A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Bộ đưa ra rồi Bộ... rút lại!

07:51 | 31/10/2018

Dù là nội dung trong dự thảo hay thông tư đã công bố, nhiều luật gia, chuyên gia giáo dục, phụ huynh học sinh đều cho rằng quy định đề cập việc đuổi sinh viên nếu bị phát hiện tham gia hoạt động mại dâm tới 4 lần...

.... của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) là không phù hợp, phi thực tế, thậm chí là vi phạm Pháp lệnh Phòng chống mại dâm.

Dự thảo Quy chế Công tác học sinh - sinh viên các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng (CĐ), trình độ trung cấp hệ chính quy đề cập việc xử lý đối với sinh viên có hoạt động mại dâm. Tuy nhiên, hình thức xử phạt vi phạm này nói riêng và các vi phạm khác trong dự thảo lại hoàn toàn giống khung xử lý kỷ luật sinh viên đăng kèm thông tư ban hành Quy chế Công tác sinh viên với chương trình đào tạo ĐH chính quy, được Bộ GD-ĐT ban hành từ tháng 4-2016 và đang còn hiệu lực.

Ngay khi vừa đưa ra lấy ý kiến của dư luận về dự thảo Quy chế Công tác học sinh - sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ CĐ, trung cấp, tối 29-10, Cổng thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT rút nội dung dự thảo này.

Đây chỉ là văn bản gần nhất của Bộ GD-ĐT đã "chết từ trong trứng nước" trước khi ra đời. Mới cách đây 6 tháng, ngày 17-4, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ ký ban hành quyết định phê duyệt đề án đổi mới thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ sư phạm, trung cấp sư phạm hệ chính quy giai đoạn 2018-2020. Sau 1 tháng ban hành, đề án này đã "chết yểu" - bị chính bộ trưởng Bộ GD-ĐT thu hồi sau khi dư luận lên án gay gắt.

Chưa hết, cách đây đúng 1 năm, ngày 3-10-2017, Bộ GD-ĐT ban hành Văn bản số 4612/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018. Theo đó, văn bản yêu cầu các sở GD-ĐT chỉ đạo cơ sở giáo dục phổ thông điều chỉnh nội dung dạy học, trong đó có nội dung yêu cầu "cập nhật thông tin mới", đồng thời, "tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa". Văn bản này gây chấn động khi chứa đầy mâu thuẫn, làm khó các nhà trường, giáo viên và hơn nữa không đúng với phương pháp, truyền đạt trong thời đại công nghệ 4.0. Sau khi đưa ra văn bản, Bộ GD-ĐT đổ thừa: "Việc diễn đạt đã gây hiểu lầm".

Điều khiến dư luận quan ngại không chỉ là những sai sót trong công tác soạn thảo văn bản như lãnh đạo bộ thường đổ lỗi, mà đó còn là tầm nhìn, các chủ trương chính sách và năng lực quản lý của Bộ GD-ĐT. Nhiều vấn đề lớn khác như dự thảo Chương trình các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông mới đã công bố từ đầu năm nhưng việc chính thức công bố khung chương trình giáo dục phổ thông mới liên tục lùi từ tháng 4 rồi đến tháng 10-2018 và đến nay cũng biệt vô âm tín.

Điều này cho thấy còn nhiều lúng túng trong xây dựng soạn thảo các văn bản pháp quy giáo dục cả về nội dung và hình thức. Bên cạnh đó là trách nhiệm của những người cho ra đời các văn bản bị dư luận phản ứng đến mức phải thu hồi từ trước đến nay vẫn không bị xử lý mà luôn tìm cách đổ lỗi cho khách quan.

Đề cao vai trò của bộ trưởng trong công tác xây dựng thể chế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nêu rõ: "Văn bản nào mà sau này ban hành có sai sót, phải sửa đổi thì bộ trưởng chủ trì soạn thảo phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ". Có thực hiện được như vậy thì mới không còn những văn bản (hoặc dự thảo văn bản) "trời ơi" như vừa qua. 

ĐỨC THÙY

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn).

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ