A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Cháy mãi ngọn lửa yêu nghề

13:12 | 20/11/2013

Sự hy sinh thầm lặng của những thầy, cô giáo vùng sâu càng đáng trân trọng hơn khi họ không chỉ dạy học sinh bằng tình yêu thương, mà còn là tấm gương sáng về tinh thần tự học và sáng tạo không ngừng.

Dạy trẻ bằng tình yêu thương

Trường Tiểu học Kim Đồng (huyện Ea H’leo) không nằm trong số 74 trường triển khai thí điểm mô hình trường học mới (VNEN), nhưng lại có một lớp học được tổ chức theo mô hình này. Đó là lớp 3A1 do cô giáo  Phạm Thị Giang Thanh chủ nhiệm và là tác giả của ý tưởng này. Cô Thanh cho biết:  “Cách tổ chức lớp học của mô hình VNEN gây ấn tượng cho mình ngay lần đầu tiên đến tham quan. Mình mạnh dạn đề xuất với Ban Giám hiệu, Phòng GD-ĐT cho phép tổ chức thí điểm một lớp học tương tự”. Được sự đồng thuận của cấp trên, cô Thanh bắt tay vào tổ chức lớp học. Trước tiên là bố trí học sinh ngồi học theo nhóm, cho các em tự bầu Hội đồng tự quản và các ban trong lớp; tiếp đó là xây dựng các góc học tập: khoa học, chia sẻ, điều em muốn nói… Cơ sở vật chất thiếu thốn, lại không có sách giáo khoa, nên cô Thanh không thể bê nguyên xi hình mẫu lớp học của các đơn vị bạn mà chỉ học cách tổ chức lớp học theo nhóm.  Trong quá trình sắp xếp nhóm, cô Thanh bố trí xen kẽ  những học sinh học lực trung bình, học sinh dân tộc thiểu số ngồi xen kẽ với nhau. Sự phân công công việc trong một nhóm rất rõ ràng, mỗi người một nhiệm vụ, những học sinh yếu cũng được tham gia và bình đẳng như các bạn khác trong nhóm. Điểm khác biệt lớn nhất ở mô hình này, là trong mỗi tiết học, tất cả học sinh đều được kiểm tra thông qua các bạn trong nhóm hoặc các thành viên nhóm khác nên không xảy ra tình trạng “giấu dốt”. Với đặc thù của một ngôi trường có đông học sinh dân tộc thiểu số, việc chia nhóm để dạy đem lại hiệu quả rõ rệt. Điều này không chỉ được giáo viên trong trường khẳng định, ngay cả phụ huynh cũng cảm nhận được sự thay đổi này. “Từ khi triển khai mô hình này, các em học sinh, nhất là học sinh dân tộc thiểu số mạnh dạn, tự tin hơn trong học tập”, cô Thanh hào hứng nói. Để khuyến khích các em tích cực học tập, cô Thanh còn xây dựng hình thức khen thưởng rất sáng tạo. Những em năng nổ trong học tập, thường xuyên phát biểu ý kiến xây dựng bài sẽ được thưởng món quà là “ông mặt cười”. Cuối tuần các nhóm sẽ bình xét thi đua trên cơ sở phần thưởng cô giáo đã tặng. Hình thức khen thưởng này đã động viên các em nỗ lực vươn lên trong học tập và yêu thầy, mến bạn. Liên tục nhiều năm liền, lớp do cô Thanh chủ nhiệm không có học sinh bỏ học giữa chừng.

Với những đóng góp cho ngành, cô Phạm Thị Giang Thanh vinh dự  nhận Bằng khen và biểu trưng Giáo viên tiêu biểu giai đoạn 2012-2013.
Với những đóng góp cho ngành, cô Phạm Thị Giang Thanh vinh dự nhận Bằng khen và biểu trưng Giáo viên tiêu biểu giai đoạn 2012-2013.

Say mê thiết kế bài giảng e-Learning

Năm 1993 tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Dak Lak, cô Phạm Thị Hồng Hạnh về giảng dạy tại Trường Tiểu học Kim Đồng (huyện Ea H’leo). 11 năm sau, Trường TH Lý Tự Trọng (huyện Ea H’leo) được thành lập, cô chuyển về công tác tại đây cho đến nay. Trong mỗi bài giảng của cô luôn tràn đầy nhiệt huyết, mỗi lứa học sinh vẫn hết sức thân thuộc và gần gũi. Không nói nhiều về những gian khó, câu chuyện của cô Hạnh bắt đầu từ thời điểm Bộ GD-ĐT phát động phong trào thi đua “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương tự học, sáng tạo”. Với suy nghĩ, làm thầy giáo, không chỉ mang kiến thức đến với học sinh, giúp các em chủ động, hứng thú trong học tập mà còn phải luôn trau dồi, học hỏi để tìm ra cái mới, đáp ứng  yêu cầu đổi mới giáo dục, cô Hạnh đã tự mày mò, học hỏi và sáng tạo nhiều cách dạy thu hút học sinh. Cô Hạnh bộc bạch: “Cũng như nhiều giáo viên lần đầu tiên tiếp cận với máy vi tính tôi rất bỡ ngỡ. Nhiều hôm loay hoay đến 3 giờ sáng vẫn không thể soạn bài giảng như ý muốn. Chia sẻ những khó khăn với đồng nghiệp trong trường, cuối cùng tôi và mọi người quyết định góp tiền thuê kỹ thuật viên tin học hướng dẫn cách thiết kế bài giảng điện tử”. Trong quá trình tự nghiên cứu, cô Hạnh nhận thấy phương pháp giáo dục trực tuyến hay còn gọi là e-Learning là một trong những phương pháp giảng dạy khoa học, giúp người học có thể học qua nhiều nguồn học liệu. Vì thế, cô Hạnh lên mạng tìm đọc các tài liệu hướng dẫn cách sử dụng các phần mềm để soạn bài giảng e-Learning. Cô Hạnh cho biết: “Một thuận lợi khi sử dụng giáo án điện tử, máy chiếu..., giáo viên không mất nhiều thời gian ghi lên bảng, học sinh hứng thú vì nghe, xem, cảm nhận với những hình ảnh, đoạn phim sinh động. Nếu như trước đây, cô thường lên mạng dowload những hình ảnh, đoạn video clip để minh họa cho bài giảng, thì hiện nay đã tự mình chụp ảnh, quay phim các hoạt động của trường, địa phương có liên quan đến nội dung bài học để đưa vào bài giảng điện tử. Nhìn các em háo hức chờ đón tiết học, mọi mệt nhọc không còn nữa và cô như có thêm động lực để tiếp tục đầu tư thời gian công sức soạn bài giảng kế tiếp. Vừa học, vừa làm, cô Hạnh đã thực hiện thành công nhiều bài giảng điện tử và mang lại hiệu quả cao. Liên tục trong 2 năm học 2011-2012 và 2012-2013, những bài giảng điện tử do cô Hạnh thiết kế được Sở GD-ĐT công nhận. Niềm đam mê soạn giáo án điện tử của cô Hạnh đã truyền đến tất cả giáo viên trong trường. Mặc dù ở vùng sâu, mới thành lập, nhưng Trường TH Lý Tự Trọng luôn là đơn vị dẫn đầu khối Tiểu học về ứng dụng công nghệ thông tin, với 100% giáo viên sử dụng giáo án điện tử.

Gia Nguyên

 

    Nguồn: Báo Đắk Lắk điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ