A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Để mùa bơ thực sự "chín" (kỳ 3): Tiếp tục tìm hướng đi phù hợp

14:05 | 12/11/2020

Có thể khẳng định, việc phát triển cây bơ thành cây thế mạnh là chủ trương đúng đắn, phù hợp.

 Thế nhưng, để làm được điều này, tỉnh cần tiếp tục có sự điều chỉnh phù hợp, nhất là khâu chuyên canh và phát triển hạ tầng chế biến sản phẩm bơ.

Các giống bơ như Hass, Reed, Pinkerton phục vụ nhu cầu xuất khẩu vẫn chưa được trồng nhiều ở Đắk Nông

Tạo vùng nguyên liệu tập trung

Từ năm 2013, tỉnh Đắk Nông đã có quy hoạch về việc phát triển các loại cây ăn quả. Đối với cây bơ, diện tích gồm cả trồng chuyên canh và xen canh đến 2020 là 5.353 ha.

Như vậy, xét với diện tích thì chưa vượt quy hoạch, nhưng đã cho thấy nhiều vấn đề bất cập. Nhiều người cho rằng, tỉnh chỉ mới quy hoạch về vùng trồng, diện tích mà chưa gắn với quy hoạch chủng loại giống, nên xảy ra tình trạng, người dân thích trồng loại bơ nào thì trồng, không hình thành được vùng chuyên canh.

Về nội dung này, Tiến sỹ Trương Hồng, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, khi xác định được vùng trồng thì phải gắn được với bộ giống cụ thể. Bộ giống phải có sự nghiên cứu, khảo nghiệm, khẳng định với vùng đất, tiểu vùng khí hậu.

Đến nay, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên đã nghiên cứu, chọn tạo được bộ các giống bơ phù hợp với từng khu vực ở Tây Nguyên như TA1, Booth 7, TA40 và Reed. Để đưa các bộ giống bơ này gắn với từng vùng đất, tiểu vùng khí hậu, Đắk Nông phải có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn, phải có sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa các cơ quan chuyên môn, đơn vị nghiên cứu.

Hình thức tiêu thụ quả bơ tại Đắk Nông vẫn là bán tươi qua tư thương

Còn theo ông Võ Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện cây ăn quả miền Nam, cơ cấu giống bơ hiện nay của Đắk Nông là khá đa dạng, với những cây trồng từ hạt, các dòng chọn lọc địa phương và giống nhập nội.

Thế nhưng, tỉnh cần xác định bộ giống, cơ cấu giống phù hợp đến từng vùng đất. Trong đó, phải hướng đến đáp ứng các tiêu chuẩn thị trường nội địa, thị trường biên mậu, thị trường quốc tế và làm nguyên liệu cho chế biến. Điểm mấu chốt cho hoạt động chọn bộ giống bơ là phù hợp với điều kiện sinh thái và sản xuất, chất lượng, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường, mở rộng được thời gian thu hái quả quanh năm.

Ông Châu nhấn mạnh: "Khi có được vùng trồng chuyên canh một giống bơ sẽ dễ dàng, thuận tiện trong việc ứng dụng quy trình, kỹ thuật, công nghệ sản xuất, từ đó đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa".

Tiến sĩ Lâm Thị Bích Lệ, Trường Đại học Tây Nguyên, người có công trình nghiên cứu đặc tính sinh học của một số dòng bơ vô tính đầu tiên tại Việt Nam, cho rằng: Các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có Đắk Nông, nên trồng các giống bơ thuộc chủng xuất xứ từ châu Mỹ đã được tuyển chọn như TA3, BMX1, BMX2.

Những giống bơ này đều có đặc tính chín sớm, hoặc chín muộn hơn so với thời vụ tập trung, giúp kéo dài thời gian thu hoạch, cung cấp quả quanh năm. Trọng lượng quả của những loại bơ này đạt từ 300-500g, với nhưng ưu điểm như hạt nhỏ, ít xơ, chất béo cao, nên được người tiêu dùng ưa chuộng.

 

Theo Quyết định số 1579/QÐ-UBND ngày 4/10/2013 của UBND tỉnh Ðắk Nông, cây bơ được quy hoạch phát triển theo 3 vùng. Cụ thể, vùng II ở phía nam huyện Krông Nô; huyện Ðắk Mil và các xã giáp Ðắk Mil của huyện Ðắk Song. Vùng III gồm thành phố Gia Nghĩa và huyện Ðắk Glong. Vùng IV gồm 2 huyện Ðắk R’lấp và Tuy Ðức.

 

Tập trung nâng cao chất lượng

Ông Lê Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp Bình Dương cho biết, sản phẩm bơ của Đắk Nông rất ngon. Tuy nhiên, để tạo được "chỗ đứng" trong các kênh phân phối hiện đại, tỉnh cần tập trung hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, tạo thương hiệu cho trái bơ. Các sản phẩm bơ của Đắk Nông phải có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, Oganic, OCOP...

Tỉnh cũng cần phát triển các dòng bơ theo luồng một cách hợp lý. Các loại bơ sáp nội địa, bơ 034, bơ Cuba chủ yếu phục vụ nhu cầu trong nước. Còn các giống bơ có trái nhỏ hơn, đặc biệt là bơ Hass, phải được quy hoạch vùng trồng phù hợp để xuất khẩu.

Tháng 7/2018, công ty SAM Agritech, cơ quan hợp tác Chính phủ New Zealand, Viện Nghiên cứu Cây trồng và Thực phẩm New Zealand đã kí bản thỏa thuận dịch vụ sản xuất bơ tại tỉnh Đắk Nông

Còn theo ông Nguyễn Duy Thụy, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên (Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam), Đắk Nông chưa có nhà máy chế biến sản phẩm bơ. Trên địa bàn tỉnh chỉ mới có một số đơn vị bắt đầu đầu tư vào sơ chế, chế biến bơ, nhưng quy mô quá nhỏ, chưa có tác động đến việc tiêu thụ bơ trong tỉnh.

Do đó, để làm cho cây bơ trở thành cây chủ lực, tỉnh phải phát triển chế biến. Bên cạnh đó, các vấn đề như liên kết bền vững giữa người trồng và doanh nghiệp; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, mã vùng trồng; có chỉ dẫn địa lý... cũng phải giải quyết được. Việc xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng về nhà máy, vùng nguyên liệu, giao thông vận tải... cũng rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp nói chung, cây bơ nói riêng.

Năm 2018 Đắk Nông tổ chức các hoạt động để nâng tầm quả bơ

Những  năm qua, tỉnh đã có nhiều hoạt động nhằm xúc tiến việc sản xuất, tiêu thụ quả bơ. Điển hình như năm 2018, tỉnh tổ chức chương trình “Đắk Nông mùa bơ chín” với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, doanh nghiệp. Một số thỏa thuận hợp tác sản xuất, tiêu thụ bơ phạm vi quốc tế cũng đã được ký kết.

Thế nhưng, đến nay cây bơ vẫn còn đang ở vào thế "bấp bênh", chưa thực sự đáp ứng được kỳ vọng của nông dân cũng mục tiêu chung của tỉnh. Do đó, việc tiếp tục nghiên cứu, tính toán hướng đi cho cây bơ trong thời gian tới là điều mà cơ quan chức năng cần lưu ý, quan tâm.

Bài, ảnh: Hồng Thoan

Bài viết gốc: http://www.baodaknong.org.vn/kinh-te/de-mua-bo-thuc-su-chin-ky-3-tiep-tuc-tim-huong-di-phu-hop-83066.html

 

    Nguồn "Báo Đắk Nông điện tử"

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Robot thông minh nhất thế giới có gì đặc biệt?

      Tinh tế đến mức có thể phát hiện sự lo lắng của con người và dẫn dắt tương tác bằng hơn 120 ngôn ngữ khác nhau giúp Xoxe trở thành robot thông minh nhất thế giới.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ