A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Sinh viên chọn nhầm ngành nghề: Lỗi tại ai?

09:21 | 09/11/2018

Hàng ngàn sinh viên bỏ học mỗi năm vì chọn nhầm ngành nghề - đây là thông tin vừa được đưa ra tại hội thảo Mô hình giáo dục 4.0 áp dụng, triển khai tại Việt Nam do ĐHQG TPHCM tổ chức.

Cũng từ nội dung liên quan đến việc chọn ngành nghề, trước mùa tuyển sinh 2019 những trăn trở về giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông lại được đặt ra

Tư vấn hướng nghiệp cho phù hợp với năng lực người học là cần thiết. Ảnh: Đặng Mạnh Dũng.

Hướng nghiệp cho có

Tại hội thảo nói trên, PGS.TS Vũ Hải Quân- Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM cho rằng hàng năm trong hệ thống ĐH này có hàng ngàn sinh viên bỏ học vì nhiều lý do khác nhau. Trong đó có lý do chọn nhầm ngành nghề. 

Trước đó, bước vào năm học 2018- 2019 nhiều trường ĐH trên cả nước cũng đã buộc cho thôi học hàng ngàn sinh viên, trong số nhiều lý do, có nguyên nhân sinh viên bị đuổi học do chọn nhầm ngành nghề, không thích nghi được với môi trường học nên nảy sinh tâm lý chán nản. 

PGS.TS Trần Văn Tớp- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng đồng tình với quan điểm rằng nếu các trường dồn hết môn đại cương, cơ bản vào năm thứ nhất, sẽ khiến sinh viên có cảm giác nặng nề, chương trình học khó. Với trường đào tạo thiên về kỹ thuật như ĐH Bách khoa Hà Nội, môn học cơ bản là rất cần thiết. Đôi khi, sinh viên không hiểu học những kiến thức này để làm gì, dẫn đến lơ là, dễ “đứt gánh giữa đường”. 

Dẫu thế, nhìn lại chặng đường trước khi các bạn trẻ bước chân vào giảng đường ĐH, nhiều em cho biết khi học lớp 12, họ đã rất loay hoay trước cánh cửa chọn ngành nghề để vào đời. Bà Nguyễn Thị Nhiếp- Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hoà (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, đã từng hỏi 452 học sinh lớp 12 của mình sau này các em sẽ làm nghề gì nhưng chỉ có 2 bạn phân tích rõ ràng vì sao mình chọn nghề này cho mình trong tương lai. 450 bạn khác không biết mình sẽ làm nghề gì. Phân tích với các bậc phụ huynh, bà Nhiếp cho rằng đang xảy ra hiện tượng chệch hướng trong việc chọn trường chọn nghề ở bậc phổ thông. Các em học sinh cần được định hướng nghề nghiệp trước rồi mới chọn trường phù hợp sau.

Nhưng việc thiếu định hướng cho học sinh phổ thông nói chung, học sinh THPT nói riêng trước ngưỡng cửa vào đời, lập nghiệp – có thể đổ lỗi cho ai? Trong khi lỗ hổng trong định hướng nghề nghiệp, hoặc tư vấn hướng nghiệp theo kiểu làm cho có cũng đang là tồn tại bấy lâu ở giáo dục bậc phổ thông. Ông Nguyễn Xuân Thành- Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) cho hay, hiện nay Bộ bỏ quy định cộng điểm thi nghề trong xét tuyển vào lớp 10 THPT bởi xuất phát từ thực tế việc học và thi nghề phổ thông bỗng thành mục tiêu phấn đấu… chỉ để cộng điểm. Trong khi ý nghĩa của việc học và thi nghề là làm cho công tác hướng nghiệp học sinh tốt hơn, phù hợp hơn với điều kiện gia đình, năng lực bản thân. 

Cần thực chất 

Theo Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” đã được Chính phủ phê duyệt mới đây, đến năm 2020, ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS sẽ học nghề trình độ sơ cấp; ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THPT sẽ học các trường CĐ. Những mục tiêu này đang đặt ra kỳ vọng về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông đang tồn tại rất hình thức bấy lâu. Cụ thể, mục tiêu đến năm 2020 của đề án là khoảng 55% trường THCS, 60% trường THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương…

Dẫu thế, trước những con số định lượng của Đề án nói trên, rất nhiều băn khoăn đang được đặt ra. Mặc dù ngành giáo dục đã triển khai nhiều giải pháp để tăng hiệu quả công tác hướng nghiệp, song nhiều năm qua, hướng nghiệp cho học sinh còn mang nặng tính hình thức, đa phần học sinh vẫn ít quan tâm tới học nghề.

Nhiều chính sách khuyến khích học sinh sau THCS học nghề cũng đã được ngành giáo dục triển khai như giảm 50% học phí, khi tốt nghiệp được cấp hai bằng gồm THCS và bằng nghề, song việc chọn trường nghề của học sinh lớp 9 vẫn không có nhiều chuyển biến. Ông Hoàng Ngọc Vinh- nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT) cho biết, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề hằng năm chỉ chiếm khoảng 10%.

Trong mùa tuyển sinh 2018, khảo sát từ nhiều địa phương cho thấy hiện nay học sinh phổ thông chứng kiến xu thế sinh viên ra trường khó tìm kiếm việc làm nên nhiều em có nguyện vọng đi du học, xuất khẩu lao động. Mặc dù công tác hướng nghiệp trong trường có triển khai, nhưng không thiết thực nên các em phải tự mày mò, tìm hiểu, tự “bơi” trong biển thông tin nghề nghiệp, cùng với sự định hướng của gia đình. Do đó dẫn đến tình trạng thí sinh ồ ạt đăng ký vào những ngành nghề mà các em cho rằng có thể đảm bảo tìm được việc làm, được nhà nước bao cấp như Quân sự, Công an… hoặc một số ngành được cho là “hot” như Y, Dược. Hoặc ở nhiều địa phương, tỷ lệ học sinh đăng ký chỉ thi để lấy bằng tốt nghiệp THPT ngày càng cao, có những trường là 100%.

Như vậy, thật khó có cơ sở để tin rằng, những con số định lượng mục tiêu trong Đề án giáo dục hướng nghiệp sẽ đạt kết quả. Theo các chuyên gia, nếu không thay đổi nhận thức và tư duy, cũng như cách làm trong giáo dục hướng nghiệp, phân luồng, có khi vẫn là chuyện “bình mới rượu cũ”. Nếu dạy và học nghề vẫn tồn tại- với mục đích hướng nghiệp, mà kết quả không thực chất, rất cần xem xét lại một cách nghiêm túc việc dạy nghề trong nhà trường phổ thông để tránh lãng phí.     

Mạnh Dũng

    nguồn daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ