A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02

Nỗ lực đưa sản phẩm lúa gạo vươn xa

14:08 | 20/06/2024

Cũng mảnh ruộng ấy, vẫn là các loại cây trồng cũ nhưng với tư duy sản xuất mới, cách làm mới, Hợp tác xã (HTX) Thương mại dịch vụ nông, lâm nghiệp Tấn Hưng (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc) đã tạo nên bước đột phá về năng suất,...

... chất lượng, đưa sản phẩm lúa gạo vươn ra thị trường lớn.

Tư duy sản xuất mới

Năm 1992, anh Vi Văn Mừng (SN 1986, dân tộc Sán Chay) từ tỉnh Bắc Giang vào thôn 9 (xã Vụ Bổn) xây dựng kinh tế mới. Anh bắt tay khai hoang cánh đồng hoang đầy cỏ để trồng lúa, các cây trồng ngắn ngày như ngô, đậu…; đồng thời làm thương lái thu mua lúa.

Sau nhiều năm, gia đình anh Mừng sở hữu 2 ha đất trồng lúa nhưng chỉ trồng các loại giống “lúa ngang” (các giống lúa có chất lượng, năng suất thấp) nên giá trị kinh tế không cao. Anh Mừng đã tìm đến các đơn vị chuyên môn đưa giống lúa Đài thơm 8, ST24, ST25 về trồng trên diện tích đất của gia đình. Thấy các loại lúa này chất lượng tốt, năng suất cao lại được giá hơn các giống lúa khác nên anh vận động người dân địa phương cùng trồng.

Vụ sản xuất lúa đông xuân 2023 - 2024 bội thu của Hợp tác xã Thương mại dịch vụ nông, lâm nghiệp Tấn Hưng

Công việc thu mua lúa của anh Mừng gặp nhiều khó khăn, muốn bán được lúa cho doanh nghiệp lớn thì phải có tư cách pháp nhân. Chính vì vậy, tháng 7/2023, HTX Thương mại dịch vụ nông, lâm nghiệp Tấn Hưng được thành lập với 9 thành viên, do anh Vi Văn Mừng làm Giám đốc.

HTX thành lập đi vào hoạt động ngoài định hướng tập trung sản xuất 3 loại giống lúa chất lượng cao là Đài thơm 8, ST24, ST25, anh Mừng còn liên hệ với các đơn vị cung ứng vật tư, chuyên gia tổ chức nhiều hội thảo đầu bờ, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân để nắm vững kỹ thuật canh tác. Nhờ đó, thành viên HTX mạnh dạn hơn trong sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư thâm canh tăng vụ, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau về giống, vốn… nhằm phát triển vùng trồng lúa.

Anh Mừng cho biết thêm, sản xuất các loại lúa đặc sản ST đòi hỏi công tác thủy lợi phải bảo đảm. Tuy nhiên, tại địa phương thường xuyên xảy ra nắng nóng kéo dài khiến nhiều diện tích bị khô hạn dẫn đến mất trắng. HTX đã đứng ra vận động người dân khoan giếng, chủ động dẫn nước từ các ao, hồ gần ruộng chống hạn. Riêng vụ đông xuân năm 2023 - 2024 đã có hơn 100 giếng được đào nhằm cung cấp đủ nước cho lúa phát triển.

Hiện HTX có 9 thành viên và 88 thành viên liên kết (100% là người dân tộc thiểu số) với 200 ha diện tích trồng lúa đặc sản Đài thơm 8, ST24, ST25. HTX hoạt động liên kết, cung ứng vật tư nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm lúa cho thành viên HTX và nông dân trồng lúa các huyện lân cận như Krông Bông, Ea Kar…

Khấm khá với nghề trồng lúa

Với tư liệu sản xuất là đất đai, những nông dân ở xã Vụ Bổn đã biến những đồng đất hoang hóa, kém hiệu quả trở thành những cánh đồng mang lại giá trị kinh tế cao.

Ông Đàm Văn An (ở thôn 9) thành viên HTX cho biết, gia đình ông xưa nay vẫn sống bằng nghề trồng lúa, nhưng do giống lúa kém, lại không biết áp dụng quy trình canh tác khoa học nên năng suất thấp, nhiều năm liền thuộc diện hộ nghèo của xã. Kể từ khi tham gia vào HTX Thương mại dịch vụ nông, lâm nghiệp Tấn Hưng, trồng các giống lúa theo định hướng của HTX, và được hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc lúa, bao tiêu sản phẩm… nên kinh tế gia đình dần khởi sắc. Hiện gia đình ông đang sở hữu 5 ha lúa; năng suất lúa có thời điểm đạt trên 12 tấn/ha, gấp đôi so với trước đây. Cũng nhờ đó, gia đình ông đã có của ăn của để.

Giám đốc HTX thương mại dịch vụ nông, lâm nghiệp Tấn Hưng Vi Văn Mừng (bên phải) kiểm tra cánh đồng mới gieo sạ tại thôn 9 (xã Vụ Bổn)

Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông, lâm nghiệp Tấn Hưng Vi Văn Mừng khoe, từ khi thành lập HTX, các doanh nghiệp, nhà máy chế biến lúa gạo thường xuyên liên hệ với HTX để liên kết thu mua lúa của các thành viên nên HTX không cần tìm đầu ra. Hiện nay, trung bình mỗi năm HTX thu được 10.000 tấn lúa tươi, được nhà máy tại các tỉnh Long An, Cần Thơ, Đồng Tháp… mua ngay tại ruộng với giá 10.000 - 10.500 đồng/kg. Có thời điểm, nhiều đơn vị, doanh nghiệp sẵn sàng mua lúa do HTX sản xuất ra với giá cao hơn thị trường 100 - 200 đồng/kg.

Không phải là vùng sản xuất lúa nước có truyền thống, song tỉnh Đắk Lắk đang được đánh giá là vùng có điều kiện thổ nhưỡng giúp cây lúa đạt chất lượng cao so với nhiều vùng trong cả nước. Nắm bắt thời cơ đó, HTX Thương mại dịch vụ nông, lâm nghiệp Tấn Hưng đang thực hiện sản xuất lúa chất lượng cao, tiến đến xây dựng sản phẩm gạo OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), trở thành vùng chuyên canh lúa chất lượng cao của địa phương.

Hồng Nhung

Bài viết gốc: https://www.baodaklak.vn/kinh-te/202406/no-luc-dua-san-pham-lua-gao-vuon-xa-5801764/

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Tháng 10

      Robot thông minh nhất thế giới có gì đặc biệt?

      Tinh tế đến mức có thể phát hiện sự lo lắng của con người và dẫn dắt tương tác bằng hơn 120 ngôn ngữ khác nhau giúp Xoxe trở thành robot thông minh nhất thế giới.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ