A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Xoa dịu vết thương bom mìn (Kỳ 1)

14:18 | 18/10/2018

Kỳ 1: Những hiểm họa từ bom mìn

Dù đã được các ngành chức năng quan tâm, chung tay khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, nhưng đâu đó trên đất nước ta nói chung và ở Đắk Lắk nói riêng, bom mìn, vật liệu nổ vẫn nằm rải rác khắp nơi trong lòng đất. Nỗi đau do bom mìn gây ra chưa có dấu hiệu dừng lại, gây ra những hậu quả nặng nề cho chính nạn nhân, gia đình và xã hội.

Từ huyện vùng sâu…

Về vùng căn cứ cách mạng huyện Krông Bông, nhìn khung cảnh thanh bình hôm nay, ít ai biết nơi đây vẫn chưa dứt những mối họa bom mìn thời chiến còn sót lại.

Cách đây ít năm, một vụ nổ xảy ra trên địa bàn xã Yang Reh làm chấn động cả buôn làng. Trong một lần lên rẫy, ông Bùi Viết Thuần vô tình nhặt được quả đạn pháo 105 mm. Dự tính ban đầu sẽ trình báo cơ quan chức năng, nhưng rồi cái nghèo đã xui khiến ông nhắm mắt làm liều đem cưa quả đạn ra để bán sắt vụn. Hậu quả là sau tiếng nổ long trời, ông Thuần bị cụt mất một cánh tay, còn người con rể Lê Hoàng Giang bị cụt chân. Nhớ lại thời điểm kinh hoàng ấy, ông Thuần vẫn chưa hết hãi hùng: “May mà trời vẫn còn thương, quả đạn chỉ nổ kíp đầu, toác làm ba, chứ nó mà tanh bành thì cả người rồi nhà ở, chuồng heo, giếng nước chắc cũng thành cát bụi…”.

Lực lượng công binh phối hợp Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cư M'gar xử lý một quả bom lớn

Cuối tháng 8-2018, anh Y Hà Êban, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Cư Đrăm nhận được tin báo người dân phát hiện hai quả lựu đạn trong lúc làm nương rẫy (nơi giáp ranh xã Cư Đrăm và xã Yang Mao). Điều đáng nói, khu vực rẫy này do Ama Meo sử dụng, canh tác gần chục năm, nhưng đến nay mới phát hiện thấy vật liệu nổ. Quan sát kỹ, hai quả lựu đạn do rơi xuống đất lâu năm nên vỏ bị gỉ sét, nhưng kíp và ngòi nổ vẫn còn nguyên vẹn, nếu không cẩn trọng thì khả năng sát thương khá lớn.

Từng là quân nhân, trải qua nhiều cương vị chủ chốt tại địa phương nên gần như mọi hoạt động diễn ra trên địa bàn xã Cư Đrăm, Ama Tuyên đều rất tường tận. Ông kể, thời điểm khi đất nước vừa hòa bình, người dân Krông Bông dễ dàng nhìn thấy các loại vật nổ, bom đạn vương vãi khắp nơi, từ ven sông suối, trên đồi, nương rẫy đến ruộng vườn. Bởi đời sống khổ cực, nhiều gia đình đã tận dụng vỏ đạn, bom để chế thành các vật dụng sinh hoạt. Năm 1983, người dân trong buôn lấy đế vỏ bom để làm giá rèn dao, do vẫn còn kíp phụ nên khi bị tác động chúng đã phát nổ khiến một người chết tại chỗ, hai người bị thương nặng. Sau một số vụ tang tóc tương tự, nỗi ám ảnh chết chóc, thương tật khiến người dân đành chọn mưu sinh bằng cách khác. Khi phát hiện bom mìn, họ báo ngay cho chính quyền địa phương. Năm 2010, khi phát hiện quả đạn cối 60 mm, người dân đã lập tức thông tin cho lực lượng chức năng tiếp quản hiện trường để xử lý.

Địa điểm phát hiện hai quả lựu đạn ở xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông.

Nhờ sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương và người dân, từ năm 2013 đến tháng 6-2018, trên địa bàn huyện Krông Bông, Ban Công binh (Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) đã thu gom, xử lý 12 vật liệu nổ các loại. Chúng hầu hết đều có sức công phá, hủy diệt cực lớn, trong đó phải kể đến 5 đầu đạn 105 mm, 1 quả 130 mm, 1 quả bom 250 bảng, 2 quả bom 100 bảng.

Đến phố thị

TP. Buôn Ma Thuột là địa phương được bộ đội Công binh phát hiện, thu gom, xử lý nhiều bom mìn, vật liệu nổ nhất toàn tỉnh. Chỉ tính từ năm 2013 đến tháng 6-2018, đơn vị đã xử lý 3.535 vật liệu nổ các loại, trong đó nhiều nhất là đạn cối 82 mm, cối 81 mm, cối 61 mm, đạn pháo 105 mm và đặc biệt là có 2 quả bom phá (mang số hiệu BMK81MOD125LB).

Căn nhà tuềnh toàng của gia đình ông Lò Văn Thái (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) nằm nép mình sau hội trường thôn 1. Chiến tranh loạn lạc, cả nhà ông không một ai hề hấn gì, vậy mà chỉ vì phút giây hiếu kỳ, một người đã vĩnh viễn ra đi. Chuyện xảy ra đã lâu nhưng ông vẫn nhớ, đó là một lần theo mẹ lên rẫy, ông và anh trai là Lò Văn Thành nhặt được một vật lạ màu thép giống như món đồ chơi liền xúm vào nghịch. Một tiếng nổ vang lên, ông Thành tử vong tại chỗ, còn ông Thái mất thính lực hoàn toàn, một mắt cũng hỏng vĩnh viễn. Sau này ông mới biết vật lạ ấy chính là đầu đạn M79.

Vốn là mảnh đất từng một thời là chiến trường ác liệt, toàn tỉnh Đắk Lắk có 143/184 xã, phường, thị trấn với hơn 152 nghìn ha đất bị ô nhiễm bom mìn, nằm rải rác ở nhiều khu vực.

Tận mắt chứng kiến bộ đội Công binh xử lý một hầm đạn ngay trước cửa nhà mình, bà Lê Thị Lượng (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) hoàn toàn bất ngờ vì bấy lâu cả gia đình, khu dân cư sống cạnh “thần chết”. Đó là thời điểm tháng 3-2018, trong lúc dò đường ống nước thải trên đường Y Bih Aleô, lực lượng Công binh (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) đã phát hiện một hầm đạn cối 60 mm chứa đến 72 quả đạn còn nguyên kíp và ngòi nổ.

Đây không phải là lần đầu tiên lực lượng chức năng và người dân phát hiện bom mìn ngay giữa trung tâm thành phố, nơi có nhịp sống hối hả, đông đúc người xe qua lại mỗi ngày. Trước đó tháng 1-2017, tại các đường Quang Trung, Phan Bội Châu (TP. Buôn Ma Thuột), trong lúc thi công cống thoát nước thải, công nhân đã phát hiện rất nhiều đạn cối, đạn xe tăng và các loại vật liệu nổ khác.

Trung tá Đoàn Minh Chút, Chủ nhiệm Công binh (Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) lý giải, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, phía Tây TP. Buôn Ma Thuột từng là hướng phòng thủ chủ yếu của địch nên đây có thể là lý do khiến lượng bom đạn vẫn còn rất nhiều trong lòng đất. 

(Còn nữa)

Quỳnh Anh

    Nguồn: "Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ