A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Cảnh giác nhiễm khuẩn bệnh viện

08:00 | 28/05/2018

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nhiễm khuẩn bệnh viện, đặc biệt nhiễm khuẩn huyết, được xem như một trong những mối đe dọa hàng đầu đến sự an toàn của người bệnh.

 Cứ 100 người nằm viện thì có 7 người mắc thêm bệnh nhiễm trùng mới. Tại Việt Nam, theo các chuyên gia y tế, nhiễm khuẩn bệnh viện cũng đang là một vấn đề nan giải, thách thức của ngành y tế.

Vệ sinh chu đáo là cách hạn chế nhiễm khuẩn.

6,5 triệu người chết mỗi năm vì nhiễm khuẩn

Theo thống kê của WHO, mỗi năm trên toàn cầu có đến 30 triệu người lớn, 3 triệu trẻ sơ sinh và 1,2 triệu trẻ em bị nhiễm khuẩn huyết. Trong đó, có 6 triệu người lớn và 500.000 trẻ sơ sinh đã tử vong.

Có khoảng 50 loại nhiễm khuẩn khác nhau có thể xảy ra tại bệnh viện (BV), trong đó phổ biến nhất là viêm phổi, nhiễm khuẩn vết mổ, nhiễm trùng da… 

Một nghiên cứu của Bộ Y tế được thực hiện trên 9.345 người bệnh của 10 bệnh viện mới đây cho thấy tỉ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện là 5,8%, trong đó viêm phổi đứng đầu, chiếm 55,4%.

Nghiên cứu khác của Sở Y tế TP HCM tại các bệnh viện công lập cũng cho thấy tỉ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện chiếm 6,4%, trong đó viêm phổi chiếm đến 54,3%, tiếp đến là nhiễm khuẩn tiết niệu (12,3%), nhiễm khuẩn vết mổ và nhiễm khuẩn huyết (10%). Trong đó, các bệnh viện tuyến Trung ương có tỷ lệ nhiễm khuẩn cao hơn hẳn các cơ sở y tế khác. 

Theo ông Lương Ngọc Khuê- cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), nhiễm khuẩn thường xảy ra ở đường hô hấp, vết mổ, đường tiết niệu, đường tiêu hóa, đường máu và các loại nhiễm trùng khác, chủ yếu tập trung vào 3 loại là nhiễm trùng hô hấp, nhiễm trùng vết mổ và nhiễm trùng tiết niệu.

Thực tế, đã có không ít trường hợp tử vong do nhiễm khuẩn bệnh viện như người mổ đẻ bị nhiễm khuẩn bệnh viện nên bị hậu sản, phải cắt bỏ dạ con hoặc tử vong; nhiều người cũng bị nhiễm khuẩn bệnh viện nên thời gian điều trị kéo dài, chi phí chữa trị gia tăng, đặc biệt mức độ gây biến chứng và tử vong của nhiễm khuẩn BV cao hơn nhiễm khuẩn cộng đồng. 

Về nguy cơ với trẻ em, theo BS Nguyễn Việt Hùng- trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, BV Bạch Mai, trẻ sơ sinh là đối tượng nhiễm khuẩn cao nhất.

Đặc biệt, khi mắc nhiễm khuẩn, trẻ sơ sinh nhất là trẻ sơ sinh thiếu tháng có tỷ lệ tử vong cao, chiếm 50% do hệ thống miễn dịch của các bé chưa hoàn thiện, dễ bị nhiễm trùng.

“Trong không khí luôn tồn tại vi khuẩn, nhưng chúng thường không gây bệnh. Vi khuẩn này sẽ thường trú trên cơ thể trẻ. Khi có can thiệp thủ thuật, sẽ mở đường cho vi khuẩn vào trong cơ thể gây ra nhiễm khuẩn. Người có hệ miễn dịch bị suy giảm, can thiệp thủ thuật, mổ xẻ…là đối tượng dễ mắc nhiễm khuẩn bệnh viện”- BS Nguyễn Việt Hùng nói.

Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng- nguyên trưởng Khoa Nhi, BV Bạch Mai nhấn mạnh vi khuẩn BV dễ nhờn kháng sinh. Các vi khuẩn chia làm hai nhóm là: cộng đồng và bệnh viện. Trong đó, vi khuẩn bệnh viện thường độc vì sống trong môi trường BV. 

Đi tìm nguyên nhân

Khi xảy ra tình trạng nhiễm khuẩn, BS Nguyễn Việt Hùng cho rằng, trách nhiệm thuộc về người quản lý vì liên quan tới các quy chuẩn về vô khuẩn, chăm sóc bệnh nhân còn nhân viên y tế chỉ là lỗi hành vi.

Hiện nay, chúng ta đã xây dựng được các quy chuẩn đó. Nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện kể cả khi chúng ta vô khuẩn tốt.

Còn ông Lương Ngọc Khuê thì cho rằng, hiện nay các cơ sở y tế thường chỉ chú trọng vào việc mua sắm máy móc hiện đại, phục vụ chất lượng khám chữa bệnh, trong khi công tác kiểm soát nhiễm khuẩn- một lĩnh vực cũng vô cùng quan trọng trong quá trình điều trị thì lại bị coi nhẹ.

Nguyên nhân một phần là do nhân viên y tế chưa tuân thủ quy định về vệ sinh cá nhân (trong đó có việc rửa tay trước khi tiếp xúc với người bệnh), hoặc lây chéo từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác. 

Trao đổi với báo chí, BS Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh: Tình trạng nhiễm khuẩn tại các BV ở nước ta hiện nay, đặc biệt những đơn vị hồi sức tích cực, đơn vị có phẫu thuật, theo khảo sát chung của quốc gia là khoảng 8%.

Đây cũng là tỷ lệ cao so với các nước trong khu vực. Đối với các nước phát triển, tỉ lệ này dưới 5%.

Cũng theo BS Hùng, các nghiên cứu cho thấy, bàn tay của một người có thể mang tới 4,6 triệu mầm bệnh (tập trung số lượng lớn ở kẽ tay, kẽ móng tay) và dễ lây bệnh từ người sang người.

Một số mầm bệnh có thể tồn tại trong nhiều phút, thậm chí trong nhiều giờ.

Đó là các loại vi rút gây các bệnh cảm nhiễm như cảm cúm, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm, nhiễm khuẩn da, bệnh thương hàn…

Tuy nhiên, việc thực hành vệ sinh tay trong các cơ sở y tế còn nhiều hạn chế; rất ít nhân viên y tế biết rõ quy trình rửa tay. Hiện nay tỷ lệ rửa tay của Việt Nam còn thấp, chỉ đạt 50% trong khi thế giới là 90%. 

Theo WHO, chỉ một động tác rửa tay sạch đã làm giảm tới 35% khả năng lây truyền vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy làm tử vong hàng triệu người mỗi năm trên thế giới.

Việc rửa tay cũng có thể làm giảm rủi ro nhiễm khuẩn tiêu chảy tới 47%, nhiễm khuẩn đường hô hấp từ 19% - 45%.

Tại lễ hưởng ứng chiến dịch vệ sinh tay toàn cầu do WHO phát động với khẩu hiệu “Phòng ngừa nhiễm khuẩn huyết trong chăm sóc y tế - trong tầm tay bạn”, BS Nguyễn Thanh Hùng- giám đốc BV Nhi đồng 1 TPHCM, khẳng định: Tất cả nhiễm khuẩn huyết liên quan chăm sóc y tế đều có thể phòng ngừa được nếu thực hiện tốt các quy trình vô khuẩn BV.

Bàn tay là trung gian truyền nhiều bệnh nguy hiểm, do đó tăng cường vệ sinh tay được đánh giá là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất và ít tốn kém nhất.  

Tình trạng tồi tệ của nhà vệ sinh trong BV không chỉ là nỗi kinh hoàng của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm thêm bệnh.

Khảo sát do Tổ chức Sáng kiến Việt Nam phối hợp với Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) thực hiện ở 29 BV tại các tỉnh, thành trong cả nước cho thấy, nhà vệ sinh vẫn là nơi người bệnh phiền toái nhất mỗi khi nhắc đến; chỉ đạt 3,58/5 điểm - thấp nhất trong các tiêu chí đánh giá mức độ hài lòng của người bệnh được khảo sát. 

Trước thực tế trên, tại hội nghị“Giảm thời gian chờ khám chữa bệnh, cải thiện nhà vệ sinh BV” mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, thời gian tới, khi đi kiểm tra chấm điểm đánh giá BV, cần coi tiêu chí nhà vệ sinh là tiêu chí đặc biệt quan trọng.

Ngọc Huyền

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Địa chỉ trị mụn lưng uy tín, chuyên nghiệp ở Hồ Chí Minh - Bống Spa

      Mụn lưng khiến bạn tự ti khi diện những bộ cánh yêu thích? Bạn muốn trị mụn lưng dứt điểm? Hãy tìm đến địa chỉ trị mụn lưng chất lượng thay vì sử dụng những sản phẩm kém chất lượng, không rõ xuất xứ, nguồn gốc bạn nhé.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ