A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Ở một ngôi trường vùng "Ốc đảo"

09:58 | 20/11/2013

Những ngày này, không khí ở buôn Cham dường như trở nên tươi vui hơn khi những em học sinh của các lớp học tại phân hiệu 2, ...

...Trường Tiểu học Nơ Trang Gưh buôn Cham, xã Ea Sol (Ea H’leo) đang háo hức chuẩn bị những tiết mục văn nghệ để chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam.
 
Những khuôn mặt còn lấm lem nhưng các em rất hào hứng học hát, học múa. Từng lời ca, dẫu chưa thật rõ lời, đúng nhịp nhưng thật hồn nhiên, đáng yêu: “Cô giáo em người xinh xinh, cô hay cười mắt cô long lanh.Cô rất yêu dòng kênh xanh, uốn quanh cánh đồng thơm mùa lúa mới. Em yêu cô, em yêu ruộng đồng có đàn sáo bay…”. Hát vui là thế, các tiết mục múa chuẩn bị cho các em cũng thật đơn sơ và giản dị. Những trang phục được cắt từ các bao đựng cà phê, vừa mặc vừa lấy ghim bấm cho khỏi bung; những chiếc lá của cây bàng trước sân, cây dừa trong buôn đã được các cô cẩn thận cắt lại và làm thành những trang phục để các em biểu diễn. Từ đó những điệu múa của bài “Nổi trống lên các bạn ơi” nhịp nhàng, nhịp nhàng theo từng bước chân tí hon, những bàn tay bé xíu được cô giáo hướng dẫn tận tình, đã làm cho các em hào hứng tập luyện. Cô Su Rim, giáo viên chủ nhiệm lớp 2 cho biết: Hồi mới tập, nhiều em chưa biết nghe nhạc nên chỉ tập múa chứ không biết vào nhịp. Giờ tập nhiều nên các em đã biết vào nhịp, nên cô quyết định cho các học sinh tập hát múa luôn. Vui hơn nữa là vào ngày 20-11 này, Ban giám hiệu nhà trường quyết định sẽ thuê xe chở toàn bộ học sinh ra điểm trường chính để các em được vui chơi, ca hát cùng với toàn bộ thầy cô và học sinh của trường. Em H’ Uyên, học sinh lớp 5 cho biết, sắp tới được ra trường chính em vui lắm nên phải cố gắng tập hát, múa thật tốt để được biểu diễn trước toàn trường. Những tiếng cười đùa cùng các điệu múa của các em học sinh tại đây dường như đã phá tan đi cái không khí tịch mịch, yên bình của một ngôi làng nằm cách biệt cộng đồng, mà người dân vẫn thường hay gọi là vùng “ốc đảo” của Ea Sol.
 
Những giáo viên vùng sâu luôn cố gắng hết mình trong việc dạy “con chữ” cho các em học sinh và động viên các em chuyên cần đến trường.
Những giáo viên vùng sâu luôn cố gắng hết mình trong việc dạy “con chữ” cho các em học sinh và động viên các em chuyên cần đến trường.

Tập hát múa vui là vậy thế nhưng việc học của các em ở đây cũng lắm gian truân. Toàn bộ buôn Cham có khoảng 132 hộ dân với hơn 750 nhân khẩu. Do đất của buôn Cham chủ yếu là đất pha cát, sỏi, nên cuộc sống của người dân chủ yếu trông chờ vào các cây nông nghiệp ngắn ngày, như: bắp, đậu xanh; một số ít diện tích tiêu, và nuôi heo, bò thả rông… Cuộc sống còn rất khó khăn, hằng ngày toàn bộ người lớn trong buôn đều đi lên rẫy nên hầu như ít người quan tâm đến việc học hành của con cái mà chủ yếu đều trông chờ vào thầy, cô giáo của trường. Toàn bộ lớp học trong buôn và của điểm trường là do Chương trình đảm bảo chất lượng (SEQAP) tài trợ nên đều rất kiên cố và đầy đủ, thế nhưng vẫn còn đó nhiều khó khăn, thiếu thốn. Cô Su Rim cho biết, tại điểm trường buôn Cham hiện vẫn chưa có khu nhà vệ sinh nên rất bất tiện cho các thầy cô; giếng và bể nước phục vụ sinh hoạt đã bị hỏng hoàn toàn; mỗi lần vệ sinh lớp học, các em học sinh đều phải ra con suối gần đó xách nước về dùng. Khổ nhất là vào mùa mưa, do trường xây trên vùng trũng nên nước cứ dồn về, toàn bộ sân trường trở thành một cái ao nhỏ, những bầy heo do người dân thả rông chạy vào trường càng làm cho sân trường trở nên lầy lội hơn. Nước còn tràn vào lớp học, các em học sinh đều phải lội nước, lội bùn mà học. Thậm chí những ngày mưa, giáo viên cũng không dám cho học sinh ra chơi vì nếu ra chơi các em liền chạy ra ngoài, chơi một lúc rồi bỏ về nhà.

Ngoài ra, các hộ dân ở trong buôn đều rất đông con, đời sống khó khăn nên nhiều em đi học đều phải mang em để trông chứ để ở nhà thì không có ai! Những lúc đang học, các em nhỏ khóc nên các cô, đều phải ngưng giảng để dỗ dành giùm… Vất vả về đời sống là vậy thế nhưng rất nhiều thầy, cô trong trường đều xung phong về đây giảng dạy. Cô H’ K’hiet tâm sự: “Gia đình em ở huyện Krông Pak, thấy các em còn nhiều khó khăn nên em xung phong vào đây dạy. Mặt khác nhiều em học lớp 1 không biết tiếng Việt nên em sẽ giúp ích được rất nhiều trong việc truyền đạt kiến thức”. Có gia đình cả 4 anh em học không được đi học, các cô phải vào vận động và thuyết phục. Bởi thế nên lớp của cô Su Rim có bốn anh em: Sái, Lin, Tin, Tháo của nhà K’Sơr (sinh năm 1998, 2002, 2004 và 2006) cùng học chung một lớp. Lúc đầu vận động các em đi học rất khó khăn, vì đa phần đồng bào nghĩ rằng, lớn rồi đi làm kiếm cái ăn trước đã. Nhưng nhờ sự vận động kiên trì của cô giáo nên các em vui vẻ đến lớp. Khó nhất là những em lớn tuổi, nếu không khéo thì các em rất dễ tự ái. Giờ đây cả 4 anh em đi học rất đều và có em là học sinh giỏi của lớp.

Hoàng Gia

    Nguồn:Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ