A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Chuyện tình trên đảo thanh niên

08:42 | 29/03/2013

Ra Đảo Bạch Long Vĩ - đảo của tuổi trẻ trong những ngày tháng ba này chúng tôi hiểu thêm về thanh niên, về những con người không ngại gian khổ... Ở đó, nhiều "tế bào xã hội” đã và đang sinh sôi, khởi nguồn từ những tình yêu đẹp.

 
 
Cuộc sống trên đảo Bạch Long Vĩ 
 
Hai ngày ở đảo Bạch Long Vĩ, tôi thấy thân hương hơn với câu hát: "vượt bão giông, vượt gian khổ”, "hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”... Lực lượng ở đảo, hầu hết là TNXP và bộ đội, dân trên đảo này cũng từ hai lực lượng đó bám trụ, lâu dần thành cư dân đảo. Nói về những hộ  ngụ cư lâu đời thì có gia đình ông Lê Xuân Đồng, giờ là giám đốc âu cảng trên đảo. Ông nguyên là bộ đội hải quân của lữ đoàn 952 chuyển ngành. Bám trụ ngoài đảo từ những năm chống Mỹ. Thời bình sau này cũng có nhiều gia đình đến, ở, rồi lại đi về đất liền. "Rộ” nhất có lớp TNXP năm 1993. Đến nay trên đảo còn khoảng 30 hộ gia đình. Phần nhiều giữ đảo theo lối luân phiên, hoặc chồng, hoặc vợ- người ở đảo, người ở đất liền. Lớp TNXP trẻ hơn, ra từ đợt năm 2003, cũng có nhiều người lập gia đình. Vợ chồng luân phiên đổi nhau ra đảo, và giữ nhà trong đất liền. Hỏi ra thì biết lý do cũng vì cái sự học của con cái. Ngoài đảo Bạch Long Vĩ giờ chỉ có một trường tiểu học, học đến hết lớp 5, các cháu lớn hơn phải vào đất liền theo học lên tiếp. Song, những "tế bào xã hội” ấy, dù thiếu, dù quanh năm có dịp hè và dịp Tết xum vầy bên nhau, họ vẫn duy trì một nếp văn hóa rất thanh niên, rất tươi trẻ. 
 
Hai ngày ở đảo, chúng tôi có dịp thăm nhiều gia đình TNXP đang bám trụ xây dựng kinh tế đảo và kinh tế gia đình. Một trong những cặp đôi ấn tượng nhất là vợ chồng Đoàn Thị Linh-Vũ Văn Phường. Chuyện tình yêu của họ khá thú vị.  
 
Đôi bạn trẻ này gặp nhau từ năm 2004. Khi ấy anh Phường còn là công nhân của công ty Thương mại Bạch Long Vĩ, còn Linh là công nhân trong đất liền ra thăm người nhà ở đảo. Hai người sớm nhận ra đồng hương Tiên Lãng, lại từng học cùng trường PTTH Tiên Minh. Gặp nhau có vài ngày ngắn ngủi đó mà họ cảm thấy như đã thuộc về nhau lâu lắm rồi. Hết dịp nghỉ, Linh trở về đất liền. Kỷ niệm với chàng trai nơi đảo xa như áng mây lững lờ trên nền trời diệu vợi. Chẳng biết anh có còn nhớ đến – mình không. Và như có thần giao cách cảm, Phường cũng bâng khuâng da diết. Mươi năm về trước, thông tin từ đất liền ra đảo còn hạn chế lắm. Phía trong bờ, cả xã Tiên Minh mới chỉ có một chiếc điện thoại cố định làm dịch vụ. Sau bao đêm thao thức, cuối cùng Phường quyết định gọi điện hỏi thăm người mới quen. Hồi hộp, đợi chờ, rồi phía đầu dây, người cần gặp đã đến. Bao nhiêu nhớ nhung, khắc khoải cuối cùng cũng đã được Phường nói ra thành lời. 
 
 
Tặng quà học sinh tiểu học trên đảo Bạch Long Vĩ
 
Suốt sáu tháng trời, những cuộc gọi của hai người yêu nhau chỉ dừng ở những câu thăm hỏi sức khỏe chung chung. Thế rồi một này đẹp trời, Phường đã về quê Linh. Anh tìm thấy nàng, té ra hai gia đình cũng gần nhau. Lần này, anh đã tặng nàng chiếc điện thoại, để hai người dễ dàng liên lạc. 
 
Có chiếc điện thoại di động, từ đó khoảng cách như ngắn dần. Đến năm 2007, hai người quyết định kết hôn, chỉ ngại một nỗi, anh ở đảo còn chị ở đất liền. Chị Linh kể: "Thôi thì thuyền theo lái, em đã quyết tâm theo chồng ra đảo xây dựng quê hương mới”. Vậy là cô khăn gói ra đảo, nghề nào cũng làm, việc gì cũng nhận, và may mắn thay, đến cuối năm 2007, Linh được nhận vào lực lượng TNXP ở đảo. Rồi năm sau nữa, năm 2008 Phường cũng được gia nhập lực lượng này. Vậy là họ có một tổ ấm, yên tâm xây dựng kinh tế gia đình. Lương của TNXP tuy không nhiều, công việc vất vả, song hai vợ chồng rất chăm việc. Họ làm vườn, trồng rau màu, đi mò cua, bắt ốc ở quanh đảo... tất cả thứ đó bán cho dân chài và các hộ gia đình sống trên đảo. Đến nay cuộc sống đã đi vào ổn định, hai vợ chồng có với nhau hai mặt con. Kinh tế chưa thể gọi là khá xong đã có tích lũy.  
 
Tôi hỏi Linh, ở đảo thích nhất là điều gì? Linh ngẫm nghĩ rồi đáp: "Tình người anh ạ. Em thấy ở đây cũng giống như ở làng quê trong nhà. Tắt lửa tối đèn đều có người giúp đỡ, cuộc sống bình yên lắm.” Rồi Linh kể tôi nghe về cơn bão số 9 năm 2009. Cơn bão dữ dội, gió giật cấp 14, 15, thuyền bè ở âu bị gió lốc quăng quật tan hoang. Anh Phường là TNXP phải "trực chiến”, ở nhà còn hai mẹ con ôm nhau khóc. Qua cơn sợ hãi, lại nghĩ đến chồng, vừa sợ vừa thương. 
 
 
Gia đình Phường Linh
 
Trận bão đó thật là khủng khiếp, theo báo cáo của huyện Bạch Long Vĩ, đã có 50 chiếc tầu cỡ nhỏ bị gió lốc. Người già trẻ con, phụ nữ phải xuống hầm trú ẩn. Gió lốc thổi bay người. Đi vào tâm bão nhiều lúc TNXP chỉ còn mỗi một tư thế bò trên đường. Gian khổ thế nhưng, lực lượng TNXP đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giảm thiệt hại tối đa về người, và tài sản cho dân. Tôi hỏi:  gió to, lốc xoáy thế Phường có sợ không. Phường đáp chẳng thấy sợ. Qua ánh mắt anh tôi hiểu, có một tình yêu đã giúp anh làm được những việc làm lớn lao như thế. Đó chỉ có thể là tình yêu với hòn đảo yêu quí, quê hương thứ hai của những người thanh niên dũng cảm này. 
 
Linh nói: "Giúp đỡ người khác là chuyện thường ở đảo anh ạ. Mình giúp người, người giúp mình. Nhiều lúc cảm động lắm”. Tôi gật đầu ngẫm nghĩ, đó đích thực là văn  hóa thanh niên. Họ đến với nhau, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, gian khổ. Bài ca cuộc sống bắt đầu từ những thanh âm giản đơn, trong trẻo như thế. 
Lê Đông Hà

 

    Theo Báo Đại đoàn kết

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ