A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nhu cầu nhập khẩu gạo, rau quả của thế giới ngày càng lớn

09:04 | 29/05/2024

Bộ trưởng Bộ Công thương và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đồng chủ trì cuộc họp tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho xuất khẩu nông sản.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị. Ảnh: C.Dũng.

Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu gạo và rau quả diễn ra chiều 28/5 tại trụ sở Bộ Công thương nhằm đánh giá tình hình xuất khẩu gạo và rau quả 4 tháng đầu năm 2024 và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu những tháng cuối năm. 

Xuất khẩu nông sản khả quan

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá, tình hình sản xuất và xuất khẩu gạo, rau quả của Việt Nam cuối năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 diễn ra khá thuận lợi, đạt được nhiều kết quả tích cực, tăng cả về lượng và giá trị.

Các hiệp hội, doanh nghiệp đã khai thác hiệu quả các thị trường truyền thống, khai mở thêm nhiều thị trường mới, tiềm năng. Thương hiệu gạo và nhiều sản phẩm rau, quả của Việt Nam tiếp tục được khẳng định trên thị trường quốc tế. Nhiều doanh nghiệp, người sản xuất tiếp cận, khai thác tốt hơn các lợi thế từ các FTA mà nước ta là thành viên.

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, xuất khẩu nông sản vẫn còn những hạn chế: một số vùng trồng phát triển quá nóng về quy mô nhưng không tuân thủ quy trình bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng; DN sản xuất, xuất khẩu chưa nghiên cứu kỹ yêu cầu, tín hiệu của thị trường xuất khẩu, nên không khẳng định được thương hiệu sản phẩm; DN xuất khẩu tham gia đấu thầu các lô hàng lớn vào thị trường trọng điểm, nhưng giá thấp hơn các đối tác khác quá nhiều (thậm chí thấp hơn trong nước). Ngoài ra, một số thời điểm đẩy giá bán quá cao, trong khi chất lượng không tương xứng...

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: C.Dũng.

Theo dự báo, nhu cầu nhập khẩu về gạo, rau quả của thế giới thời gian tới sẽ ngày càng lớn do nguồn cung bị đứt gãy ở nhiều quốc gia (bị ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang, cạnh tranh địa chính trị và chiến tranh thương mại). Yêu cầu về chất lượng sản phẩm sẽ ngày càng cao, nhiều hàng rào kỹ thuật đã và đang được các nước nhập khẩu dựng lên để bảo hộ thương mại trong nước.

Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh đàm phán, ký kết và nâng cấp các FTA với đối tác ở các thị trường tiềm năng, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và sản phẩm xuất khẩu, nhất là ở các khu vực/phân khúc thị trường mới, tiềm năng, chưa được khai thác hiệu quả, như thực phẩm Halal, thị trường châu Phi, Mỹ Latinh... Những yếu tố trên sẽ tác động mạnh đến hoạt động thương mại gạo và rau quả của Việt Nam trong thời gian tới.

Nhiều giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản

Theo Bộ Công thương, thời gian qua, Bộ này đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp như đàm phán để cắt giảm thuế quan nhập khẩu và vẫn đang tiếp tục đàm phán, ký kết và nâng cấp các FTA với các đối tác ở các thị trường có nhiều tiềm năng khai mở và phát triển thị trường xuất khẩu; hỗ trợ DN nâng cao năng lực, nhận thức về thông tin chính sách, ưu đãi của các FTA; Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa; Phát huy vai trò của các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc nắm bắt, cung cấp kịp thời các thông tin về thị trường và các quy định, chính sách mới của các nước sở tại, giúp các doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước có phản ứng chính sách phù hợp, khả thi.

Xuất khẩu gạo vẫn tiếp tục kéo dài đà tăng trưởng từ giữa năm 2023, khi kim ngạch 4 tháng đầu năm 2024 tăng tới 57,9% so với cùng kỳ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, 4 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước ước đạt 19,06 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2023; giá trị xuất siêu của toàn ngành là 4,74 tỷ USD, tăng 71,5%. Với kết quả này, ngành nông nghiệp đang sẵn sàng vươn tới những kỷ lục mới về xuất khẩu.

Các mặt hàng hiện đã đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD gồm gỗ và sản phẩm gỗ (4,84 tỷ USD, tăng 23,7%); cà phê (2,57 tỷ USD, tăng 57,9%); gạo 2,08 tỷ USD (tăng 36,5%), rau quả 1,8 tỷ USD (tăng 32,1%); điều 1,16 tỷ USD (tăng 21,2%).

Số liệu từ Trung tâm chuyển đổi số và thống kê nông nghiệp, 4 tháng đầu năm, nhiều mặt hàng nông sản có giá xuất khẩu bình quân tăng cao so với cùng kỳ, như gạo đạt 644 USD/tấn, tăng 22,2%; cà phê 3.402 USD/tấn, tăng 49,7%; cao su 1.487 USD/tấn, tăng 6,9%; hạt tiêu 4.214 USD/tấn, tăng 36,4%.

Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản là ba thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng 20,1%, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2023; thị trường Trung Quốc chiếm 18,9%, tăng 15,1% và thị trường Nhật Bản chiếm 6,9%, tăng 9,6%.

Ngay từ những tháng đầu năm, ngành rau quả đang trên đà hướng tới mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt mức kỷ lục 6-6,5 tỷ USD. Xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc 4 tháng đầu năm đạt giá trị cao, góp phần quan trọng thúc đẩy ngành hàng tăng trưởng vượt bậc. Riêng quý I, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 759,4 triệu USD, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm 2023; chiếm 59,1% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả. Bên cạnh đó, hàng rau quả cũng được đẩy mạnh xuất khẩu sang các khu vực khác như châu Âu, châu Mỹ, châu Đại Dương và châu Phi.

Quý I/2024, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt 759,4 triệu USD, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong cả quý II sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu thế giới tăng cao. Hiện ngành cà phê Việt Nam được hưởng lợi nhờ giá xuất khẩu có xu hướng tăng mạnh. Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) dự báo, tiêu thụ cà phê niên vụ 2023/2024 sẽ tăng 2,2% so với niên vụ 2022/2023, đạt 117 triệu bao. Đây là cơ hội cho ngành cà phê Việt Nam gia tăng xuất khẩu, hướng tới mục tiêu đạt hơn 5 tỷ USD trong năm 2024. Trong quý I, căng thẳng ở Biển Đỏ ảnh hưởng đến khoảng 36% tổng sản lượng cà phê xuất khẩu toàn cầu, chủ yếu là cà phê xuất khẩu từ Đông Nam Á. Mặc dù vậy, hiện thị trường xuất khẩu cà phê của Việt Nam vẫn đang khá rộng mở.

Cùng với rau quả và cà phê, xuất khẩu gạo cũng vẫn tiếp tục kéo dài đà tăng trưởng từ giữa năm 2023, khi kim ngạch bốn tháng đầu năm tăng tới 57,9% so với cùng kỳ. Giá bán gạo Việt Nam cũng ở mức cao, trung bình gần 650 USD/tấn. Mặt khác, thị trường xuất khẩu gạo cũng dần rộng mở hơn, không chỉ tập trung vào các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia, Malaysia mà đã thâm nhập ngày càng sâu vào thị trường EU, Mỹ và các thị trường châu Á khác.

Với mục tiêu giảm 20% chi phí đầu vào sản xuất, đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất lúa của các hộ nông dân khoảng 9.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc áp dụng các quy trình xử lý và tái chế phụ phẩm, xây dựng thương hiệu gạo phát thải thấp sẽ góp phần nâng cao giá trị toàn chuỗi lúa gạo lên 40%, trong đó tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa tăng 50%. Đây cũng là lời giải cho bài toán đa dạng thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam, nhất là với những thị trường chất lượng cao, giá cao như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản...

Năm 2024, ngành nông nghiệp Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 55 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng GDP 3,5%. Bước chạy đà của những tháng đầu năm 2024 là tín hiệu tích cực cho thấy sự nỗ lực của toàn ngành trên chặng đường hiện thực hóa mục tiêu.

Đề cập đến chuyện các doanh nghiệp không đi cùng nhau, và vẫn còn sự cạnh tranh về giá, nhiều ý kiến cho rằng, cần nhấn mạnh vai trò của các hiệp hội, ngành hàng. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho hay, hiện chúng ta mới đang xuất khẩu một sản phẩm của doanh nghiệp chứ không phải xuất khẩu sản phẩm của một ngành hàng.

Khâu liên kết và hợp tác đang là điểm yếu của doanh nghiệp. Nhìn thẳng vào sự yếu kém trong khâu hợp tác, liên kết, Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn chứng: Khi chúng tôi đi hội chợ quốc tế, các bạn Trung Quốc trưng bày cả một không gian rộng lớn, nhưng với Việt Nam, có những doanh nghiệp vẫn thuê riêng một góc ở ngoài chứ không đi chung với hiệp hội hay bộ, ngành.

Rõ ràng, nếu bản thân các doanh nghiệp không thay đổi thì sẽ không thể đi xa được. Ví dụ, khi nói đến gạo Việt Nam là hình ảnh nông sản Việt chứ không chỉ nói về gạo Trung An, hay một doanh nghiệp nào khác.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặt câu hỏi, liệu hiệp hội đã làm hết vai trò chưa? Nếu cơ quan này chỉ là người cộng các con số xuất khẩu của doanh nghiệp thành viên thì đây không phải là chức năng của họ mà phải là địa chỉ kết nối các doanh nghiệp.

Rõ ràng, cần phải thay đổi hoàn toàn tư duy, cách làm. Khi và chỉ khi doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng thay đổi từ tư duy mua bán sang tư duy liên kết, hợp tác, mới nâng cao sức mạnh, tăng được sức cạnh tranh của sản phẩm khi ra thị trường quốc tế

Thái Bình

Bài viết gốc: https://nongnghiep.vn/nhu-cau-nhap-khau-gao-rau-qua-cua-the-gioi-ngay-cang-lon-d387689.html

 

    Nguồn: nongnghiep.vn

    BÌNH LUẬN

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Robot thông minh nhất thế giới có gì đặc biệt?

      Tinh tế đến mức có thể phát hiện sự lo lắng của con người và dẫn dắt tương tác bằng hơn 120 ngôn ngữ khác nhau giúp Xoxe trở thành robot thông minh nhất thế giới.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ