A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nguy cơ bùng phát sốt xuất huyết

08:01 | 09/07/2018

Là quốc gia có khí hậu nhiệt đới, Việt Nam nằm trong khu vực lưu hành của nhiều loại bệnh truyền nhiễm do vi rút Arbo, trong đó điển hình là bệnh truyền từ muỗi vằn Aedes như sốt xuất huyết Dengue.

Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 21.733 trường hợp mắc và có 5 trường hợp tử vong tại Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau, Khánh Hòa, An Giang.

Chuẩn bị thuốc diệt muỗi.

Những con số cảnh báo

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Sốt xuất huyết (SXH) liên tục gia tăng về phạm vi và số lượng người mắc bệnh qua từng năm tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó khu vực Đông Nam Á chịu ảnh hưởng nặng nề. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá SXH là một bệnh truyền nhiễm, vấn đề y tế công cộng nan giải trên toàn cầu. Hiện bệnh lưu hành tại 128 quốc gia, hơn 3,9 tỷ người sống trong vùng nguy cơ bị mắc bệnh, hàng năm có khoảng 390 triệu người nhiễm bệnh. 

Theo thông báo của WHO, năm 2018 tại một số quốc gia trong khu vực châu Á và Châu Mỹ La-tinh, số trường hợp mắc bệnh SXH hiện giảm so với cùng kỳ năm 2017, tuy nhiên đến thời điểm này đã bắt đầu có dấu hiệu gia tăng so với các tuần đầu năm. 

Tại Việt Nam, bệnh SXH đã giảm trong những năm gần đây; tỷ lệ mắc, tử vong thấp nhất so với các quốc gia trong khu vực. Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 21.733 trường hợp mắc và có 5 trường hợp tử vong tại Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau, Khánh Hòa, An Giang. So với cùng kỳ năm 2017, số mắc cả nước giảm 41,6%, số tử vong giảm 7 trường hợp.

Như vậy, số trường hợp mắc SXHchưa có dấu hiệu gia tăng trong các tháng đầu năm và giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2017.

Tuy nhiên, hiện nay khu vực miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên đang bắt đầu vào mùa mưa, khu vực miền Bắc vào mùa hè, đây là điều kiện thuận lợi cho đàn muỗi truyền bệnh sinh sản và phát triển mạnh. 

Cục Y tế dự phòng dự báo: Dịch bệnh SXH trong thời gian tới vẫn có thể diễn biến phức tạp, có nguy cơ gia tăng số trường hợp mắc. Nguyên nhân là do ở Việt Nam có tình trạng khan hiếm nước sạch, đặc biệt là vùng nông thôn khiến người dân có thói quen tích trữ nước trong lu, bể, dễ tạo điều kiện cho muỗi vằn sinh sản.

Bên cạnh đó, việc không thường xuyên vệ sinh, thay nước trong lọ hoa, bể cây cảnh cùng với điều kiện nhà ở, nhà trọ, lán trại, các công trình xây dựng, chuồng trại thiếu vệ sinh, hệ thống xử lý nước thải không đảm bảo ở các vùng ven đô cũng là yếu tố giúp muỗi truyền bệnh SXH phát triển và nguy cơ gây dịch bệnh rất lớn.

Vào thời điểm hiện nay, mật độ muỗi bắt đầu gia tăng vì thời tiết miền Nam bước vào mùa mưa. Các địa phương nếu không tích cực, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh thì nguy cơ phát triển nhanh các ổ dịch bệnh dẫn đến bùng phát dịch rất cao.

Cục Y tế dự phòng nêu rõ: Nước ta hiện lưu hành 4 tuýp virus SXH, bệnh không có miễn dịch chéo nên một người có thể mắc nhiều tuýp. Miễn dịch của bệnh không bền vững suốt đời nên một người có thể mắc bệnh nhiều lần trong đời. Người bệnh cũng sẽ trở thành nguồn lây nếu muỗi đốt người bệnh rồi đốt sang người khỏe mạnh. Do đó, người dân không nên chủ quan với căn bệnh này. 

Chủ động phòng bệnh 

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nêu rõ: Việc huy động cộng đồng, chính quyền các cấp vào cuộc phòng chống dịch bệnh đóng vai trò quan trọng. Đáng lo ngại nhất là hiện nay dịch bệnh SXH. Đặc biệt, vụ dịch năm 2017 xảy ra tại Hà Nội là một bài học. 
Đến nay, SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vắc-xin đã có nhưng chưa được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng.

Vì vậy, việc phòng chống bệnh sốt xuất huyết hiện nay chủ yếu dựa vào việc loại bỏ các nguồn lây bệnh. Mặt khác, biến đổi khí hậu cùng với sự nóng lên của trái đất, hiện tượng El Nino, phương tiện giao thông hiện đại, đô thị hóa không kiểm soát, di biến động dân cư làm công tác phòng, chống SXH trở nên khó khăn hơn. 

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu nhấn mạnh: Để chủ động phòng chống dịch, ngay từ đầu năm, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị với 63 tỉnh, thành phố và các bộ, ngành nhằm triển khai, tăng cường công tác phòng chống SXH năm 2018; xây dựng tài liệu hướng dẫn phòng chống sốt xuất huyết tại cộng đồng dành cho cán bộ y tế cơ sở. Bộ Y tế tổ chức 8 đoàn công tác kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống SXH tại 16 tỉnh, thành phố trọng điểm.

Phòng chống SXH là bài toán nan giải của quốc tế chứ không riêng Việt Nam. Hiện nay, giải pháp chính để phòng, chống SXH là giảm véc-tơ, tức là giảm muỗi thông qua việc giảm bớt các dụng cụ chứa nước là nơi sản sinh ra bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi, nâng cao nhận thức, hành động của người dân về phòng bệnh...

Ông Trần Đắc Phu cũng nêu rõ: Các nghiên cứu về vắc-xin phòng bệnh sốt xuất huyết đã được triển khai và thử nghiệm ở một số nơi. Tuy nhiên, đến nay vắc-xin này vẫn chưa được nhân rộng bởi tính hiệu quả của vắc xin chưa thuyết phục, đồng thời giá thành chưa phù hợp. 

Bộ Y tế đã phát động chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, loăng quăng phòng chống dịch bệnh do virus Zika và SXH” trên toàn quốc. Riêng Hà Nội, để bệnh SXH không bùng phát thành dịch lớn như năm 2017, ngành y tế Thủ đô cần tiến hành phun hóa chất khi phát hiện ổ dịch, tích cực hướng dẫn người dân các biện pháp phòng tránh, tập trung điều trị cho bệnh nhân, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong...

Bộ Y tế khuyến cáo: Để tích cực phòng bệnh SXH cho bản thân, gia đình và người xung quanh, người dân phải đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần cần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy ...

Mặt khác, người dân nên ngủ trong màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị; không tự ý điều trị tại nhà...    

Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cần lưu ý các triệu chứng mắc bệnh sốt xuất huyết như: Sốt cao, 39-40 độ C liên tục trong 3-4 ngày; người mệt mỏi, phát ban, buồn nôn; xuất huyết dưới da, nổi chấm màu đỏ, chảy máu cam, chảy máu chân răng; đau bụng, nôn ói... Sốc là dấu hiệu nặng của bệnh sốt xuất huyết, thường xuất hiện từ ngày thứ 3-6 kể từ khi mắc.

    Hà Phương

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Địa chỉ trị mụn lưng uy tín, chuyên nghiệp ở Hồ Chí Minh - Bống Spa

      Mụn lưng khiến bạn tự ti khi diện những bộ cánh yêu thích? Bạn muốn trị mụn lưng dứt điểm? Hãy tìm đến địa chỉ trị mụn lưng chất lượng thay vì sử dụng những sản phẩm kém chất lượng, không rõ xuất xứ, nguồn gốc bạn nhé.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ