A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Vụ cà phê nhiều "vị đắng"

13:57 | 21/12/2020

Ngã ba Thổ Hoàng, xã Đắk Sắk (Đắk Mil) mùa này giống như một "chợ lao động" tấp nập và có cả những điều ngậm ngùi. "Chợ lao động" tấp nập là thế nhưng thuê được người hái cà phê lại không dễ chút nào.

Gian nan thuê công hái cà phê

Đi dọc các tuyến đường trên địa bàn Đắk Mil đều bắt gặp những chiếc xe càng chở cà phê từ rẫy về nhà. Các ngã ba, ngã tư, các điểm dừng xe buýt tấp nập nhân công lên xuống. Từ đầu vụ cà phê tới nay, ngã ba Thổ Hoàng, xã Đắk Sắk, là điểm tập trung nhiều lao động hái cà phê nhất khu vực Đắk Mil.

Ông Võ Kinh Ngự, ngóng những chuyến xe khách, xe buýt để thuê nhân công hái cà phê

6 giờ sáng, ông Võ Kinh Ngự, 72 tuổi, ở thôn Đức Thành, xã Đức Mạnh (Đắk Sắk) đã có mặt ở ngã ba Thổ Hoàng chờ những người lao động để thuê hái cà phê. Túc trực ở đây sau hơn 10 ngày, ông mới thuê được 20 người hái cà phê. Ông khoán công hái 1.100 đồng/kg quả tươi, hỗ trợ thêm gạo, nhưng lao động vẫn chê. Giờ chỉ có vợ chồng con trai ông đi hái, còn ông túc trực ở ngã ba Thổ Hoàng để tiếp tục thuê người hái cà phê.

Anh Nguyễn Duy Lương, ở thôn Thọ Hoàng 3 sau 7 ngày ngồi chờ thuê người hái cà phê, 4 lần chở người xem rẫy nhưng đều không thành công. Anh đã thương lượng công hái khoán 1.100 đồng/kg và hỗ trợ thêm gạo, thức ăn, nhưng vẫn không được nhóm lao động nào chấp nhận.

Đã hơn 9 giờ trưa, nắng đã bắt đầu gay gắt, nhưng gần chục chủ rẫy cà phê vẫn ngồi vật vờ trên xe máy túc trực với hi vọng thuê được người hái cà phê. Rẫy cà phê của họ đang chín rục, trái rụng đã nhiều, nhưng người hái lại kiếm không ra.

Vụ mùa thất bát

Ông Trần Văn Doãn, ở thôn Đắk Hà, xã Đắk Sắk (Đắk Mil), có 3 ha cà phê. Theo tính toán của ông, năm nay năng suất rẫy cà phê giảm khoảng 40%, nên 3 ha chỉ được khoảng 7 tấn cà phê nhân.

Năm nay hạn hán, ông Doãn phải tưới nước cho cà phê tới 6 đợt, cộng thêm tiền phân 3 đợt, tổng chi phí khoảng 150 triệu đồng tiền công chăm sóc. Với giá cà phê nhân hiện nay, trừ chi phí, ông chỉ còn tầm 60 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập của cả gia đình ông suốt cả năm.

Nhóm nhân công đang lên xe vào rẫy cà phê của ông Võ Tá Thế

Ông Võ Tá Thể, ở thôn Xuân Lộc 1, xã Đắk Sắk, có 5 ha cà phê. Theo tính toán của ông Thể, năm nay sản lượng cà phê chỉ đạt khoảng 60% so với năm trước; 5 ha cà phê của ông chỉ đạt khoảng 12 tấn khô. Với mức giá cà phê nhân trên dưới 32 triệu đồng/tấn, trừ chi phí cho 5 ha cà phê, ước tính năm nay ông Thể thu được khoảng 130 triệu đồng. Khoản thu nhập này ông Thể đang đau đầu để tính toán chi ly cho cuộc sống gia đình, tái đầu tư cho rẫy cà phê.

Tìm cách để cầm cự

Giá cà phê duy trì ở mức trên dưới 32.000 đồng/kg đã khoảng 10 năm nay. Mức thu mua này khiến người trồng cà phê càng giảm dần thu nhập, vì chi phí đầu tư tăng lên từng ngày.

Năm 2010, cà phê cũng với mức giá này, nhưng giá thuê nhân công chỉ 100.000-120.000 đồng/ngày/công. Nhưng đến nay, giá thuê nhân công đã tăng gấp khoảng 3 lần. Các chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng giá.

Chi phí đầu tư tăng cao đã đẩy người trồng cà phê vào mức thu nhập thấp, lấy công làm lãi. Hầu hết nông dân đều vay nợ ngân hàng để đầu tư, làm chi phí sản xuất và trang trải cuộc sống.

Người trồng cà phê lo lắng vì gặp khó khăn trong việc thuê nhân công thu hái cà phê

Ông Trần Văn Doãn, ở thôn Đắk Hà, xã Đắk Sắk cho biết, rẫy cà phê là nguồn thu nhập chính của gia đình ông. Ông dự định sẽ chuyển đổi giống cà phê chất lượng, trồng xen các loại cây trồng khác để tạo nhiều nguồn thu, chờ cà phê tăng giá. "Trồng cà phê tầm này cốt để giữ đất, giữ tài sản là chính chứ không nghĩ đến chuyện lời lãi nữa", ông Doãn tâm sự.  

Còn anh Nguyễn Duy Lương, xã Đắk Sắk chia sẻ: "Từ đời bố tôi đến nay đã gắn bó với cây cà phê, nên tôi sẽ tiếp tục trồng cà phê, nhưng sẽ xen canh nhiều loại cây trồng khác để tạo thêm nguồn thu nhập. Tôi sẽ tái canh cà phê để nâng cao hiệu quả sản xuất".

Phóng sự của Đức Hùng

Bài viết gốc: http://www.baodaknong.org.vn/kinh-te/vu-ca-phe-nhieu-vi-dang-83748.html

    Nguồn "Báo Đắk Nông điện tử"

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Robot thông minh nhất thế giới có gì đặc biệt?

      Tinh tế đến mức có thể phát hiện sự lo lắng của con người và dẫn dắt tương tác bằng hơn 120 ngôn ngữ khác nhau giúp Xoxe trở thành robot thông minh nhất thế giới.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ