Gắn mã QR cho gần 10.000 cây sầu riêng
Thời gian qua, gần 10.000 cây sầu riêng tại xã Chư K’pô, huyện Krông Búk (Đắk Lắk) của Công ty Cổ phần nông nghiệp CNC Hoàng Mỹ Tây Nguyên đã được triển khai gắn mã QR. Toàn bộ số sầu riêng trên được trồng xen trong các lô cao su thẳng tắp. Đầu lô được doanh nghiệp cắm bảng thể hiện số hàng, số cây và chủng loại sầu riêng. Trên mỗi cây sầu riêng được gắn một mã QR thể hiện tất cả thông tin từ trồng, chăm sóc...
Ông Trần Kim Tiền, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần nông nghiệp CNC Hoàng Mỹ Tây Nguyên cho biết, gần 10.000 cây sầu riêng của doanh nghiệp đã bước sang năm thứ 3 và canh tác theo hướng hữu cơ, gồm 2 giống chính là Dona và Musangking.
Công ty Cổ phần nông nghiệp CNC Hoàng Mỹ Tây Nguyên gắn mã QR cho gần 10.000 cây sầu riêng tại Đắk Lắk. Ảnh: Quang Yên.
Theo ông Tiền, Công ty đã phối hợp với Công ty Cổ phần Tư vấn công nghệ Enviva triển khai chương trình số hóa cây sầu riêng. Đây là hoạt động đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc xây dựng mô hình nông nghiệp thông minh.
“Chúng tôi tin rằng việc kết hợp công nghệ vào nông nghiệp không chỉ là hướng đi đúng mà còn là chìa khóa mở ra cơ hội cũng như sự phát triển bền vững. Chương trình không chỉ có việc số hóa trong quản lý cây sầu riêng mà còn hướng tới việc xây dựng một cộng đồng nông dân sáng tạo, có tư duy đổi mới và xây dựng thương hiệu sầu riêng Việt Nam trên thị trường thế giới.
Việc gắn mã QR sẽ giúp mở ra cánh cửa cho việc truy xuất nguồn gốc, định vị và "cá nhân hoá" từng cây sầu riêng. Từ đó tăng cường niềm tin cũng như nâng giá trị của sản phẩm sầu riêng Việt Nam. Trong đó, nhật ký chăm sóc điện tử sẽ thể hiện toàn bộ quá trình phát triển của cây, giúp cho việc đánh giá chất lượng một cách minh bạch”, ông Tiền chia sẻ.
Mỗi cây sầu riêng được gắn một mã QR để quản lý toàn bộ thông tin trong quá trình sản xuất. Ảnh: Quang Yên.
Theo ông Tiền, doanh nghiệp sẽ không chỉ dừng lại ở việc số hóa quản lý cây sầu riêng mà còn mở ra những triển vọng lớn cho tương lai của ngành nông nghiệp. “Thời gian tới, dự kiến chúng tôi sẽ mở rộng thêm 300.000 cây sầu riêng được gắn mã QR. Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ và phát triển toàn diện cho cây sầu riêng Việt Nam”, ông Tiền nói và cho biết, việc số hóa trong quản lý sản xuất sầu riêng Việt sẽ mở ra "cơ hội kép" khi không chỉ đưa ngành hàng sầu riêng phát triển sản xuất, tiêu thụ một cách minh bạch mà còn từng bước tiếp cận với thị trường tín chỉ carbon.
“Thị trường tín chỉ carbon đang ngày càng trở thành một trong những điểm nóng của nền kinh tế toàn cầu. Với mục tiêu giảm khí thải carbon, canh tác giảm phát thải nhằm bảo vệ môi trường, đồng thời mang lại lợi ích cho người sản xuất hiện nay đang được Chính phủ quan tâm thực hiện”, ông Tiền nói thêm.
Xây dựng sàn giao dịch cho sầu riêng
Hiện nay, ngoài gắn mã QR cho cây sầu riêng, Công ty Cổ phần nông nghiệp CNC Hoàng Mỹ Tây Nguyên còn phối hợp với Công ty Cổ phần Tư vấn công nghệ Enviva xây dựng sàn giao dịch sầu riêng. Đây là bước đột phá cho mặt hàng sầu riêng.
Sàn giao dịch là một nền tảng số ứng dụng công nghệ Blockchain có chức năng số hoá trong quản lý sản xuất cây sầu riêng và truy xuất nguồn gốc, đồng thời kết nối thương mại sầu riêng Việt Nam với các quốc gia khác; quảng cáo và trao đổi các vật tư tiêu hao cho lĩnh vực sản xuất sầu riêng như phân bón, thuốc BVTV; mạng lưới chuyên gia triển khai các hạng mục liên quan đến đào tạo và triển khai quy trình chăm sóc; kết nối nguồn lực lao động cho ngành hàng sầu riêng…
Gần 10.000 cây sầu riêng của Công ty Cổ phần nông nghiệp CNC Hoàng Mỹ Tây Nguyên được trồng theo hướng hữu cơ. Ảnh: Quang Yên.
Theo ông Nguyễn Kim Tiền, việc ứng dụng công nghệ số được thực hiện hầu hết từ khâu trồng, chăm sóc. Các công đoạn canh tác được cập nhập thường xuyên lên nền tảng số.
“Sau này, mỗi cây sầu riêng có bao nhiêu trái, canh tác như thế nào đều thể hiện rõ trên nhật ký số. Tương lai, sàn thương mại sẽ phục vụ cho các trang trại sầu riêng lớn, các doanh nghiệp trên cả nước. Khi lên sàn, các doanh nghiệp muốn mua sầu riêng có thể liên hệ trực tiếp với người dân chứ không cần qua trung gian. Việc này giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho người dân và chính doanh nghiệp thu mua”, ông Tiền chia sẻ.
Ông Tiền cho biết thêm, chuyển đổi số trong canh tác, thương mại mặt hàng sầu riêng có vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ cấu lại ngành hàng này theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng và bền vững, khẳng định giá trị trên thị trường quốc tế.
Chuyển đổi số là giải pháp quan trọng giúp nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông sản chất lượng với chi phí thấp nhất, nhưng đạt lợi nhuận cao nhất. Mục tiêu này cũng đang được các ngành, địa phương và các doanh nghiệp, người dân đẩy mạnh với kỳ vọng tạo được sự đột phá về năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cho nông sản.
"Sàn giao dịch này không chỉ là nơi để mua bán sản phẩm mà còn là một nền tảng lớn mở ra cánh cửa của thị trường quốc tế, nơi mà nhu cầu về sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao đang tăng cao. Điều này mang lại cơ hội lớn cho việc mở rộng quan hệ thương mại và phát triển kinh doanh toàn cầu", ông Tiền nói.
Ngoài số hóa trong canh tác, Công ty Cổ phần nông nghiệp CNC Hoàng Mỹ Tây Nguyên đang triển khai xây dựng sàn thương mại điện tử để giao dịch sầu riêng. Ảnh: Quang Yên.
Ông Vũ Đức Côn, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk cho biết, thời gian qua, ngành hàng sầu riêng đối mặt với nhiều thách thức. Do đó, nếu các cấp, các ngành không sớm hành động sẽ ảnh hướng rất lớn đến sự phát triển bền vững.
Theo ông Côn, để ngành hàng sầu riêng phát triển bền vững, cần phải hướng tới sự minh bạch. “Khi được minh bạch hóa, người tiêu dùng, nước nhập khẩu mới yên tâm. Minh bạch thì người sản xuất mới có trách nhiệm, những người sản xuất không tốt sẽ lộ diện, còn trường hợp làm tốt cũng sẽ được biết đến nhiều hơn. Để minh bạch thì điều tiên quyết là phải số hóa. Khi thực hiện số hóa quy trình quản lý canh tác, chất lượng sản phẩm sẽ được thể hiện”, ông Côn nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, địa phương xác định chuyển đổi số trong nông nghiệp là quá trình thay đổi mô hình sản xuất lấy công nghệ làm nền tảng. Chuyển đổi số có vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh. Thời gian qua, Sở đã chủ động tuyên truyền, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận, ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, nhiều nông dân đã tiếp cận với phương pháp canh tác tiên tiến, tăng cường năng lực quản lý và giám sát quy trình sản xuất. “Chúng tôi cũng đã kiến nghị tỉnh cho chủ trương xây dựng đề án hệ thống hoá lại những nội dung cần thiết phải làm và cần kết nối chuyển đối số trong nông nghiệp để có thể ứng dụng phù hợp trong thực tiễn sản xuất cũng như thực tiễn quản lý”, ông Nguyễn Hoài Dương chia sẻ. |
BÌNH LUẬN