A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Dịch tay chân miệng có nguy cơ bùng phát

08:26 | 02/10/2018

Thống kê mới nhất từ Bộ Y tế cho thấy, trong tháng 9, trên cả nước đã ghi nhận hơn 12.200 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng.

Từ đầu năm đến nay cả nước đã ghi nhận hơn 53.529 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có 6 ca tử vong.

Nhiều bệnh nhi phải nhập viện do dịch tay chân miệng.

Gia tăng nhanh trên cả nước

Hiện nay, bệnh tay chân miệng (TCM) đang có nguy cơ lây lan nhanh trên cả nước và bùng phát thành dịch. 

Theo PGS. TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, TCM là một bệnh phổ biến lưu hành ở các tỉnh phía Nam với trung bình từ 200.000-100.000 ca bệnh mỗi năm. Mùa dịch thường rơi vào khoảng từ tháng 5-11.Trong năm 2018, số ca mắc bệnh chung của cả miền Nam vẫn thấp hơn 31% so với cùng kỳ năm 2017, nhưng trong tháng 8 và tháng 9 có sự gia tăng đột biến, tăng đến 50% so với các tháng trước đó.

Đặc biệt đã có 6 trẻ tử vong (Bến Tre, Đồng Tháp, Bình Dương, Đồng Nai mỗi tỉnh 1 trường hợp, riêng Tây Ninh có 2 ca). Trẻ đều nhiễm chủng Enterovirus 71, cũng là chủng nguy hiểm nhất của TCM tính đến thời điểm hiện tại. Enterovirus 71 từng là nguyên nhân gây ra hơn 100 ca tử vong của mùa dịch năm 2011.

Tại TP Hồ Chí Minh, thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, trong tháng 8 và 9, trung bình mỗi tuần có 200 ca nhập viện do tay chân miệng, cá biệt có tuần gần 300 ca, tăng 47% so với các tháng trước đó. Tổng số ca bệnh nhập viện do mắc bệnh tay chân miệng của TP Hồ Chí Minh hiện là 3.200 ca và có 15.500 ca điều trị ngoại trú.

Ngoài TP Hồ Chí Minh, một số tỉnh có lượng bệnh mắc nhân tay chân miệng có xu hướng gia tăng đột biến là Đồng Nai, Bình Dương, Khánh Hòa.

Cụ thể, tại Đồng Nai, từ đầu năm đến nay có hơn 4.000 ca mắc bệnh tay chân miệng, trong đó 90% là trẻ dưới 3 tuổi. Thời gian gần đây có những tuần tại tỉnh ghi nhận đến 500 ca bệnh tay chân miệng, nhiều trường hợp bệnh trở nặng nguy hiểm.

Còn tại tỉnh Khánh Hòa, số ca mắc TCM đã tăng gấp hơn 2 lần (145 ca mắc, tăng gấp đôi so với tháng 8), số lượng bệnh nhân ở mức độ nặng tăng cao đột biến. Và cũng chưa có thời điểm nào bệnh nhân khi nhập viện đã ở tình trạng nặng nhiều như trong tháng 9 này, trong đó có những ca bệnh diễn tiến quá nhanh, buộc phải chuyển vào các bệnh viện nhi đồng tại TP Hồ Chí Minh để tiếp tục điều trị.

Biến chứng nguy hiểm

Theo BS Phạm Thu Nga - Bệnh viện Nhi trung ương: Có 2 nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Biểu hiện chính của bệnh là gây tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như: Niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não-màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Các trường hợp biến chứng nặng thường do vi rút EV71.

Đáng lưu ý, bệnh TCM còn có nhiều dấu hiệu mà nếu không được chú ý sẽ dễ chẩn đoán nhầm, nhất là nếu theo dõi không sát sao dễ bỏ sót không xử trí kịp biến chứng xảy ra. Với nhiều ca trẻ chỉ sốt, ho vài tiếng, tiêu chảy vài lần, nhưng 2-3 ngày sau đã xuất hiện biến chứng dù khám chẳng thấy tổn thương ở miệng cũng như ở tay, chân. Thậm chí tìm khắp cơ thể trẻ cũng chỉ thấy 1 - 2 nốt hồng ban rất mờ nhạt. Có trường hợp trẻ chỉ biểu hiện sốt, ho khò khè, nhiều khi chẩn đoán nhầm là hen phế quản hoặc viêm thanh khí phế quản. Lại có ca trẻ nhập viện với triệu chứng giống bệnh rối loạn tiêu hóa như: nôn, tiêu chảy và được điều trị như một rối loạn tiêu hóa.

Do đó, để phát hiện sớm bệnh và tránh những biến chứng, khi thấy trẻ có những dấu hiệu như sốt, đau họng, biếng ăn, có những bóng nước ở miệng, tay, chân... cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế điều trị. Điều quan trọng, các bậc phụ huynh phải nhận biết được dấu hiệu bệnh nặng, cảnh giác với những biểu hiện không điển hình của bệnh.

Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh TCM và thuốc điều trị đặc hiệu. Để chủ động phòng chống bệnh TCM, Bộ Y tế khuyến cáo người dân khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.  

* Bộ Y tế yêu cầu khẩn trương phòng chống dịch tay chân miệng

Ngày 1/10, Bộ Y tế đã có công văn khẩn về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh tay chân miệng.

Theo đó cần chủ động phòng, chống dịch bệnh TCM, hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong, không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh thành phố chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn tham mưu cho UBND các tỉnh thành phố chỉ đạo chính quyền các cấp, huy động các ban ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp chặt chẽ với ngành y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh trên địa bàn, tập trung vào các địa bàn có số mắc cao, có nguy cơ bùng phát thành dịch.

 Xuân Thủy

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Địa chỉ trị mụn lưng uy tín, chuyên nghiệp ở Hồ Chí Minh - Bống Spa

      Mụn lưng khiến bạn tự ti khi diện những bộ cánh yêu thích? Bạn muốn trị mụn lưng dứt điểm? Hãy tìm đến địa chỉ trị mụn lưng chất lượng thay vì sử dụng những sản phẩm kém chất lượng, không rõ xuất xứ, nguồn gốc bạn nhé.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ