngoài ra, các loại hàng nhái, hàng dởm cũng từng có mặt tràn lan trong nhiều hội chợ. Trong đó, mặt hàng "ăn theo” phổ biến nhất ở các hội chợ triển lãm dạng này có thể như quần áo, trang phục lót nam nữ, mũ bảo hiểm, kính mát, giày dép, hàng thực phẩm, mỹ phẩm, vật trang sức… 
 
 
Hội chợ triễn lãm còn là nơi người ta bày bán đủ loại hàng hóa thượng vàng hạ cám
 
Cách đây chưa lâu, Đoàn kiểm tra liên ngành thường trực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Đắk Lắk đã bất ngờ kiểm tra đột xuất gian hàng mũ bảo hiểm Trọng Liễu tại Hội chợ Xuân Buôn Hồ năm 2015 (tổ chức tại thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk). Qua kiểm tra, đã phát hiện hơn 200 mũ bảo hiểm vi phạm sở hữu trí tuệ, giả kiểu dáng công nghiệp của mũ bảo hiểm Nón Sơn; không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, các thủ tục đăng ký kiểm chứng công nghiệp và nhãn hiệu hàng hóa của số hàng nêu trên. Theo ông Trần Nguyễn Đức, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk thì căn cứ vào giấy tờ, đây là các sản phẩm mũ bảo hiểm của Công ty TNHH sản xuất nhựa Phát Thành, ở địa chỉ 98 Lỹ Bán Bích, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú, TP.HCM. Sau đó, đoàn đã thông báo cho Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM kiểm tra tại địa chỉ đăng ký, nhưng được thông báo không có doanh nghiệp nào đăng ký kinh doanh tại địa chỉ nêu trên (?). 
 
Tương tự mới đây một số người tiêu dùng cũng tỏ ra hết sức bực tức khi mua phải những chiếc mũ bảo hiểm dởm tại Hội chợ Xuân mua sắm tết 2015 vừa kết thúc ngày 3-2 tại sân vận động Quân khu 7 (quận Tân Bình, TP.HCM). Những chiếc mũ bảo hiểm được tặng kèm khi người dùng bỏ tiền mua sim điện thoại với giá 99.000 đồng. Trên mũ bảo hiểm có dán đầy đủ 3 tem nhãn gồm tem CR chứng nhận chất lượng, tem bảo hiểm và thông tin công ty sản xuất. Tuy nhiên, khi thử xác minh lại thì không hề có Công ty Khang Thịnh nào tại địa chỉ tỉnh lộ 10, quận Bình Tân cả!
 
Nhiều chuyên gia thử đưa ra phép tính nhỏ như sau: Chỉ cần 100-150 gian hàng đóng tiền với mức giá tối thiểu mà các đơn vị tổ chức hay đưa ra là 5-10 triệu đồng/gian hàng, sau khi trừ toàn bộ chi phí như thuê mặt bằng, bảo vệ, trả tiền điện nước, quảng cáo và dựng gian hàng khoảng 70%, số tiền còn lại người làm hội chợ gần như sẽ ẵm trọn. Do mức siêu lợi nhuận như thế nên nhiều kẻ lao vào để rồi cũng không biết bao nhiêu người phải "gặm nhấm” mãi nỗi buồn từ các cuộc triển lãm, hội chợ!
 
Hội chợ triển lãm vốn là một trong những hoạt động cần thiết trong nền kinh tế thị trường, nó không chỉ là cơ hội tiếp thị, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm của nhà sản xuất mà còn là cầu nối trực tiếp giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng. Tuy nhiên, để các hội chợ triển lãm thực sự mang lại hiệu quả cho cả hai phía, hạn chế những hội chợ dởm hoặc kém chất lượng, cơ quan quản lý, cấp phép cần rà soát lại năng lực của các đơn vị tổ chức hội chợ, chú trọng tính chuyên nghiệp và cảnh giác với những đơn vị "hữu danh vô thực”- xin giấy phép tổ chức rồi sang tay hoặc "có mở màn mà không có phần kết thúc”. Làm điều đó cũng là vì bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp làm ăn chân chính, của người tiêu dùng và vì một thị trường kinh doanh lành mạnh.
 
Nguyễn Sinh

 

    nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ