A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Một nông dân ở Đắk Nông "ôm mộng" xuất khẩu công nghệ nuôi ong

14:49 | 19/06/2024

Ông Nguyễn Chí Anh, xã Đắk Hòa, huyện Đắk Song (Đắk Nông) có 30 năm làm nghề nuôi ong và đang nuôi mộng xuất khẩu công nghệ ở lĩnh vực này.

Đam mê với con ong

Ông Nguyễn Chí Anh năm nay 65 tuổi và từng tốt nghiệp chuyên môn Côn trùng học - Bảo vệ thực vật của Trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội, khóa 1977-1981. Ông từng được các chuyên gia của Nga dạy về kỹ thuật nuôi ong.

Năm 1998, khi còn công tác ở Lâm trường Đắk Mol, ông bắt đầu thí điểm nuôi ong để tạo việc làm cho công nhân nhưng thất bại. Đến năm 2004, ông nuôi ong để phát triển kinh tế gia đình.

“Lúc đó, tôi phải bán vườn rẫy, vay tiền đi Việt Bắc mua 1 tạ ong để xem các bước ong đi lấy hoa. Đam mê và được học hành bài bản, nhưng tôi phải mất hơn 10 năm mất mát, thiệt hại nhiều về thời gian, kinh tế mới nuôi ong thành công”, ông Anh nhớ lại.

Ông Nguyễn Chí Anh, xã Đắk Hòa, huyện Đắk Song (Đắk Nông) đang “nuôi mộng” xuất khẩu trí tuệ từ nghề nuôi ong

Năm 2017 đánh dấu mốc son phát triển nghề nuôi ong của ông Anh. “Năm đó, tôi từ Tây Nguyên ra Hà Nội. Ông Nguyễn Xuân Cường, khi ấy đang là Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nói với tôi sang Campuchia ít năm làm chuyên gia giúp các tiến sĩ bên đó để phát triển ngành nghề nuôi ong. Từ lúc đó, tôi mới biết chi tiết, kỹ lưỡng về con ong, nghề nuôi ong”, ông Anh kể.

Theo ông Anh, mỗi năm Campuchia mua của Việt Nam khoảng 20.000 đàn ong nhưng họ chưa chủ động được con giống. Ở Campuchia chủ yếu nuôi ong kiểu quảng canh. Họ mua ong của Việt Nam và chỉ lấy được 1 đợt mật thôi nhưng siêu lợi nhuận vì bán giá rất cao, khoảng 15-20 USD/lít mật.

"Có những người ở Campuchia chỉ nuôi khoảng 50-70 đàn thôi nhưng bán mật giá đó thì họ giàu hơn bên mình rất nhiều. Trong khi đó, ở Việt Nam giá bán sỉ mật ong chỉ khoảng 50.000 đồng/lít, bán lẻ 80.000 đồng/lít. Từ đó, tôi có ý định phát triển quy mô nuôi ong của gia đình. Bên cạnh phục vụ thị trường trong nước thì tôi xuất khẩu ong giống sang Campuchia”, ông Anh tâm sự.

Bên cạnh cung cấp ong giống thì ông Nguyễn Chí Anh, xã Đắk Hòa, huyện Đắk Song (Đắk Nông) còn có mật ong, sữa ong chúa, mật ong nguyên tầng

Những năm qua, mỗi năm ông Anh sản xuất khoảng 500 thùng ong, diện tích đất để nuôi khoảng 1.000m2. Ông có trại ong giống trên 200 thùng, giá bán trung bình khoảng 1,5 triệu đồng/thùng.

Mỗi năm, ông sản xuất khoảng 10 tấn mật ong, tương đương 9.000 lít. Tính ra mỗi năm ông đầu tư vốn khoảng 500 triệu đồng, trừ chi phí, ông thu lời trên 250 triệu đồng.

Nói về gắn bó với con ong, ông Anh cười rạng rỡ: “Tôi rất mê ong! Tôi có thể bán vườn rẫy để nuôi ong. Nhưng khi nuôi ong rồi thì tôi không bán ong để làm vườn được”.

Ôm ấp ý tưởng lớn

Theo ông Anh, ở Việt Nam, mùa nào cũng có các loại hoa để ong hút mật. Trong đó, tại Tây Nguyên có hoa cà phê, điều, cao su; các tỉnh phía Bắc có hoa nhãn, vải…

“Mật ong của Việt Nam có hương vị tự nhiên từ các loại hoa. Điều này tạo ra sự khác biệt, đặc sắc về chất lượng mật ong của nước ta so với mật ong trên thế giới. Từ đó, tôi đã và đang đầu tư để xuất khẩu trí tuệ lĩnh vực này”, ông Anh phân tích.

Trang trại ong của ông Nguyễn Chí Anh, xã Đắk Hòa, huyện Đắk Song (Đắk Nông) có quy mô rất bề thế

Từ nghề nuôi ong, ông Anh nuôi 4 người con học đại học. Hiện tại, ông đầu tư cho con trai học xong đại học cùng ngành với mình và đang tạo điều kiện học cao học về ngành nuôi ong ở Thổ Nhĩ Kỳ.

“3 năm nữa, sau khi con trai học xong cao học, chúng tôi sẽ đào tạo nhân lực để xuất khẩu công nghệ nuôi ong. Chúng tôi sẽ hướng dẫn kỹ thuật nuôi ong cho thế giới. Hiện tại, chúng tôi đang chuẩn bị thành lập các trang trại ong quốc tế và đưa người sang làm, bán mật tại các quốc gia”, ông Anh chia sẻ.

Trong nước, ông Anh đang tập trung các hộ nuôi ong để liên kết phát triển thành tổ hợp tác, HTX. “Để sản xuất được 1 lít mật ong, người nuôi đầu tư khoảng 30.000 đồng, nếu bán lẻ 80.000 đồng thì có lợi nhuận. Mỗi gia đình có tay nghề chỉ cần nuôi từ 100-200 thùng ong mỗi năm là kinh tế khá, giàu”, ông Anh vui vẻ chia sẻ.

Ngoài làm giàu cho gia đình, mỗi năm ông Anh tạo việc làm cho 5-7 lao động với thu nhập ổn định từ 8-12 triệu đồng/người/tháng.

Ông Anh chia sẻ, hiện nay nước ta chưa quan tâm đầu tư, phát triển ngành ong. Do đó, ông mong muốn các cấp chính quyền quan tâm, hỗ trợ phát triển ngành nuôi ong tốt hơn.

Phan Thanh Nga

Bài viết gốc: https://baodaknong.vn/mot-nong-dan-o-dak-nong-om-mong-xuat-khau-cong-nghe-nuoi-ong-217589.html

    Nguồn "Báo Đắk Nông điện tử"

    BÌNH LUẬN

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Robot thông minh nhất thế giới có gì đặc biệt?

      Tinh tế đến mức có thể phát hiện sự lo lắng của con người và dẫn dắt tương tác bằng hơn 120 ngôn ngữ khác nhau giúp Xoxe trở thành robot thông minh nhất thế giới.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ