A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Ngày Tết và nỗi lo thực phẩm

14:15 | 11/02/2015

Giáp Tết được coi là "thời điểm vàng” để tiêu thụ thực phẩm. Điều đáng nói là tình trạng thực phẩm "bẩn” vẫn ngang nhiên qua mặt các cơ quan chức năng từ đó đến tay người tiêu dùng.

Không ít lò mổ gia súc không đảm bảo vệ sinh
 
Kiểm soát thú y: bỏ ngỏ 
 
Trên địa bàn TP. Hà Nội hiện có khoảng 2.490 điểm, hộ giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ trong khu dân cư không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và gây ô nhiễm môi trường. Theo Chi cục Thú y Hà Nội, các điểm, hộ giết mổ thủ công nhỏ lẻ này lấy nguồn hàng từ các tỉnh lên tới 90% số thịt trâu bò, 73% số thịt lợn và 68,6% số thịt gia cầm. Như vậy, từ 68,6 - 73% nhu cầu thịt của người dân TP.Hà Nội được cung cấp từ các tỉnh lân cận và từ chính các điểm giết mổ nhỏ, lẻ, đây là điều đáng báo động về công tác kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. 
 
Trạm trưởng Trạm Thú y quận Hà Đông Nguyễn Đình Tiến cho biết, rất khó kiểm soát các lò mổ tại các khu dân cư dẫu biết rằng các lò mổ này chưa bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, nhưng do hoạt động theo hộ gia đình nên đã gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong kiểm tra, kiểm soát. Đồng quan điểm, ông Vũ Sỹ - Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Mê Linh cho hay, trên địa bàn huyện có khoảng 50-60 lò giết mổ nhỏ lẻ, hằng ngày mỗi cơ sở giết mổ khoảng vài chục con gia cầm, 5-30 con lợn. Lực lượng thú y đã yêu cầu các chủ cơ sở giết mổ phải cam kết kiểm soát nguồn hàng nhập vào và bán ra, bảo đảm vệ sinh môi trường, nhưng do giết mổ ngay tại gia đình, trong khu dân cư nên tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn xảy ra. 
 
Ghi nhận của PV, hầu hết các điểm giết mổ nhỏ lẻ nằm sâu trong các khu dân cư đều không bảo đảm các điều kiện vệ sinh theo quy định. Không được bố trí sắp xếp thành các khu riêng biệt, không có khu xử lý phụ phẩm, không có hệ thống xử lý chất thải rắn, lỏng... Các dụng cụ giết mổ được trang bị khá tùy tiện, thủ công, lạc hậu… và không kiểm soát được nguồn gốc của thực phẩm. Thực phẩm không đảm bảo chất lượng với quá nhiều cái "khó” qua mặt các cơ quan chức năng chuyển đến tận tay người tiêu dùng ẩn chứa rất nhiều nguy cơ, hệ lụy khó đoán trước.
 
Doanh nghiệp không mặn mà đầu tư lò mổ tập trung
 
Theo quy hoạch từ năm 2014 đến năm 2016, 8 cơ sở giết mổ tập trung, bán công nghiệp tại các huyện sẽ được đưa vào hoạt động. Từ năm 2017 đến 2020, dự kiến mỗi huyện trên địa bàn TP Hà Nội sẽ chủ động bố trí địa điểm để xây từ 1-2 cơ sở giết mổ tập trung. Tuy nhiên, ngoài những cơ sở giết mổ công nghiệp hiện có, đến nay việc xây mới các cơ sở giết mổ tập trung gặp nhiều khó khăn. Lãnh đạo Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, thời gian qua, việc triển khai xây dựng các khu giết mổ tập trung còn chậm. Nguyên nhân là do các địa phương bố trí địa điểm xây dựng cơ sở giết mổ chưa phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Diện tích xây dựng cơ sở giết mổ tập trung theo quy hoạch chưa bảo đảm nhu cầu giết mổ của một số địa phương. Một số huyện tuy đã có quy hoạch của thành phố, nhưng không bố trí được quỹ đất sạch (quỹ đất II) để xây dựng cơ sở giết mổ, như ở Sơn Tây, Ba Vì. Một số nơi đã bố trí được quỹ đất, nhưng chưa có doanh nghiệp đầu tư tham gia xây dựng như xã Hữu Văn (Chương Mỹ), xã Bình Minh (Thanh Oai). 
 
Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Hồng Yên cho biết, cả xã Bình Minh có khoảng 100 hộ giết mổ trâu bò và gia cầm. Để chấm dứt tình trạng gây ô nhiễm trong khu dân cư, từ năm 2012, UBND TP đã phê duyệt Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại đây với quy mô 4,4ha, kinh phí khoảng 101 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2013 đến 2015. Dự án này đã được thành phố triển khai tại nhiều cuộc họp cũng như các sở, ngành đã thống nhất về chủ trương, quy mô… Tuy nhiên, sau hơn 2 năm vẫn chưa triển khai được do không có doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng. 
 
Ông Yên cũng cho biết, lý do khiến các cơ sở giết mổ tập trung chưa được hình thành là bởi đầu tư cho lò mổ tập trung chi phí rất lớn mà rủi ro lại quá nhiều nên doanh nghiệp không mặn mà, trong khi đó sự hỗ trợ của TP lại chưa kịp thời nên không khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này. Tuy nhiên, việc có hay chưa có lò mổ tập trung thì việc kiểm soát chất lượng đầu ra cho thực phẩm vẫn cần phải làm nghiêm. Ông Yên thừa nhận có lỗi của chính quyền cơ sở trong việc kiểm soát chất lượng sản phẩm. 
 
Rõ ràng, việc chính quyền các địa phương chưa thực hiện nghiêm các quy định về quản lý giết mổ, kinh doanh sản phẩm động vật cũng làm cho tình hình nóng hơn. Việc xử lý vi phạm về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm của các cấp, các ngành chức năng chưa triệt để, nghiêm minh. Năng lực quản lý các cơ sở giết mổ của chính quyền địa phương, thú y cấp xã còn yếu đó là lý do khiến thực phẩm "bẩn” vẫn có cơ hội tồn tại.
 
Lục Bình

    nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ