A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Lại rầm rộ phá rừng Tây Nguyên: Nhẹ tay xử lý cán bộ

07:41 | 04/12/2017

Không chỉ nhẹ tay trong xử lý cán bộ để mất rừng, một số địa phương còn có tình trạng trên bảo xử nặng, dưới không nghe

Thực hiện các giải pháp bảo vệ và phát triển rừng Tây Nguyên để ứng phó với biến đổi khí hậu, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xử lý nghiêm các chủ rừng, kiểm lâm thiếu trách nhiệm để rừng bị phá; quy trách nhiệm chủ tịch UBND xã, huyện nơi để xảy ra tình trạng phá rừng. Tuy nhiên thực tế, nhiều tỉnh ở Tây Nguyên không kiên quyết xử lý trách nhiệm của những cá nhân liên quan trong việc để mất rừng.

Rừng mất hàng loạt, chủ rừng vô can

Tại tỉnh Đắk Lắk, tình trạng phá rừng thời gian qua xảy ra hết sức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong khi tỉnh Đắk Nông đã khởi tố nhiều lãnh đạo các công ty lâm nghiệp nhà nước, kỷ luật nặng các chủ tịch UBND xã để mất rừng thì tỉnh Đắk Lắk chưa khởi tố cán bộ nào. Thậm chí, từ đầu năm đến nay, sau khi báo chí phản ánh tình trạng mất rừng tràn lan trên địa bàn huyện Ea Súp, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo tỉnh Đắk Lắk vào cuộc xử lý nghiêm nhưng đến nay vẫn chưa có chủ rừng nào bị khởi tố.

Lại rầm rộ phá rừng Tây Nguyên: Nhẹ tay xử lý cán bộ - Ảnh 1.

Rừng do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Cư M’lan quản lý bị tàn phá, xâm chiếm

Đơn cử, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Cư M’lan (Công ty Công ty M’lan; hiện đã cổ phần hóa - PV) trước đây được giao quản lý khoảng 14.000 ha đất rừng nhưng do buông lỏng quản lý nên đến nay, phần lớn diện tích rừng bị tàn phá, đất bị người dân xâm chiếm trái phép. Ông Nguyễn Văn Quyến - Trưởng Phòng Sản xuất Bảo vệ rừng Công ty TNHH Chế biến Thực phẩm và Lâm nghiệp Đắk Lắk, nguyên Phó Giám đốc Công ty Cư M’lan - thừa nhận thời kỳ công ty này nhận quản lý, rừng còn bạt ngàn. "Rừng trước đây do Công ty M’lan quản lý thì mất hết rồi. Hiện chỉ còn khoảng 700 ha đất rừng, còn lại hơn 13.000 ha bị lấn chiếm" - ông Quyến nói.

Thừa nhận tình trạng phá rừng nghiêm trọng nhưng việc xử lý các cá nhân liên quan chưa nghiêm, ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, cho biết trong nhiều cuộc họp, ông đã đề nghị cơ quan công an vào cuộc xử lý nghiêm tình trạng để mất rừng. "Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã có ý kiến vì sao tỉnh Đắk Nông đã khởi tố nhiều chủ rừng để mất rừng mà Đắk Lắk không làm được; đồng thời chỉ đạo cơ quan công an rà soát lại toàn bộ các vụ mất rừng, nếu đủ căn cứ xử lý hình sự thì phải xử lý theo quy định" - ông Dương nói.

Tuy nhiên, ông Dương cũng giải thích thêm: Việc khởi tố các chủ rừng cũng rất khó vì phải xác định được hành vi cụ thể mà việc này thì ngoài chức năng của sở. Cụ thể, phải chứng minh được hành vi buông lỏng quản lý hoặc tiếp tay, làm ngơ cho việc phá rừng như thấy người phá rừng mà không ngăn chặn, không lập biên bản hoặc không báo cáo cho lực lượng chức năng…

Trên bảo dưới không nghe

Đắk Nông được xem là tỉnh kiên quyết xử lý cán bộ thiếu trách nhiệm để rừng bị tàn phá. Có hàng trăm cán bộ kiểm lâm, bảo vệ rừng, cán bộ xã bị xử lý; 6 doanh nghiệp cùng nhiều lãnh đạo bị khởi tố. Tuy nhiên, gần đây ở tỉnh này đã xuất hiện tình trạng nhẹ tay trong xử lý cán bộ để mất rừng với diện tích lớn. Khi bị UBND tỉnh "tuýt còi" thì lại đưa ra nhiều lý do để bao biện cho sai phạm.

Cụ thể, tháng 11-2017, UBND tỉnh Đắk Nông có văn bản yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện Đắk G’long, Đắk Song tổ chức kiểm điểm lại, nâng mức kỷ luật đối với những cá nhân, tập thể để mất rừng. Theo đó, ông Lê Văn Hà, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đắk G’long, bị kỷ luật hình thức "khiển trách". Tuy nhiên, trên địa bàn huyện này để mất 83,3 ha rừng, đối chiếu theo quy định của Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông thì ông Hà phải bị "giáng chức". Tương tự, ông Nguyễn Đình Dân, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Song, để mất rừng 46,6 ha rừng chỉ bị "kiểm điểm rút kinh nghiệm" thay vì "cảnh cáo".

Bên cạnh đó, tỉnh yêu cầu xem xét lại hình thức kỷ luật đối với ông Nguyễn Hữu Tầm, Chủ tịch UBND xã Nâm N’Jang và ông Phạm Quốc Thụy, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân (huyện Đắk Song). Hai chủ tịch xã này chỉ bị "kiểm điểm rút kinh nghiệm" trong khi ông Tầm để mất 48,6 ha rừng, ông Thụy để mất 2,1 ha rừng.

Đặc biệt, ông Đỗ Ngọc Hiếu, Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn (huyện Đắk G’long), để mất 68,2 ha rừng, thay vì phải bị kỷ luật "cách chức" nhưng cơ quan chức năng chỉ "kiểm điểm rút kinh nghiệm" đối với ông Hiếu. Ngày 24-11, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Nam Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk G’long, cho biết: Sau khi được công văn chỉ đạo của UBND tỉnh, Hội đồng Kỷ luật UBND huyện đã thi hành kỷ luật ông Đỗ Ngọc Hiếu với hình thức "cảnh cáo".

Lý giải về việc vì sao trên bảo "cách chức" nhưng dưới chỉ "cảnh cáo", ông Thuần phân trần: Trong phân công nhiệm vụ thì việc để mất rừng còn có trách nhiệm của phó chủ tịch UBND xã Quảng Sơn phụ trách mảng lâm nghiệp. UBND tỉnh có chỉ đạo như thế nhưng sau khi xem xét nhiều vấn đề khách quan, chủ quan thì UBND huyện xử lý hình thức "cảnh cáo". Bên cạnh đó, hiện nay UBND xã Quảng Sơn chỉ còn 1 chủ tịch và 1 phó chủ tịch (1 phó chủ tịch mới bị cách chức vì dùng bằng giả - PV), đối với chính quyền một địa phương mà làm mạnh tay một lúc thì không ổn. "Quảng Sơn là một trong những địa bàn nóng nên mình xử lý quá thì phát sinh nhiều vấn đề không lường trước được" (!?) - ông Thuần nói.

Theo Chi cục Kiểm lâm vùng IV, diện tích rừng tự nhiên của khu vực Tây Nguyên giảm hơn 11.000 ha so với năm 2015.

 

Thiệt hại hàng trăm tỉ đồng

Trong thời gian qua, tỉnh Đắk Nông đã thu hồi 15 dự án giao đất rừng với tổng diện tích hơn 9.900 ha. Các dự án này buông lỏng quản lý bảo vệ rừng dẫn đến hơn 4.700 ha rừng bị tàn phá. Theo tính toán sơ bộ, giá trị thiệt hại tài nguyên rừng đối với 17 dự án (cả dự án chưa thu hồi) là 272 tỉ đồng. Tại tỉnh Lâm Đồng, có 67 dự án giao đất rừng bị thu hồi với tổng diện tích hơn 25.000 ha. Đây là các dự án chậm tiến độ, để rừng bị phá, lấn chiếm…

Bài và ảnh: CAO NGUYÊN

 

    Nguồn: Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ