A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Thực hiện đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”:còn lắm gian nan

08:53 | 12/09/2013

Kỳ II: Hiệu quả đào tạo nghề đã tương xứng với nguồn lực đầu tư?

Dak Lak có tổng số dân hơn 1,8 triệu người, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động chiếm 63%. Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh đến năm 2020” do UBND tỉnh phê duyệt năm 2011 đặt ra mục tiêu: bình quân mỗi năm dạy nghề cho khoảng 9.000 lao động nông thôn; trên 80% số người sau đào tạo có việc làm hoặc nâng cao hiệu quả làm việc. Song thực tế, số lượng, ngành nghề đào tạo và đầu ra sau học nghề hiện vẫn đạt thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu và nguồn lực đầu tư.

Từ số lượng, ngành nghề đào tạo

Kết quả điều tra, khảo sát nhu cầu dạy nghề cho lao động nông thôn năm 2010 cho thấy: giai đoạn 2010 – 2015 toàn tỉnh có khoảng 121.000 người có nhu cầu học nghề; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có nhu cầu sử dụng khoảng 14.400 lao động. Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực qua đào tạo, thời gian qua tỉnh đã chú trọng đầu tư, phát triển hệ thống cơ sở dạy nghề, từ 24 cơ sở dạy nghề năm 2006, đến nay toàn tỉnh đã có 44 cơ sở dạy nghề. Trong số 14 cơ sở dạy nghề công lập cấp huyện, có 10 cơ sở được thành lập sau khi có Quyết định 1956 và đã được Trung ương, địa phương đầu tư hơn 93,4 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy nghề. Tuy nhiên, qua hơn 3 năm thực hiện Đề án 1956 (từ năm 2010 đến hết tháng 6-2013), toàn tỉnh mới chỉ tổ chức được 296 lớp dạy nghề cho 9.941 lao động nông thôn, tức bình quân mỗi năm đào tạo khoảng 3.000 người. Con số này thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu của đề án (bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho 9.000 lao động nông thôn) và cả số lao động có nhu cầu học nghề. Trong khi đó, theo mục tiêu chung của Đề án 1956 của tỉnh, đến năm 2015 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 40%, nhưng trong Quyết định số 285/QĐ-UBND ngày 31-1-2013 của UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình Việc làm và Dạy nghề tỉnh giai đoạn 2012-2015, trong 4 năm toàn tỉnh sẽ chỉ đào tạo cho 6.400 lao động nông thôn, nghĩa là trung bình mỗi năm đào tạo 1.600 người, thấp hơn nhiều so với mục tiêu chung của Đề án. Điều này cho thấy nghịch lý là các trung tâm dạy nghề cấp huyện được đầu tư một nguồn kinh phí lớn để xây dựng cơ sở vật chất (mỗi trung tâm từ 9-12 tỷ đồng) với quy mô đào tạo 300 - 500 học viên/năm nhưng thực tế chỉ tiêu đào tạo chỉ đề ra 1.600 lao động nông thôn/năm, thì 14 trung tâm dạy nghề cấp huyện chỉ còn biết ngồi nhìn khối tài sản được đầu tư hàng chục tỷ đồng “đắp chiếu” (bởi bình quân mỗi Trung tâm chỉ đào tạo 114 học viên/năm). Lý giải vấn đề này, ông Phan Trọng Tùng, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết: theo Đề án 1956, lao động nông thôn thuộc các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, dân tộc thiểu số, tàn tật, bị thu hồi đất canh tác… sẽ được đào tạo nghề miễn phí; có nghĩa là việc tổ chức các lớp dạy nghề phụ thuộc rất lớn vào nguồn kinh phí được hỗ trợ. Tuy nhiên, nguồn kinh phí này đã thấp lại giải ngân chậm. Đơn cử qua các năm: năm 2010, kinh phí được cấp dạy nghề miễn phí cho các đối tượng là 6 tỷ đồng (đào tạo cho 2.296 người); năm 2011 là hơn 5 tỷ đồng (dạy nghề cho 2.135 lao động); năm 2012, dựa theo nhu cầu thực tiễn, kế hoạch đề ra là tổ chức 234 lớp dạy nghề cho 8.136 lao động với dự toán nguồn kinh phí 24 tỷ đồng, nhưng nguồn vốn Trung ương chỉ cấp 4,5 tỷ đồng, bằng 17% dự toán, nên chỉ đào tạo được 1.714 lao động nông thôn.

Giờ thực hành của lớp Sửa chữa xe gắn máy tại Trung tâm dạy nghề huyện Cư M’gar.

Một bất cập nữa trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là cơ cấu ngành nghề đào tạo. Theo mục tiêu của Đề án 1956, cần tập trung đào tạo nghề phi nông nghiệp, tạo điều kiện cho lao động nông thôn chuyển đổi từ nông nghiệp sang các ngành kỹ thuật, công nghệ, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp nhằm thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các nghề phi nông nghiệp hiện nay đang rất khó tìm người học. Năm 2013, Trung tâm Dạy nghề huyện Ea Kar được giao chỉ tiêu tổ chức 3 lớp dạy nghề phi nông nghiệp gồm: Công nghệ ô tô, Cắt gọt kim loại và Nấu ăn. Tuy nhiên, sau hơn 2 tháng tuyển sinh chỉ có 8 học viên đăng ký học 3 nghề trên nên trung tâm không thể tổ chức được các lớp học. Vì vậy, để các thiết bị dạy nghề may mặc, sửa chữa xe máy, ô tô, hàn, điện kỹ thuật, cắt gọt kim loại không bị hư hỏng, trung tâm đã linh động mở và cho thuê lại xưởng mộc vừa làm mô hình cho học viên tham quan, vừa có thêm kinh phí duy tu, bảo dưỡng các thiết bị. Còn đối với 5 lớp dạy nghề nông nghiệp do Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn, UBND huyện hỗ trợ kinh phí đều đã tuyển sinh đủ và tổ chức khai giảng lớp học. Theo Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Nguyễn Ngọc Sơn, công tác dạy nghề của các trung tâm đang gặp phải nghịch lý ở chỗ, những nơi, những nghề được trang bị đủ cơ sở vật chất, thiết bị, học liệu và hỗ trợ cả kinh phí thì không tuyển được học viên, và ngược lại. Do vậy, nên chăng cần quy hoạch lại để hình thành trung tâm dạy nghề cho các cụm huyện và luân chuyển thiết bị dạy nghề với nhau nhằm phát huy tối đa hiệu quả. 

Đến việc làm sau học nghề

Sở dĩ công tác tuyển sinh học nghề phi nông nghiệp của hầu hết các trung tâm dạy nghề đang gặp nhiều khó khăn là do học viên khó tìm được việc làm sau đào tạo.  Anh Y Phong Adrơng ở buôn Mấp (thị trấn Ea Pôk, huyện Cư M’gar) là học viên lớp Sửa chữa xe máy khóa đầu tiên năm 2012 tại Trung tâm Dạy nghề huyện Cư M’gar. Sau 6 tháng học nghề, anh đã đi xin việc ở một số nơi nhưng không được, trong khi bản thân không đủ vốn mở tiệm riêng nên anh đành ở nhà phụ gia đình làm nương rẫy. Trong khi đó, 5 học viên khác của lớp này đã được trung tâm dạy nghề huyện giới thiệu vào làm việc ở một doanh nghiệp chuyên bán xe gắn máy tại thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M’gar) với mức lương khởi điểm 1,5 triệu đồng/tháng, được chủ lo chỗ ăn, ở, mua bảo hiểm y tế nhưng chỉ sau vài tháng làm việc, các em đã bỏ về hết. Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Cư M’gar Nguyễn Ngọc Giao cho biết, với những nghề phi nông nghiệp, địa phương chưa có khu công nghiệp để thu hút lao động nên phần lớn học viên sau đào tạo phải tự loay hoay đi tìm việc làm ở nơi khác. Trong khi đó, tâm lý của nhiều lao động nông thôn nhất là đồng bào dân tộc thiểu số lại không muốn xa gia đình hoặc “ly nông bất ly hương” nên cũng ảnh hưởng đến công tác giải quyết việc làm sau đào tạo. Hơn nữa, số lao động nông thôn tự tạo việc làm mới sau học nghề đạt thấp một phần cũng do khó tiếp cận với nguồn vốn vay (hơn 3 năm qua toàn tỉnh mới chỉ có 100 lao động sau đào tạo được hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất); sự liên kết giữa các cơ sở đào tạo nghề, các doanh nghiệp và chính quyền địa phương trong công tác giải quyết việc làm sau đào tạo nghề vẫn còn lỏng lẻo.

Theo số liệu tổng hợp của Sở LĐTBXH, trong số 9.941 lao động nông thôn đã được đào tạo nghề, có 5.757 người được đào tạo nghề phi nông nghiệp nhưng tỷ lệ có việc làm chỉ khoảng 61%; nhưng đối với 4.184 người học nghề nông nghiệp thì có đến 93,2% lao động có việc làm hoặc tiếp tục làm nghề cũ, năng suất lao động được nâng lên, tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao được thu nhập. Rõ ràng là việc tập trung dạy nghề phi nông nghiệp nhằm tạo việc làm, chuyển nghề, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống là hướng đi và mục tiêu đúng đắn của Đề án 1956 mà tỉnh ta đang hướng đến, nhưng trong giai đoạn hiện nay, khi cơ cấu kinh tế của tỉnh chưa có sự chuyển dịch mạnh mẽ, công nghiệp - dịch vụ chưa phát triển, các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, khu chế xuất chưa nhiều, trong khi 70% dân số lại sống bằng sản xuất nông nghiệp, thì việc tập trung đào tạo nghề phi nông nghiệp liệu có thực sự phát huy hiệu quả? Tại buổi làm việc của Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc quốc hội với UBND tỉnh Dak Lak trong tháng 8 vừa qua, các thành viên trong Đoàn cho rằng: tỉnh đã triển khai đúng mục tiêu của Đề án nhưng cần linh hoạt hơn trong việc sắp xếp, cơ cấu ngành nghề đào tạo, chuyển từ đào tạo nghề theo năng lực sẵn có của các cơ sở dạy nghề sang đào tạo theo nhu cầu của lao động nông thôn và yêu cầu của thị trường lao động; gắn đào tạo nghề với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh… Có như vậy mới giải quyết được bài toán đầu ra sau học nghề. Song song với công tác đào tạo nghề cần chú trọng giáo dục ý thức, tác phong công nghiệp cho người lao động; nâng cao hiệu quả hoạt động giao dịch việc làm trên thị trường thông qua quy hoạch tổng thể hệ thống Trung tâm giới thiệu việc làm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đưa thông tin việc làm đến tận vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

(Còn nữa)

 Nguyễn Xuân

    Nguồn: Báo Đắk Lắk điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ